Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là tài liệu bắt buộc phải nộp cùng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là văn bản giúp chủ đơn nêu được chi tiết thông tin của kiểu dáng công nghiệp. Là cơ sở chứng minh tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng đề nghị được bảo hộ.
Điều kiện kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
– Có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
– Có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
– Có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
Người nộp đơn phải nộp 01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, bao gồm các nội dung sau đây:
Tên kiểu dáng công nghiệp
Tên kiểu dáng công nghiệp là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện một cách ngắn gọn bằng các từ ngữ thông dụng, không mang tính chất quảng cáo, không chứa ký hiệu, chú thích, chỉ dẫn thương mại;
Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp
Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp là lĩnh vực sử dụng cụ thể của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ mục đích sử dụng, công dụng, chức năng của sản phẩm đó;
Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất
Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất: nêu rõ có hay không có kiểu dáng công nghiệp tương tự, nếu có thì chỉ ra kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất với kiểu dáng công nghiệp của cùng loại sản phẩm nêu trong đơn, đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên). Trong đó phải chỉ ra nguồn thông tin bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đó;
Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ
Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ: liệt kê lần lượt các ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh (ba chiều), hình chiếu, mặt cắt… của kiểu dáng công nghiệp, phù hợp với số thứ tự được ghi của ảnh chụp, bản vẽ;
Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp
Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, và cần được mô tả chi tiết như sau:
- Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đã nêu, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ;
- Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có);
- Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được…) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau;
- Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phải nêu phương án cơ bản và đánh số lần lượt các phương án biến thể khác. Trong đó chỉ rõ các đặc điểm tạo dáng khác biệt của từng phương án biến thể so với phương án cơ bản;
- Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó.
Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoặc “yêu cầu bảo hộ”): phải liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ và phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện trên ảnh chụp, bản vẽ nêu trong đơn, bao gồm các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
- 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
- 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp và các quyền sở hữu hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ Công ty luật LVN Group – Hotline 1900.0191 để được hỗ trợ cụ thể!