Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn gay gắt về nạn chạy chức, chạy quyền nhưng câu trả lời cho vấn đề này là chưa thoả đáng.

Về pháp lý, bản chất của hành vi biếu xén, là đưa hối lộ. Tội phạm này được quy định trong luật hình sự hiện hành. Về văn hoá, nó phản ánh một khía cạnh của tệ nạn “văn hoá phong bì” và cao hơn, nó nói rằng chuyện đề bạt cán bộ, chuyện ứng xử công vụ của công chức trong hệ thống có nhiều vấn đề phức tạp.

Báo KH&ĐS xin cung cấp thêm một cách nhìn về nạn biếu xén trong hệ thống công quyền hiện nay.

 Chạy chức là phạm tội

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  - 1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  – 1900.0191

 ———————————————————

 Luật sư Trần Hồng Phong, giám đốc Công ty luật hợp danh Ecolaw,TPHCM:

 Phẩm chất đạo đức cán bộ có vấn đề  : Chuyện ông Võ Thanh Bình, bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nộp 100 triệu đồng được cho là tiền “chạy chức” và chuyện ông Lô Ích Giang, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhận và sử dụng quà biếu cả tỷ đồng đã “bộc lộ” nhiều điều đáng bàn về phẩm chất của cán bộ công chức hiện nay. Cán bộ công chức theo “định nghĩa” của Bác Hồ là “người đầy tớ của nhân dân”, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Nhưng công chức, cán bộ của ta hiện nay “nói vậy mà không phải vậy”. Ai có chức tước càng cao thì bổng lộc càng nhiều, cơ hội tham ô trục lợi càng lớn. Theo tôi việc “chạy chức” chính là một kênh thông tin gián tiếp cho thấy phẩm chất và năng lực cán bộ công chức của nước ta hiện nay là “có vấn đề”. Tất nhiên, không thể vơ đũa cả nắm, ai cũng như ai, nhưng nếu có một cuộc điều tra kỹ lưỡng, có thể sẽ phát hiện ra một tỷ lệ không nhỏ cán bộ, công chức hiện nay được bổ nhiệm là do… bỏ tiền ra mua.

 Chuyện mua quan bán chức là một hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng và tác động thật khó lường hết. Nhất là trong tình hình và xu thế kinh tế thị trường hiện nay, khi mà các quan hệ xã hội đều đang dần dần chuyển hóa thành giá trị, tiền bạc, có thể đong đếm mua bán như một món hàng hóa. Trước sự chuyển biến như vậy, pháp luật hình sự hiện nay chưa theo kịp. Tới nay chưa có quy định về tội mua bán chức quyền. Các sai phạm về dạng này chưa được đánh giá đúng mức, mới chỉ xem xét và xử lý theo kiểu nội bộ, hành chính. Với diễn biến và mức độ khá phổ biến như hiện nay, chúng ta cần có quy định về tội danh này trong Bộ luật hình sự.

Trở lại sự việc, tôi cho rằng trước mắt cần khởi tố vụ án hình sự, qua đó xác minh làm rõ về tội “đưa hối lộ” đối với những người đưa tiền cho ông Bình và ông Giang. Luật hình sự quy định chỉ đưa từ 500 ngàn đồng đã có thể bị truy cứu về tội đưa hối lộ. Không thể có chuyện đưa cả trăm triệu đồng mà… không sao cả! Đối với ông Bình và ông Giang, cũng cần làm rõ các vị này sai phạm tới mức độ nào để xử lý. Cụ thể, ông Bình có bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bố trí, sắp xếp, xử lý cán bộ chưa? Tại sao ông lại cố tình lần lữa trong việc công bố danh tính của người “đưa hối lộ”?

Đối với ông Giang, việc nhận quà biếu chắc chắn là sai. Tuy nhiên, tôi thực sự rất bất ngờ trước sự vô tư về mặt pháp luật của một cán bộ cao cấp như vậy. Theo quan điểm của tôi, cho dù ông Giang không chiếm giữ riêng cho mình đồng nào đi nữa thì hành vi nhận tiền và xử lý như vậy cũng không thế chấp nhận được. Nói cách khác, ông Giang chưa có đủ bản lĩnh chính trị và kiến thức pháp luật tương xứng với trị trí mà ông đang nắm giữ.
 

Luật gia Hoàng Phúc, Hội luật gia TPHCM:

Công khai tiêu chuẩn đối với các vị trí cán bộ công chức

Với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội ở trình độ như hiện nay, khi mà quyền dân chủ được tôn trọng, chức tước thật không dễ có thể mua bán. Vì nếu ai đó được bổ nhiệm (hay thậm chí “mua” được) vào vị trí, chức vụ mà mình không có khả năng, năng lực thì sớm hay muộn rồi cũng bị “xì” ra – thể hiện ở khả năng quản lý, điều hành kém cỏi. Khi đó, theo quy định hiện hành thì cơ quan cấp trên cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Như vậy, nếu pháp luật thật sự được thực thi thì chắc chắn không thể có hiện tượng mua quan bán chức. Nhưng do thực tế vẫn xảy ra chuyện này, như ở Cà Mau mới đây, nên tôi chợt nghĩ rằng hình như luật hình sự của nước ta vẫn còn thiếu một điều luật nói về tội mua quan bán chức. Và cũng chính vì vẫn còn tồn tại chuyện mua quan bán chức, nên có lẽ ai cũng đồng tình với việc nhất thiết cần phải công khai tiêu chuẩn, điều kiện đối với các vị trí cán bộ công chức. Chính sách cán bộ cũng cần phải thật sự minh bạch, rõ ràng. Có như vậy mới “triệt” được chuyện mua quan bán chức.

 PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên BCH liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TPHCM:

 Chỉ là giọt nước làm tràn ly

 Lâu nay trong xã hội, việc chạy chức quyền, chạy biên chế, chạy chỗ làm bổng lộc cao, kiếm tiền dễ… dẫn đến việc “biếu xén”. Người ta gọi những việc làm trên là “Tệ nạn xã hội”. Nhưng thực sự nó không đơn thuần là tệ nạn xã hội mà phải gọi cho đúng tên của cái hiện tượng mua quyền làm quan, mua chức tước… hoặc dùng quyền để đổi chác hoặc nói thẳng ra là bán những thứ người ta cần mua trên đã trở thành một thứ nhân sinh quan phản văn hóa của cả hai loại người mua và người bán. Bởi phải có kẻ dám lợi dụng quyền trong tay để bán thì mới có người dám dùng tiền và những loại “hàng hóa” khác để mua hoặc đổi chác.

 Để phần nào giải quyết vấn nạn trên, cần xây dựng luật chặt chẽ, phát động cuộc vận động trên toàn quốc chống lại triết lý sống lạc hậu phản văn hóa thể hiện qua việc mua bán chức quyền. Thường xuyên nâng cao nhận thức xã hội nhân văn cho cộng đồng. Đồng thời phải có cơ chế phân phối xã hội công bằng, tiêu chí đối với giáo dục cộng đồng minh bạch chỉn chu, tôn vinh những gương quan chức thanh liêm. Khi đã “chỉ tận tay, day tận trán” ai tham nhũng, ở đâu tham nhũng… thì phải phòng bằng được, chống bằng được.

 KS Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch Hội KHKT Xây dựng TPHCM:

 Tiền biếu xén quan chức được coi là tiền hối lộ, tiền lót tay

 Phải khẳng định rằng, tiền biếu xén quan chức chính là tiền hối lộ, tiền lót tay. Bởi, người biếu và người nhận đều có mục đích, nhất là với số tiền, quà biếu với số lượng, giá trị lớn. Biếu xén, quà cáp người đưa đã nhắm đến người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích làm người đó đáp ứng nhu cầu, lợi ích cho mình, người đưa đã hoàn thành tội đưa hối lộ. Mà khi người có chức vụ quyền hạn đã nhận, tức cũng đã hoàn thành xong tội nhận hối lộ. Nếu cán bộ liêm khiết thì phải từ chối thẳng thừng mọi khoản quà cáp, biếu xén “trên mức tình cảm”.

 Chính “tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp” sẽ là chuẩn mực để ngăn ngừa những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội ta. Những người hảo tâm có tiền nên đóng góp vào quỹ từ thiện, không nên tỏ ra mình là người rộng rãi, biết điều… bởi vô hình trung việc biếu xén sẽ làm tha hóa nhiều người ở các bộ máy nước ta. Các tổ chức nên xây dựng và ban hành “tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp” ngắn gọn dễ nhớ, xem đây là “lời thề” khi nhận nhiệm vụ, phải cam kết và công khai để mọi người kiểm tra, xử lý thật nghiêm minh khi sai phạm. Đồng thời thành lập “ban chỉ đạo phòng và chống tham nhũng” trực thuộc Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh thành. Bao gồm những người ưu tú, trong sáng nhất, không tính tuổi tác, phải tìm cho được một “Bao Công” ở Trung ương và nhiều “Bao Công nhỏ” ở các tỉnh, thành. Ngoài ra, nên tăng cao hệ số lương trách nhiệm cho những người đứng đầu các tổ chức và buộc họ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi tiêu cực xảy ra trong đơn vị do mình phụ trách.

Theo ECOLAW.VN

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Dịch vụ Luật sư của LVN Group, tư vấn pháp luật;
2. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự;
3. Dịch vụ Luật sư của LVN Group bào chữa tại tòa án;
4. Luật sư tranh tụng các vụ án hình sự;
5. Luật sư tư vấn thu hồi nợ cho doanh nghiệp;
6. Luật sư tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực hình sự;