1. Uỷ quyền tự do và uỷ quyền theo lệnh của Nghị sĩ

Nghi sĩ có vai trò vừa là người đại diện của cử tri, vừa là nhà lập pháp và giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, nghị sĩ luôn có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên luật bầu cử và sức ép chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện đã làm thay đổi các cảm nhận và cam kết của từng nghị sĩ đối với vai trò của mình. Nhiều nghị sĩ trên thế giới được hỏi cho rằng vai trò quan trọng nhất và chiếm nhiều thời gian nhất của họ trong Nghị viện là làm luật; trong khi đó, người dân được hỏi lại trả lời rằng vai trò lớn nhất của nghị sĩ là bảo vệ lợi ích của cử tri. Điều này phản ảnh kỳ vọng khác nhau giữa công chúng cử tri với nghị sĩ về nghề làm nghị sĩ và vai trò của nghị sĩ.

Trong quá trình thực hiện vai trò đại diện, các nghị sĩ thường phải giải quyết vấn đề cần đại diện theo các quan điểm của cử tri hay đại diện trên cơ sở các xét đoán riêng của mình. Về mặt lí luận, người ta gọi việc đại diện theo phương thức hành động chủ yếu trên cơ sở quan điểm của các cử tri là phong cách đại diện “đại biểu”; còn việc đại diện theo phương thức hành động trên cơ sở xét đoán riêng của mình là phong cách đại diện “uỷ thác”. Hai lí thuyết về hai phong cách nói trên đã đặt các nghị sĩ vào sự lựa chọn khó khăn. Phong cách đại diện “đại biểu” yêu cầu các nghị sĩ phải tuân thủ các ý kiến của cử tri trong khi phong cách “uỷ thác” yêu cầu các nghị sĩ tuân theo những phán quyết của riêng mình. Để giải quyết vấn đề này, Nghị viện các nước thường đặt ra những quy định cụ thể về sự uỷ quyền của cử tri đối với các nghị sĩ. Theo đó, có hai hình thức uỷ quyền cơ bản là:  uỷ quyền tự do và uỷ quyền chịu lệnh.

Phương thức quy định phổ biến về trách nhiệm đại diện ở các nước hiện nay là phương thức “uỷ quyền tự do”. Theo đó, Hiến pháp hoặc pháp luật một số nước quy định rất rõ việc các nghị sĩ không bị ràng buộc bởi bất kì một sự chỉ đạo nào, dù là từ cử tri, đảng chính trị của mình hay từ bất kì một chủ thể nào khác và có thể quy định thêm việc cấm áp dụng phương thức “uỷ quyền chịu lệnh”. Chẳng hạn, ở Cộng hoà Pháp, hình thức uỷ quyền chịu lệnh đã bị cấm và Hiến pháp của Đệ ngũ Cộng hoà có quy định “các hình thức uỷ quyền chịu lệnh là không có giá trị”(1). Điều 38, Hiến pháp CHLB Đức quy định các thành viên của Hạ viện “không bị ràng buộc bởi bất kỳ một mệnh lệnh hay một chỉ thị nào và chỉ chịu trách nhiệm với bản thân lương tâm của mình”.

Điều 67, Hiến pháp Tây Ban Nha cũng quy định các nghị sĩ không bị ràng buộc bởi bất kỳ một sự uỷ quyền chịu lệnh nào. Các quy định tương tự như vậy có thể được tìm thấy ở nhiều bản Hiến pháp khác. Cũng cần phải lưu ý là theo hình thức uỷ quyền tự do, về nguyên tắc, pháp luật các nước cũng không bắt buộc các nghị sĩ phải tuân thủ các chủ trương, đường lối của đảng chính trị mà mình là thành viên trong các hoạt động tại Nghị viện. Đương nhiên là các đảng chính trị có thể khai trừ ra khỏi đảng mình những nghị sĩ không tuân theo kỉ luật của đảng, nhưng không vì vậy mà pháp luật bắt buộc các nghị sĩ mất đi địa vị là người đại diện của mình. Đi kèm với quy định đó, pháp luật của các nước cũng đảm bảo rằng các nghị sĩ không bị truất quyền đại diện bởi các cử tri mà chỉ có thể bị truất quyền đại diện bởi Nghị viện khi phạm phải những trọng tội. Chẳng hạn, Hiến pháp Thụy Điển không cho phép bất kỳ ai có quyền bãi nhiệm đại biểu là thành viên của Nghị viện trừ bản thân Nghị viện. Hình thức thể hiện sự chấp thuận của Nghị viện là một nghị quyết mà ở đó có sự đồng thuận của không ít hơn năm phần sáu tổng số nghị sĩ có mặt. Còn Hiến pháp của Australia lại quy định rằng, một nghị sĩ sẽ đương nhiên bị mất tư cách là thành viên của Nghị viện nếu người đó rơi vào một trong những vi phạm mà Hiến pháp đã quy định như: phản bội tổ quốc, bị kết án tù, không có khả năng thanh toán nợ(2). Hiến pháp Nhật Bản thì quy định, mỗi viện của Quốc hội đều có quyền trong việc xem xét các vấn đề liên quan đến tư cách các nghị sĩ của viện mình. Tuy nhiên, trong trường hợp bãi nhiệm một nghị sĩ thì Quốc hội cần phải thông qua một nghị quyết, trong đó thể hiện sự chấp thuận của trên hai phần ba số thành viên có mặt(3).

Việc không quy định quyền của cử tri trong việc chấm dứt địa vị của người đại diện trong thời gian có hiệu lực của nhiệm kì chính là nhằm đảm bảo sự tự do của những người đại biểu trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nước cũng có quy định về hình thức uỷ quyền chịu lệnh với mục tiêu ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm đại diện cử tri của những người đại biểu. Trước đây, hình thức này tồn tại một cách phổ biến ở những nước xã hội chủ nghĩa. Pháp luật ở các nước đó, ngoài việc đòi hỏi các đại biểu phải chịu trách nhiệm trước cử tri, còn quy định về nghĩa vụ của nghị sĩ trong việc báo cáo với những cử tri đã bầu ra mình về những hoạt động của bản thân cũng như các hoạt động của Nghị viện tại kì họp. Hơn thế nữa, pháp luật ở các nước này còn cho phép các cử tri có thể miễn nhiệm tư cách đại biểu của các nghị sĩ khi họ phản bội lại lợi ích của nhân dân, không thực hiện theo đúng các ý kiến, các yêu cầu của cử tri. Chẳng hạn như ở Hungari trước đây, các nghị sĩ có thể bị tước bỏ vai trò đại diện theo đề nghị của một phần mười các cử tri trong khu vực bầu cử hoặc theo đề nghị của Hội đồng Quốc gia thuộc Mặt trận Nhân dân Ái Quốc. Các nước như Bungaria, Tiệp Khắc, Cộng hoà dân chủ Đức, Liên Xô v.v… cũng có các quy định gần tương tự. Trong thời gian gần đây, sau khi các nước này bước vào quá trình chuyển đổi, áp dụng theo mô hình Nghị viện của các nước phương Tây, thì các quy định về uỷ quyền chịu lệnh cũng thưa thớt dần.

2. Khái quát về quyền bất khả xâm phạm và quyền miễn trừ trách nhiệm của Nghị sĩ

Ở nhiều nước, nghị sĩ có những quyền đặc thù nhằm mục đích bảo đảm sự độc lập của họ và tính liên tục trong việc thực hiện vai trò đại diện. Do tính chất quan trọng của vị thế công mà đại biểu nắm giữ, những quyền này được quy định trực tiếp trong Hiến pháp và một số văn bản pháp luật. Đó là: quyền bất khả xâm phạm và quyền miễn trừ trách nhiệm.

3. Quyền miễn trừ trách nhiệm của Nghị sĩ

Quyền miễn trừ trách nhiệm là một quyền đặc thù của các nghị sĩ (có tài liệu gọi là đặc quyền hay ưu quyền) được quy định tương đối rộng rãi trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước. Theo đó, các nghị sĩ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những câu hỏi, kiến nghị, sự lựa chọn biểu quyết hay các phát biểu của mình về tất cả các vấn đề được đặt ra tại Nghị viện(4).

Lý do cơ bản của việc pháp luật các nước quy định cho các nghị sĩ được hưởng đặc quyền như vậy là để bảo đảm các nghị sĩ có vị trí độc lập và sự tự do trong suy nghĩ khi thực hiện nhiệm vụ là người đại diện của nhân dân. Thực tế cho thấy, ngay từ khi những tổ chức mang tính chất đại diện đầu tiên của nhân dân được thành lập ở La Mã cổ đại, việc đảm bảo sự độc lập của các thành viên của các cơ quan này đã được đề cập. Những người được xem là đại diện cho dân chúng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt khỏi việc bị xâm phạm thân thể cũng như việc cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình(5). Đến thời kỳ Nghị viện bắt đầu được thành lập ở Vương quốc Anh, thì quyền miễn trừ trách nhiệm của nghị sĩ được áp dụng nhằm nhấn mạnh việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận trong quá trình thảo luận của Nghị viện. Điều này được đánh dấu bởi sự kiện xảy ra vào năm 1397 khi một nghị sĩ của Hạ viện Anh đã bị Vua Richard Đệ nhị khép vào tội khi quân do đã làm chủ mưu trong việc thông qua một đạo luật của Nghị viện nhằm phản đối và bác bỏ một phán quyết của Tòa án do nhà Vua dựng lên và các gánh nặng tài chính mà nhà Vua áp đặt với dân chúng. Tuy nhiên, trước sự phản đối của Nghị viện và công luận, nhà Vua đã phải trả tự do cho vị nghị sĩ này. Và từ đó, Nghị viện Anh đã khẳng định các nghị sĩ được tự do và độc lập trong việc thảo luận các vấn đề của Nghị viện trước sự can thiệp từ phía Hoàng gia cũng như từ bên ngoài Nghị viện. Các nghị sĩ không thể bị truy tố, điều tra hoặc bắt giam hoặc trở thành đối tượng bị xét xử vì thể hiện chính kiến hoặc đề nghị của mình khi đang thực hiện nhiệm vụ(6).

Cho đến ngày nay, quy định về quyền miễn trừ trách nhiệm của các nghị sĩ đã trở nên phổ biến ở hầu hết Nghị viện các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định về cách thức và phạm vi áp dụng đặc quyền này ở các quốc gia khác nhau(7).

Về phạm vi các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ, pháp luật của nhiều nước chỉ cho phép áp dụng đối với các nghị sĩ. Tuy nhiên, cũng có những Nghị viện cho phép tất cả những người tham gia các phiên thảo luận của Nghị viện được hưởng quyền này như các trợ lý của các nghị sĩ (như ở Philippines), các chuyên viên của văn phòng giúp việc (như ở Sri Lanka, Bangladesh), các nhân chứng cung cấp thông tin tại các phiên điều trần của ủy ban Nghị viện (như ở Ireland). Pháp luật của các nước có những quy định khác nhau về thời điểm bắt đầu và kết thúc của việc áp dụng quyền miễn trừ trách nhiệm. Ở rất nhiều nước, các nghị sĩ được hưởng quyền miễn trừ kể từ khi họ được tuyên bố trúng cử trong một cuộc tuyển cử hợp pháp (như ở Bỉ, Italia, Cộng hòa Séc, Ba Lan….). Ở một số nước khác, quyền miễn trừ được áp dụng khi các ứng cử viên được thẩm tra xong tư cách đại biểu (như ở Liên bang Nga, Mali), hoặc sau khi các nghị sĩ chính thức tuyên thệ nhậm chức (Argentina, Hà Lan, Hàn Quốc…).

Trong thời gian tại chức, quyền miễn trừ trách nhiệm có thể được áp dụng chỉ trong thời gian diễn ra các phiên họp (như ở Australia, Vương quốc Anh, Ai Cập…) hoặc trong toàn bộ thời gian kỳ họp của Nghị viện (như ở Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan…). Tuy nhiên, có một điểm chung là thời điểm kết thúc quyền miễn trừ được pháp luật phần lớn các nước quy định trùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của nghị sĩ. Song, điều này không có nghĩa là các nghị sĩ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi mà mình đã thực hiện trước đó. Quyền được hưởng miễn trừ trách nhiệm không bị hạn chế về mặt thời gian đối với các phát biểu và hành vi biểu quyết được công khai dưới bất kỳ hình thức nào mà các nghị sĩ đã thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Về phạm vi không gian áp dụng, pháp luật hầu hết các nước không đặt ra giới hạn về mặt không gian áp dụng mà chỉ xem xét các hoạt động đó có thuộc phạm vi trách nhiệm của các nghị sĩ hay không. Điều đó có nghĩa là tất cả những phát biểu của nghị sĩ, nếu có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, dù được thực hiện ở địa điểm nào đi nữa đều được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia đặt ra những quy định nghiêm ngặt hơn về phạm vi không gian áp dụng. Chẳng hạn như ở Anh, các nghị sĩ chỉ được hưởng đặc quyền này đối với các hành vi diễn ra trong phạm vi Tòa nhà Quốc hội. Những hành vi khác, mặc dù có thể liên quan đến phạm vi nhiệm vụ của người đại biểu, nhưng nếu diễn ra ngoài phạm vi Tòa nhà Quốc hội thì vẫn không được hưởng quyền miễn trừ. Thậm chí, pháp luật một số nước như ở Malaysia, Bangladesh còn quy định quyền miễn trừ chỉ áp dụng đối với hoạt động của nghị sĩ tại phòng họp toàn thể của Nghị viện hoặc các Ủy ban của Nghị viện. Về những hành vi được áp dụng quyền miễn trừ trách nhiệm, do nguồn gốc của việc áp dụng quyền miễn trừ trách nhiệm là để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của các đại biểu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên phạm vi những hành vi được áp dụng thường bao gồm những phát biểu của nghị sĩ tại phiên họp toàn thể của Nghị viện hoặc phiên họp của ủy ban, các lựa chọn biểu quyết và các câu hỏi chất vấn.

Để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và sự độc lập của các nghị sĩ một cách tối đa trong việc thực thi nhiệm vụ của mình, pháp luật của các nước cũng quy định các đại biểu không phải chịu trách nhiệm về những phát biểu của mình khi chúng được công bố công khai trong các ấn phẩm chính thức của Nghị viện như trong biên bản của Nghị viện hoặc công báo. Tuy nhiên, để hạn chế việc quyền miễn trừ trách nhiệm có thể bị các nghị sĩ lạm dụng, pháp luật các nước cũng đặt ra những quy định cụ thể cho phép Nghị viện có thể tước quyền miễn trừ của nghị sĩ. Pháp luật hầu hết các nước quy định rất rõ thủ tục này vì tính chất của nó rất quan trọng, bảo đảm sự cân bằng giữa việc bảo vệ sự hữu hiệu trong hoạt động của Nghị viện và việc áp dụng nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thủ tục tước quyền miễn trừ trách nhiệm của nghị sĩ trên thực tế rất đa dạng. Có những nước dành quyền quyết định việc tước quyền miễn trừ cho Nghị viện (như ở Ba Lan, Thụy Sĩ…) với ý nghĩa chỉ có Nghị viện mới có quyền độc lập trong việc xem xét các vấn đề liên quan đến các thành viên của mình. Về phương diện pháp lý, khi xem xét các đề nghị này, Nghị viện không đóng vai trò thẩm phán để quyết định liệu thành viên của mình có thực sự có tội hay không. Nghị viện chỉ xem xét việc đặt các nghị sĩ vào việc phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý có thiếu khách quan hay không, có hợp pháp hay không và có bình thường hay không. Thế nhưng, trao quyền này cho Nghị viện cũng có những rủi ro nhất định. Trong nhiều trường hợp, vì sự đồng cảm giữa các đồng nghiệp mà các nghị sĩ đã biểu quyết một cách thiếu khách quan theo chiều ủng hộ cho đồng nghiệp của mình(8). 

4. Quyền bất khả xâm phạm

Bên cạnh quyền miễn trừ trách nhiệm, các nghị sĩ còn được hưởng quyền bất khả xâm phạm nhằm bảo vệ các nghị sĩ khỏi sự truy tố hình sự từ phía các cơ quan nhà nước khác nấp dưới những lý do giả tạo. Theo đó, các nghị sĩ không thể bị bắt giam, truy tố trong thời gian Nghị viện đang họp nếu không có sự đồng ý của Nghị viện175. Cũng như quyền miễn trừ, quyền bất khả xâm phạm có quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử Nghị viện Anh. Việc quy định quyền bất khả xâm phạm để bảo vệ nghị sĩ khỏi sự bắt giam vô lý đã được Hạ viện Anh áp dụng từ đầu thế kỷ 15 nhưng chỉ đối với các vụ dân sự. Đến thế kỷ 17, cùng với sự thành công của cách mạng tư sản Anh, quyền bất khả xâm phạm của Nghị sĩ mới được áp dụng một cách đầy đủ. Ngày nay, quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ được ghi nhận ở nhiều quốc gia với ba xu hướng chủ yếu sau đây:

Trước hết, ở một số ít nước như Grenada, Malaysia, Namibia, Hà Lan, Na-uy, Suriname, các nghị sĩ cũng được xem như những người dân bình thường khác, được điều chỉnh bởi các đạo luật thông thường. Do vậy, các nghị sĩ không cần phải được hưởng quyền bất khả xâm phạm. Ở các nước này, các nghị sĩ chỉ được ghi nhận quyền tự do phát biểu và việc bảo đảm sự tự do phát biểu của nghị sĩ được thực hiện thông qua cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với các nghị sĩ. Ví dụ như ở Hà Lan, một đạo luật được ban hành năm 1884 xem các nghị sĩ như các công dân thông thường khác trong việc có thể bị truy tố và buộc tội theo những quy định pháp luật thông thường khác. Thẩm quyền xem xét các nghị sĩ phạm tội có liên quan đến quá trình thực thi nhiệm vụ của mình thuộc thẩm quyền của Toà án tối cao.

Thứ hai, ở một số nước khác chỉ áp dụng quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ trong các vụ việc dân sự và không bị bắt giam trong một khoảng thời gian diễn ra kỳ họp.

Quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ không thể trở thành một trở ngại để thực hiện công lý trong các vụ hình sự. Ví dụ như ở Anh, quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ chỉ áp dụng đối với các vụ dân sự và để ngăn việc bắt giam nghị sĩ trong thời gian diễn ra kỳ họp hoặc trong thời hạn 40 ngày trước khi khai mạc kỳ họp. Hầu hết các nước trong Khối thịnh vượng chung cũng áp dụng tương tự cách thức quy định của Nghị viện Anh. Ở Australia, quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ cũng chỉ được áp dụng đối với các vụ dân sự, nghĩa vụ phải xuất hiện trước toà khi Nghị viện đang họp cũng như nghĩa vụ làm bồi thẩm đoàn. Ở Nam Phi, các nghị sĩ không bị triệu tập ra toà với vai trò là nhân chứng hoặc bên bị trong vụ án dân sự được diễn ra ngoài Toà nhà Quốc hội.

Thứ ba, các nước khác bảo vệ quyền tự do của các nghị sĩ bằng các biện pháp rõ ràng hơn. Theo đó, có hai biện pháp cơ bản để bảo đảm nghị sĩ có thể tham gia vào các hoạt động của Nghị viện.

Trước hết là biện pháp bảo đảm các nghị sĩ không thể bị bắt trên đường đến, đi hoặc đang ở trong Toà nhà Quốc hội. Đây là cách áp dụng một cách chặt chẽ và rõ ràng quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ.

Biện pháp này được áp dụng ở Na-uy và Ireland. Biện pháp thứ hai là áp dụng những thủ tục tố tụng đặc biệt đối với nghị sĩ để hạn chế việc vi phạm quyền tự do tham gia các hoạt động của Nghị viện bởi các lý do giả tạo. Theo đó, cùng trong những vụ án tương tự nhau thì các nghị sĩ thường được áp dụng thủ tục tố tụng ở Toà án cấp cao hơn (như ở Andorra, Colombia).

5. Hạn chế xung đột lợi ích của Nghị sĩ

Nghị sĩ là người phải đại diện cho tổng hoà nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội. Chính vì vậy, pháp luật các nước đặt ra nhiều quy định tiêu chuẩn, quy tắc về đạo đức cho nghị sĩ nhằm giúp cho các nghị sĩ thực hiện nhiệm vụ đại diện của mình một cách công tâm và hiệu quả. Các quy tắc này sẽ giúp cho nghị sĩ tránh được các xung đột lợi ích giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích có tính cá nhân của nghị sĩ.

Theo đó, một nguyên tắc tối cao là các nghị sĩ phải hạn chế các lợi ích có tính cá nhân và phải đặt lợi ích của cộng đồng, của công chúng lên trên hết176. Hiện tại, Nghị viện các nước thường áp dụng các biện pháp sau đây để ngăn ngừa các trường hợp xung đột lợi ích:

Thứ nhất, đăng ký về các lợi ích hiện có của các nghị sĩ Khi tham gia làm đại biểu, nghị sĩ phải công khai các lợi ích có liên quan đến mình và lợi ích của công đoàn hay các tổ chức nghề nghiệp mà mình là thành viên. Các nghị sĩ phải đăng ký với Tổng thư ký về các thông tin liên quan đến các lợi ích trực tiếp (thu nhập từ đơn vị mình đang làm việc; hưởng cổ tức, quản trị) và các lợi ích gián tiếp (như tư cách thành viên của một nhóm) của mình ngay sau khi được tuyên bố trúng cử để trở thành nghị sĩ. Các nghị sĩ cũng phải có nghĩa vụ cập nhật những thay đổi về lợi ích trong quá trình họ nắm giữ nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Tổng thư kí sẽ tiến hành tổng hợp và công bố danh sách các lợi ích liên quan đến nghị sĩ nhằm bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của nghị sĩ trong suốt nhiệm kỳ.

Thứ hai, công bố về các lợi ích trong quá trình tranh luận Mặc dù đã công khai về những lợi ích cơ bản liên quan đến bản thân như trên đã đề cập, một số Nghị viện còn yêu cầu các nghị sĩ phải công bố về lợi ích khi tham gia thảo luận về một vấn đề nào đó. Các nghị sĩ phải tiến hành khai báo về các lợi ích ngay khi bắt đầu phát biểu trừ khi họ quyết định không phát biểu. Ví dụ, một nghị sĩ đang sở hữu một trang trại về bò sữa thì phải khai báo trước khi phát biểu về những thay đổi của Dự án Luật về Sữa; hoặc một nghị sĩ đang là chủ sở hữu của một Công ty đồ uống thì phải khai báo rõ về lợi ích của mình khi tranh luận về Dự án Luật về Kiểm soát đồ uống.

Thứ ba, không được biểu quyết nếu có sự xung đột lợi ích Một nghị sĩ không thể biểu quyết về một vấn đề nếu họ có những xung đột lợi ích một cách trực tiếp. Điều này nhằm khắc phục việc nghị sĩ có thể được hưởng lợi từ những quyết định của mình đối với một dự án. Trong đó, lợi ích trực tiếp được hiểu là những lợi ích có liên quan đến lợi ích cá nhân của nghị sĩ. Đó là những vấn đề không liên quan đến chính sách công, tác động đến số đông của người dân. Kinh nghiệm tại Australia cho thấy, khi nghị sĩ có những lợi ích trực tiếp, họ được phép tranh luận nhưng pháp luật không cho phép họ biểu quyết và buộc phải rời khỏi phòng họp của Hạ viện trong quá trình biểu quyết. Ngoài các biện pháp trên, Nghị viện các nước còn đặt ra những biện pháp phòng ngừa khác như không được kiêm nhiệm các công việc hành chính trong Chính phủ hoặc một số loại của công việc tư khác. Đối với một số công việc, sự hạn chế áp dụng ngay cả khi họ đã kết thúc nhiệm kỳ. Ngoài ra, việc đi thăm quan và nhận quà tặng cũng phải chịu những quy định giới hạn hoặc yêu cầu công khai ngặt nghèo.

Danh mục tài liệu tham khảo:

(1). Điều 27, Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958.

(2). Điều 45. Hiến pháp Australia.

(3). Điều 55, Hiến pháp Nhật Bản.

(4). Bryan A. Garner (Editor in Chief) (1999), Black’s Law Dictionary, 7th Edition, (West Group Publishing, St. Paul, 1999), p.1215.

(5). IPU (2006), Parliamentary Immunity, (Geneva, 2006).

(6). Marc Van Der Hulst (2000), The Parliamentary Mandate, (IPU, Geneva, 2000), p. 66. Xem thêm: Trần Tuyết Mai, ‘Lịch sử quyền miễn trừ’, Người đại biểu Nhân dân, số ngày 23 tháng 11 năm 2006.

(7). Các thông tin được sử dụng để tiến hành so sánh các quy định pháp luật về quyền miễn trừ trách nhiệm của nghị sĩ Quốc hội các nước trên thế giới chủ yếu được tổng hợp từ: Robert Myttenaere (1998).

(8). Minh Hiếu (2006), ‘Tước quyền miễn trừ của nghị sĩ: Quy trình áp dụng và một số hệ quả’, Người đại biểu Nhân dân, số ngày 23 tháng 11 năm 2006.