Tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác ngày 1 tháng 6 năm 2022. Đại diện các bộ, cơ quan, các doanh nghiệp viễn thông tham dự bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn Phòng Chính phủ, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) , Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Viễn thông di đông Mobifone, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTel), Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnammobile đều thống nhất việc kết nối dữ liệu sẽ giúp khắc phục được tình trạng SIM rác, SIM nặc danh được sử dụng tràn lan thiếu quản lý ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức… Đồng thời việc kết nối xác thực cần được thực hiện đồng bộ, bình đẳng giữa các nhà mạng; dữ liệu cần được bảo vệ an toàn, không ảnh hưởng tới kinh doanh của các nhà mạng, riêng tư của thuê bao.

 

1. Trách nhiệm xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư

1.1 Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp viễn thông:

– Đối với Bộ Công an: Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

– Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

– Đối với các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối thông tin thuê bao( trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến hành đối soát ngay dữ liệu SIM đang hoạt động trước ngày 30 tháng 7 năm 2022 đảm bảo xác thực khớp đúng giữa 3 thành phần:

+ Thông tin của thuê bao đăng ký tại các doanh nghiệp viễn thông;

+ Thông tin cá nhân của thuê bao trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

+ Thông tin người đang sở hữu, sử dụng, nắm giữ SIM thực tế.

Đồng thời xây dựng kế hoạch, triển khai đối soát, cập nhật thông tin đối với số thuê bao đã được Cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư xác định là có thông tin chưa chính xác theo quy định trước ngày 30 tháng 9 năm 2022. Đối với số thuê bao mới phát sinh từ ngày 1 tháng 8 năm 2022 phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP sau khi nhận giấy tờ của cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có nghĩa vụ đối chiếu, kiểm tra giấy tờ là đúng của cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng  và nhập đầy đủ, chính xác thông tin thuê bao, lưu giữ thông tin thuê bao trên cơ sở dữ liệu về thông tin thuê bao của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền đầy đủ các thông tin thuê bao về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp viễn thông.

Như vậy, ta có thể thấy nghĩa vụ xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là của các doanh nghiệp viễn thông.

 

1.2 Trách nhiệm của các nhân, tổ chức

Khi cá nhân, tổ chức đăng ký thuê bao mới có trách nhiệm xuất trình giấy tờ sau: Trường hợp là cá nhân là bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời gian lưu hành tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài; Trường hợp là tổ chức là bản chính hay bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với dịch vụ viễn thông di động, tổ chức phải gửi kèm theo danh sách các cá nhân thuộc tổ chức( có xác nhận hợp pháp của tổ chức) được phép sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà tổ chức giao kết với doanh nghiệp viễn thông( trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng) đồng thời kèm theo bản chính giấy tờ tùy thân của từng cá nhân. Trường hợp người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không phải người đại diện theo pháp luật của tổ chức thì phải xuất trình văn bản ủy quyền hợp pháp của người đại diện theo pháp luật và giấy tờ tùy thân của mình; Đối với người dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ theo quy định của Bộ Luật Dân sự, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện.

 

2. Cách xác thực thông tin thuê bao và kiểm tra thông tin thuê bao?

Cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng để sử dụng thuê bao mới chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ đã được phân tích phía trên cho điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Thuê bao có thể truy cập trang thông tin điện tử của doanh nghiệp viễn thông mà cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ hoặc nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414 để kiểm tra thông tin thuê bao gồm: Họ và tên; Ngày sinh; Số, nơi cấp giấy tờ tùy thân; Danh sách các số thuê bao mà cá nhân đang sử dụng( đối với thuê bao là cá nhân); Tên tổ chức, số giấy chứng nhận pháp nhân ( đối với thuê bao là tổ chức ) . Phương thức kiểm tra đảm bảo bí mật thông tin cho người sử dụng theo nguyên tắc là cá nhân, tổ chức chỉ kiểm tra được thông tin của số thuê bao của mình, không kiểm tra được thông tin của các thuê bao khác.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có thông tin thuê bao chưa chính xác hoặc chưa cập nhật thì có thể liên hệ  số tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp viễn thông để được hướng dẫn chỉnh sửa thông tin hoặc đến trực tiếp những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để được hỗ trợ.

Trường hợp chuyển quyền sử dụng số thuê bao, bên chuyển quyền sử dụng và bên nhận quyền sử dụng phải thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông.

Trường hợp bài viết có nội dung chưa rõ, mời quý bạn đọc liên hệ tổng đài tư vấn trực tuyến của Luật LVN Group theo Hotline:1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp.