1. Căn cứ pháp lý công khai tên cán bộ làm chậm, muộn hồ sơ của dân

Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2022 về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, tại mục D về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP đã chỉ rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng: 

– Hàng tháng, công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương;

– Kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, đây là chỉ đạo từ Chính phủ, giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ của dân theo tháng. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 09/7/2022. 

Trước đây, Điều 32 Nghị định 61/2018/NĐ-CP quy định kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền được công khai tại cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.

Điều này được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 15 Thông tư 01/2018/TT-VPCP thì hàng quý, hàng năm Bộ phận một cửa tổng hợp kết quả chấm điểm đánh giá đối với từng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ giải quyết thuộc thẩm quyền tiếp nhận; tổng hợp kết quả chấm điểm đánh giá đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận; báo cáo kết quả chấm điểm để đánh giá đối với cá bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập đến Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Như vậy, có thể thấy, việc đánh giá hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức đã được chỉ đạo thực hiện từ lâu. Song mới chỉ có quy định công khai kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền tại cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, mà chưa có quy định công khai kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết số 85/NQ-CP đã có hiệu lực từ ngày 09/7/2022, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng giám độc bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phải chỉ đạo các đơn vị chwucs năng triển khai ngay việc công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành và địa phương.

 

2. Công khai tên cán bộ làm chậm, muộn hồ sơ của dân ở đâu?

Theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 85/NQ-CP thì danh sách cán bộ, công chức, viên chức làm chậm, muộn hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương.

 

3. Các bộ làm chậm, muộn hồ sơ của dân bị xử lý thế nào?

Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; ưu tiên xem xét đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cũng như xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật. 

Tại Nghị quyết 85/NQ-CP cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị chức năng đó là kịp thời xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tại Luật cán bộ, công chức; Luật Viên chức đều có quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Bên cạnh đó, tại các cơ quan, đơn vị cũng ban hành nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử trong đó quy định rõ về chuẩn mực ứng xử và giao tiếp trong giải quyết yêu cầu của tổ chức, công dân đó là:

“Không được có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức, công dân. Nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi”

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

“Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.”

Có thể thấy, hành vi chậm, muộn giải quyết hồ sơ trong thực hiện thủ tục hành chính của người dân cho thấy cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đồng thời chưa chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử trong giải quyết các yêu cầu của công dân, tổ chức.

Trên thực tế, hành vi cán bộ, công chức, viên chức chậm, muộn hồ sơ trong thực hiện thủ tục hành chính đối với người dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song điển hình là nhằm mục đích gây khó dễ, muốn người dân phải bồi dưỡng hoặc do thiếu năng lực. Và tùy mục đích cũng như tính chất hành vi vi phạm mà hình thức xử lý cũng sẽ khác nhau:

Trường hợp chậm, muộn hồ sơ của dân nhằm mục đích gây khó dễ, vòi vĩnh, trục lợi:

+ Nếu có thái độ hạch dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà/ nhận tiền dưới 2 triệu đồng và vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách (khoản 2 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

+ Nếu nhận tiền hoặc tài sản khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật mà vẫn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (Bộ luật hình sự năm 2015). Tùy tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà cán bộ, công chức có thể bị áp dụng các khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm/phạt tù từ 07 năm đến 15 năm/phạt tù từ 15 năm đến 20 năm/chung thân và khung hình phạt cao nhất là tử hình. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phàn hoặc toàn bộ tài sản.

+ Nếu chưa nhận tiền nhưng hành vi chậm, muộn hồ sơ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích khác của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì cán bộ, công chức, viên chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm này là bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Trường hợp chậm, muộn giải quyết hồ sơ do thiếu năng lực 

Đối với cán bộ:

– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lương ở mức không hoàn thành nhiệm vụ (khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi năm 2019)

Đối với công chức

Việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định như sau:

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; (điểm a khoản 3 Điều 58 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi 2019)

– Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí việc làm có yêu cầu thấp hơn (điểm c khoản 3 Điều 58)

Đối với viên chức

– Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. (điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010)

Mọi thông tin chia sẻ trong bài viết đều dựa trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành. Bạn đọc có vướng mắc pháp lý cụ thể cần tư vấn vui lòng liên hệ tới Hotline 1900.0191 để được tư vấn hỗ trợ bởi Luật sư của Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!