Để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bằng biện pháp dân sự, một trong những biện pháp mà Tòa án áp dụng là buộc bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền của đối tượng SHTT. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là một dạng của thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự.
Sau khi nhãn hiệu đăng ký và được bảo hộ, chủ sở hữu thực hiện nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu của mình, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ sở hữu sẽ không tránh khỏi bị vi phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu từ các bên thứ ba.
Tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Khi đã có vi phạm xảy ra thì chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ bị thiệt hại ở mức độ nhất định. Thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:
- Thiệt hại về vật chất bao gồm: Các tổn thất về tài sản; Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận; Tổn thất về cơ hội kinh doanh; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại về tinh thần bao gồm: Các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Thiệt hại về vật chất và tinh thần là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và được xác định theo các căn cứ sau:
- Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền sở hữu trí tuệ và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.
- Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần: Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong Điều kiện nhất định, nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra.
- Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó; cụ thể là: Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm và giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả. Sự giảm sút, mất lợi ích đó là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
Khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường về tổn thất về tài sản, thì phải nêu rõ giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó. Tổn thất về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:
- Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ;
- Giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;
- Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.
Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình, thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường thiệt hại theo một trong các căn cứ sau đây:
- a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất.
- b) Giá trị chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện.
- c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a) và điểm b) nêu trên thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500 triệu đồng.
Các lưu ý khi thực hiện việc tính toán thiệt hại
Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền nêu ở điểm a) trên bao gồm thiệt hại về doanh thu, hàng tồn kho, giảm sút lợi nhuận và các thiệt hại vật chất khác mà chủ đối tượng sở hữu trí tuệ chứng minh được.
Trong trường hợp khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại thì nguyên đơn có thể cộng thêm vào đó khoản lợi nhuận bất chính mà bị đơn thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền.
Khi xác định khoản lợi nhuận này, cần phải xem xét các khoản chi phí mà bị đơn đã bỏ ra để có thể khấu trừ khoản tiền này trong tổng doanh thu của bị đơn hoặc xác định một phần lợi nhuận của bị đơn là doanh thu từ các hoạt động khác không liên quan đến hành vi xâm phạm. Tổng doanh thu của bị đơn được tính trên cơ sở toàn bộ các hóa đơn, chứng từ bán sản phẩm hoặc sử dụng tác phẩm vi phạm quyền của nguyên đơn.
Giá chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ nêu ở điểm b) trên được xác định theo một trong các cách sau:
- Là khoản tiền phải trả nếu người có quyền và người xâm phạm quyền tự do thỏa thuận, sẵn lòng ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ đó (phí bản quyền, phí li xăng hợp lý). Hành vi xâm phạm ở đây được coi là hành vi sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ.
- Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ giả định được xác định trên theo phương pháp xác định số tiền mà bên có quyền (nguyên đơn) và bên được chuyển giao (bị đơn) có thể đã thỏa thuận vào thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, nếu các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về khoản tiền đó.
- Dựa trên giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ được áp dụng trong lĩnh vực tương ứng được nêu trong các thông lệ chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trước đó (như các vụ chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực tương ứng trước đó đã được thanh toán hoặc bảo đảm trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, mức phí được nhiều người chấp nhận là hợp lý, được áp dụng thống nhất ở Việt Nam…).
Đối với mức bồi thường thiệt hại nêu tại điểm c) trên, Tòa án chỉ áp dụng trong trường hợp không thể định được mức bồi thường về vật chất của nguyên đơn theo các quy định đã nêu trên do bên nguyên chứng minh không thể có điều kiện tính toán hoặc không có đủ thị trường cho hàng hóa hợp pháp để có cơ sở xác định mức thiệt hại do giảm doanh thu bán hàng trước và sau khi xảy ra xâm phạm quyền. Tuy nhiên, nếu bị đơn chứng minh được rằng nguyên đơn không trung thực trong việc chứng minh thiệt hại của họ vì nếu yêu cầu bồi thường theo điểm a) và điểm b) nêu trên thì sẽ thấp hơn mức bồi thường theo điểm c) và nếu bị đơn chứng minh được mức thiệt hại thực tế của nguyên đơn thì Tòa sẽ không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn mà có thể chấp nhận yêu cầu của bị đơn để quyết định mức bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường trong trường hợp này tối thiểu không dưới 5 triệu đồng và tối đa không quá 500 triệu đồng căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan của từng vụ việc, cụ thể như sau:
- Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm (cố ý, vô ý, bị khống chế, xâm phạm lần đầu, tái phạm).
- Cách thực hiện hành vi xâm phạm (riêng lẻ, có tổ chức, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện).
- Phạm vi lãnh thổ, thời gian, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm.
- Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm (trong nước, quốc tế đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng của chủ thể quyền, hậu quả về vật chất).
Trong trường hợp này, nếu trong vụ vi phạm có nhiều đối tượng bị xâm phạm thì mức bồi thường chung cho tất cả các đối tượng đó không quá 500 triệu đồng. Tòa án quyết định bồi thường thiệt hại về tinh thần nếu nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình. Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy mức độ tổn thất về tinh thần như tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và các tổn thất khác về tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra cho chủ thể quyền mà Tòa án quyết định trong giới hạn từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ 05 triệu đống đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
Ngoài khoản bồi thường thiệt hại như trên chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.
Lưu ý về thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư
Theo quy định tại khoản 3 Điều 205 của Luật sở hữu trí tuệ, thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.
Chi phí hợp lý để thuê luật sư là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc; kỹ năng, trình độ của luật sư và lượng thời gian cần thiết để nghiên cứu vụ việc. Mức chi phí bao gồm mức thù lao luật sư và chi phí đi lại, lưu trú cho luật sư. Mức thù lao do luật sư thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ và phương thức tính thù lao quy định tại Luật Luật sư.