Điều quan trọng cần phải lưu ý rằng quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng là “quyền có tính lãnh thổ”, nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước (ví dụ, nước Nhật) hoặc trong lãnh thổ một khu vực (ví dụ, trong lãnh thổ các nước thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI)) nơi đăng ký và nhận được sự bảo hộ. Vì vậy, một công ty đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hợp pháp ở thị trường nội địa và đã được cấp các quyền đó có thể sớm nhận thấy rằng các quyền đó không mang lại sự bảo hộ ở thị trường xuất khẩu, trừ khi các quyền đó đã được đăng ký và được cấp bởi cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia (hoặc khu vực) của thị trường xuất khẩu có liên quan..
Các ngoại lệ về việc xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu
Có một số ngoại lệ đối với nguyên tắc này cần được đề cập ở đây. Thứ nhất, ở một số nước (chủ yếu là những nước có hệ thống pháp luật dựa trên “Thông luật – Án lệ”, như Ôxtrâylia, Ấn Độ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ,…), nhãn hiệu có thể được bảo hộ thông qua việc sử dụng. Nghĩa là, khi nhãn hiệu đã được sử dụng trong lãnh thổ một nước có liên quan, nó sẽ nhận được sự bảo hộ ở một mức độ nhất định ngay cả khi chưa đăng ký. Tuy nhiên, ngay ở những nước mà nhãn hiệu có thể được bảo hộ thông qua việc sử dụng thì nhìn chung tốt hơn hết bạn hãy đăng ký nhãn hiệu vì điều này sẽ mang lại sự bảo hộ mạnh hơn và làm cho việc thực thi được dễ dàng và ít phiền toái hơn một cách đáng kể. Khác với nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ, nếu các quyền không yêu cầu tuân thủ các thủ tục hành chính để có được sự bảo hộ, như quyền tác giả và quyền liên quan, thì cũng không cần phải đăng ký ở nước ngoài để nhận được sự bảo hộ. Đối với quyền tác giả, tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật (nhóm tác phẩm kể cả phần mềm máy tính) được bảo hộ tự động ngay khi tác phẩm được tạo ra, hoặc ở một số nước, ngay khi tác phẩm được định hình dưới dạng vật chất bất kỳ. Liên quan đến việc bảo hộ ở nước ngoài, một tác phẩm được công dân hoặc cư dân của một nước là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật hoặc thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tạo ra sẽ được bảo hộ tự động ở tất cả các nước thành viên khác của Công ước Berne hay WTO. Hiện nay, tổ chức này có hơn 150 nước thành viên. Danh sách các nước thành viên của Công ước Berne được liệt kê tại Phụ lục VII..
Cần nộp đơn để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài khi có nhu cầu
Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp khác, việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là một điều kiện tiên quyết quan trọng để nhận được sự bảo hộ ở nước khác. Thông thường, đối với bảo hộ nhãn hiệu, việc sớm áp dụng các biện pháp là rất quan trọng nếu bạn muốn:
- Đáp ứng thời hạn nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài (hãy xem Câu hỏi 60);
- Phát hiện kịp thời liệu sản phẩm sẽ định xuất khẩu có xâm phạm quyền sở nhãn hiệu của chủ sở hữu quyền khác hay không để tránh việc kiện tụng tốn kém hoặc không thể đưa sản phẩm đến với thị trường mong muốn;
- Làm cho việc đàm phán hợp đồng li-xăng, nhượng quyền thương mại hoặc các hợp đồng khác với doanh nghiệp khác trở nên dễ dàng mà không sợ bị mất quyền nhãn hiệu vào tay người khác.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài xin vui lòng liên hệ công ty luật LVN Group – Hotline 1900.0191 để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể!