1. Chủ quyền quốc gia là gì?

Có thể hiểu chủ quyền quốc gia theo các cách sau:

– Theo ROBERT BECKMAN và DAGMAR BUTTE: “Chủ quyền là quyền độc quyền thực thi quyền lực chính trị tối cao đối với một lãnh thổ xác định (vùng đất, không phận và một số khu vực biển nhất định như lãnh hải) và con người bên trong lãnh thổ đó. Không một Quốc gia khác nào có thể có quyền lực chính trị chính thức bên trong Quốc gia đó. Do đó, chủ quyền có liên quan chặt chẽ đến khái niệm độc lập chính trị.”

– Chủ quyền là quyền lực độc lập đối với một khu vực địa lý và được thể hiện trong quyền lực lãnh đạo và thiết lập luật pháp của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đối với những khu vực được luật pháp quốc tế quy định là di sản chung của nhân loại thì các quốc gia chỉ có những chủ quyền nhất định như toàn phần hoặc hạn chế hoăc không có chủ quyền.

– Chủ quyền quốc gia còn được hiểu là quyền riêng biệt, tuyệt đối, toàn vẹn của mỗi quốc gia đối với lãnh thổ của mình. Hay nói cách khác chủ quyền là quyền làm chủ, quyền tự định đoạt đối với một vât thể, một phạm vi diện tích và toàn vẹn lãnh thổ đó bằng mọi giá, bằng mọi nguồn lực và bằng mọi cách thức.

Lãnh thổ quốc gia là bao gồm: một phần diện tích đất, vùng biển, vùng trời (khoảng không phía trên diện tích đất của quốc gia đó) và vùng lãnh thổ đặc biệt.

Như vậy, chủ quyền quốc gia theo nghĩa đơn giản nhất là quyền làm chủ đối với quốc gia, đồng thời là một thuộc tính chính trị – pháp lý không thể tách rời khỏi quốc gia đó.

 

2. Các hình thức thể hiện chủ quyền quốc gia

* Chủ quyền quốc gia có 2 nội dung là: quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế.

– Đối với quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ:

+ Quốc gia sở tại có quyền tối cao về các vấn đề lập pháp, hành pháp và tư pháp.

+ Mọi vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc do đó quyết đinh và không có quốc gia nào hay tổ chức quốc tế nào có quyền can thiệp vào những vấn đề ấy của quốc gia.

+ Tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật của quốc gia đó.

– Đối với quyền độc lập của mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế:

+ Các quốc gia hay tổ chức nào bất kỳ không được can thiếp, áp đặt hay bắt buộc quốc gia khác phải thực hiện theo ý của họ.

+ Quốc gia chỉ phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản được quy định bởi luật quốc tế và điều ước quốc tế mà họ đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng những tập quán quốc tế, điều ước quốc tế do các quốc gia ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.

* Hình thức thể hiện của chủ quyền quốc gia

– Hình thức là một phạm trù triết học chỉ những phương thức, cách thức tồn tại và phát triển của một sự vật, hiện tượng, là một hệ thống những mối liên hệ, mối quan hệ tương đối bền vững giữa những sự vật đó.

– Chủ quyền quốc gia sẽ được thể hiện trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, xã giao. Ngoài ra, chủ quyền quốc gia còn được thể hiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong hệ thống pháp luật quốc gia.

– Ngoài ra, theo ý kiến của Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) trong Vụ Wimbledon năm 1923: Quyền tham gia vào các mối quan hệ quốc tế cũng được xem là một biểu hiện của chủ quyền quốc gia.

Như vậy, chủ quyền quốc gia có thể được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; đồng thời trong Hiến chương Liên hợp quốc còn khẳng định rằng: không một quốc gia nào được can thiệp hoặc khống chế, xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác.

 

3. Vai trò của bảo vệ chủ quyền quốc gia

Công cuộc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền quốc gia là một trong những vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam ở thời điểm hiện tại và tương lai. Bảo vệ chủ quyền quốc gia có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau như: bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng,…

* Bảo vệ chủ quyền biển, đảo:

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, bởi:

+ Đây là là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vê Tổ quốc.

+ Là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước, tạo không gian cần thiết để kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền.

+ Là “cửa nhà” theo quan điểm “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữa cửa có được không?” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào những yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm về phát triển kinh tế độc lập tự chủ, kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các nghị quyết, chỉ thị như: Nghị quyết 03/-NQ/TW ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”; Chỉ thị 20-CT/TW ngày 22-9-1997 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH” và đặc biệt là “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trong Nghị quyết TW 4 (khoá X): “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”.

Từ đó ta thấy rõ: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển bền vững. Đồng thời tại nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”. Đó là ý chí sắt đá, quyết tâm không gì lay chuyển được của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

* Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng:

Quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng đồng nghĩa với việc xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền tải trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hoá thông tin số truyền tải trên không gian mạng toàn cầu.

Theo đó, tại Việt Nam bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực an toàn, an ninh mạng quốc gia nói riêng.

Như vậy, bảo vệ chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ và trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân. Đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia còn đóng vai trò quyết định đến sự phát triển và “sự sống còn” của mỗi quốc gia. 

Trên đây là toàn bộ bài tư vấn về vấn đề chủ quyền quốc gia là gì? Các hình thức thể hiện của chủ quyền quốc gia. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích.

Mọi vướng mắc quý bạn đọc xin vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.