Luật sư tư vấn:

Căn cứ các quy định pháp lý cụ thể:  

– Hiến pháp nước Cộng hòa Ba Lan 1997

– Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993

– Hiến pháp Italia 1947

– Hiến pháp Nhật Bản 1946

– Hiến pháp cộng hòa Xéc năm 1992

– Đạo luật Liên bang Áo năm 1970

 

1. Quản lý địa phương và tự quản địa phương:

Ở các nước, một trong những chức năng của chính quyền trung ương là tổ chức và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Hệ thống các cơ quan của chính quyền địa phương được hình thành từ thời kỳ phong kiến, sau này được nhà nước tư sản tiếp nhận và xây dựng lại. Hệ thống các cơ quan này được thành lập trên các đơn vị hành chính, chính trị – hành chính. Tùy theo mỗi nước ở mỗi cấp đơn vị lãnh thổ áp dụng quản lý địa phương hoặc tự quản địa phương.

 

1.1 Quản lý địa phương

Là hoạt động quản lý đơn vị lãnh thổ của chính quyền trung ương hay của cơ quan hành chính của đơn vị lãnh thổ cấp cao hơn. Hoạt động này được thực hiện bởi một quan chức hay một cơ quan do chính quyền trung ương hay cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm (thành lập). Ví dụ, ở Pháp cơ quan quản lý vùng là Vùng trưởng do Chính phủ bổ nhiệm, đứng đầu tỉnh là Tỉnh trưởng do Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm. Các quan chức này có nhiệm vụ bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ địa phương; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tự quản địa phương; bảo đảm lợi ích quốc gia.

 

1.2 Tự quản địa phương

Là một loại hoạt động quản lý được thực hiện bởi chính nhân dân địa phương. Thông qua bầu cử nhân dân bầu ra cơ quan đại diện – cơ quan tự quản địa phương. Chức năng của cơ quan này chủ yếu tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Mặc dù cơ quan tự quản địa phương phải thực hiện những chỉ thị của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khác do cơ quan cấp trên giao cho. Nhưng khi cơ quan tự quản thực hiện chức năng tự quản địa phương thì các cơ quan cấp trên không được quyền ban hành bất cứ chỉ thị nào liên quan đến việc thực hiện chức năng đó trừ trường hợp cơ quan tự quản tình nguyện (có thể bắt buộc phải tình nguyện). Ví dụ, ở Pháp chế độ tự quản được thực hiện ở các cấp đơn vị lãnh thổ vùng, tỉnh, công xã (riêng đối với 3 thành phố Pari, Lyông, Mácxây – cả ở cấp quận). Cơ quan tự quản ở cấp xã là Hội đồng địa phương, cấp tỉnh – Hội đồng tỉnh, cấp vùng- Hội đồng vùng. Các cơ quan này do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra.

Một trong những tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa tự quản địa phương (Municipalism) do các nhà cách mạng tư sản khởi xướng vào đầu thế kỷ XIX là tư tưởng xây dựng bộ máy quản lý địa phương độc lập không chịu sự giám sát và can thiệp của chính quyền trung ương. Từ tưởng này liên quan mật thiết với học thuyết tản quyền đã được đề cập ở phần trên. Thời kỳ đầu, chính quyền địa phương còn được coi là nhánh quyền lực thứ tư. Nhánh quyền này chỉ chịu sự giám sát của tòa án và buộc phải tuân thủ luật, chứ không phụ thuộc vào chính quyền trung ương và các cơ quan của chính quyền trung ương đóng trên địa phương. Tomac Jeffenron cho rằng chế độ tự quản nên áp dụng cho những đơn vị lãnh thổ không lớn, chủ yếu là ở các công xã. Quan điểm này có ảnh hưởng sâu sắc đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương của nước Anh, Mỹ và của các nước theo hệ thống pháp luật Ănglô xãcxông vào đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX khi nhà nước tư sản chuyển sang giai đoạn phát triển tư bản độc quyền thì nguyên tắc truyền thống của mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương khồng còn phù hợp với điều kiện thực tế nữa. Do ảnh hưởng của xu thế tập trung trong lĩnh vực quản lý nhà nước và xu thế mở rộng phạm vi hoạt động của nhà nước sang các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chức năng tự quản địa phương đã trở thành đối tượng điều chỉnh thường xuyên của pháp luật của nhà nước. Bên cạnh đó, việc tăng cường sự can thiệp của cơ quan hành pháp vào đời sống xã hội dãn đến sự đan xen chồng chéo chức năng của các bộ, các ngành của Chính phủ với chức năng của cơ quan tự quản địa phương. Từ đây phát sinh yêu cầu thiết lập mối liên kết hành chính giữa các cơ quan này. Ngoài ra xu thế chuyển bớt quyền lực từ cơ quan lập pháp sang cơ quan hành pháp cũng góp phần làm tăng cường sự liên kết bộ máy hành pháp với cơ quan tự quản địa phương, sự liên kết giữa tự quản địa phương với quản lý địa phương. Ngày nay ở mỗi nước, chính quyền trung ương đều áp dụng các biện pháp can thiệp hành chính vào hoạt động của cơ quan tự quản địa phương.

 

2. Các mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương của các nước rất đa dạng. Thông thường ở các nước có chính thể đại nghị cơ quan hành chính địa phương do cơ quan đại diện địa phương thành lập trong số thành viên của mình, người đứng đầu cơ quan hành chính thường cũng đứng đầu cơ quan đại diện. Ở các nước có chính thể cộng hòa tổng thống, cộng hòa hỗn hợp nhân dân địa phương không những bầu ra cơ quan đại diện mà còn bầu ra người đứng đầu cơ quan hành chính và một số quan chức khác của địa phương. Sau đây là một số mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

 

2.1 Mô hình tự quản địa phương ở các cấp đơn vị lãnh thổ

Ví dụ, Hiến pháp của các bang của nước Brazin trao quyền lập pháp cho Viện tự quản. Các thành viên của viện do nhân dân trực tiếp bầu ra. Viện tự quản căn cứ vào Hiến pháp liên bang, Hiến pháp của bang thông qua đạo luật tự quản. Điều 30 Hiến pháp Brazin năm 1988 trao cho cơ quan tự quản địa phương quyền hạn sau: Quyền lập pháp theo những vấh đề thuộc phạm vi địa phương, bổ sung pháp luật liên bang và pháp luật bang; quy định và thu các loại thuế địa phương, bảo đảm nguồn thu, công khai các khoản thu chi theo thời hạn do luật định; tổ chức và cung cấp các dịch vụ trong phạm vi địa phương bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục mầm non, giáo dục cơ sở, bảo trợ y tế…

 

2.2 Mô hình kết hợp:

Mô hình kết hợp giữa tự quản địa phương ở đơn vị lãnh thổ cơ sở với quản lý nhà nước ở đơn vị lãnh thổ cấp cao

Ở Bungari chế độ tự quản địa phương được áp dụng cho các công xã – đơn vị hành chính cơ sở. Ở mỗi công xã, nhân dân tham gia quản lý công xã một cách trực tiếp thông qua cuộc trưng cầu ý dân và gián tiếp – thông qua Hội đổng do nhân dân bầu ra. Hội đồng quyết định các vấn đề của địa phương như chính sách phát triển công xã trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, y tế xã hội v.v… Hội đồng có quyền ban hành các văn bản quy phạm theo những vấn đề mang tính chất địa phương, mà những vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác. Hội đồng có quyền đề nghị tòa án xem xét tính hợp pháp của các văn bản, hành vi của cơ quan, quan chức cấp trên bị coi là vi phạm quyền tự quản địa phương.

Chức năng quản lý tỉnh do một cơ quan hành chính đảm nhiệm. Đứng đầu cơ quan hành chính này là viên quản lý trưởng và một người phó được cơ quan trung ương bổ nhiệm. Trách nhiệm của viên quản lý trưởng là bảo đảm thi hành chính sách quốc gia; bảo vệ, lợi ích quốc gia, trật tự xã hội; thực hiện việc giám sát hành chính hoạt động của cơ quan tự quản địa phương, cơ quan hành chính địa phương của các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp đóng trên địa bàn địa phương, bảo đảm việc thi hành luật trong phạm vi địa phương…

 

2.3 Mô hình giám hộ hành chính của chính quyền trung ương đối với cơ quan tự quản địa phương

Theo Hiến pháp năm 1958 của Cộng hòa Pháp, trên tất cả các đơn vị lãnh thổ (xã, tỉnh, vùng) đều thiết lập cơ quan hành chính nhà nước bên cạnh cơ quan tự quản địa phương. Đứng đầu cơ quan hành chính tỉnh là Tỉnh trưởng do Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm. Tỉnh trưởng của tỉnh lớn nhất thuộc vùng sẽ kiêm luôn chức Vùng trưởng. Ở cấp xã do Xã trưởng đảm nhiệm chức năng này. Nội dung của chức năng giám hộ là tất cả các văn bản do cơ quan tự quản địa phương ban hành phải được các quan chức nói trên ký, trong thời hạn 15 ngày kể từ khi văn bản được thông qua người này có quyền đề nghị tòa án hành chính xem xét tính chất hợp pháp của văn bản. Ngoài ra Vùng trưởng, Tỉnh trưởng, Xã trưởng còn có quyền trong những trường hợp nhất định giải thể Hội đổng lập pháp cùng cấp.

 

3. Sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương

Các nước áp dụng các phương pháp, hình thức kiểm soát khác nhau. Tất cả các phương pháp, hình thức kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương có thể chia thành hai loại sau.

 

3.1 Loại trực tiếp đối với sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương

Chính quyền trung ương bổ nhiệm, bãi nhiệm quan chức địa phương, ban hành các chỉ thị, quyết định có hiệu lực bắt buộc đối với địa phương; cử người đại diện cho chính quyền trung ương tại địa phương; phê chuẩn, bãi bỏ các văn bản của cơ quan chính quyền địa phương; trong những trường hợp do luật định, giải thể cơ quan chính quyền địa phương.

 

3.2 Loại gián tiếp đối với sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương

Chính quyền trung ương cung cấp cho chính quyền địa phương thông tin; giúp đỡ về tài chính có kèm theo điều kiện yêu cầu chính quyền địa phương thông báo về tình hình địa phương theo những vấn đề khác nhau; yêu cầu chính quyền địa phương xem xét lại quyết định của mình v.v…

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hang còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!