Nhà được xây có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo thẩm định của Thanh Tra Sở Xây Dựng, diện tích xây dựng tầng 1,2,3 giảm so với giấy phép xây dựng và bảng vẽ được duyệt, cụ thể tầng 1,2,3 giảm 2.1m2. Do đó Ủy Ban Nhân Dân Tp.Thủ Đức ko cấp số nhà lí do vi phạm.

Vậy xin Luật sư của LVN Group tư vấn vấn đề này và các bước như thế nào

Mong sớm nhận được phản hồi của Luật sư!

Trả lời:

1. Căn cứ pháp luật quy định gắn biển số nhà

Luật Xây dựng năm 2014;

– Quyết Định 22/2012/QĐ-UBND về quy chế danh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ;(sau đây gọi tắt là : Quyết Định 22/2012/QĐ-UBND )

– Quyết định 05/2006/QĐ-BXD ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà do Bộ trưởng Bộ xây dựng ban hành ;;(sau đây gọi tắt là : Quyết định 05/2006/QĐ-BXD)

Nhằm thống nhất các nguyên tắc, quy định về đánh số nhà và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố, thể hiện tính khoa học trong công tác quản lý về số nhà, góp phần tạo vẻ mỹ quan cho đường phố và trật tự trong quản lý đô thị. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện các giao dịch về hành chính, dân sự và các giao dịch khác. Ngày 31 tháng 5 năm 2012 UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 quyết định 22/2012/QĐ-UBND về quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh quy định:

2. Đối tượng được đánh số và gắn biển số nhà

Bao gồm :

– Nhà ở (nhà ở riêng lẻ, chung cư, cư xá: căn hộ, số tầng, cầu thang, lô chung cư, cư xá);

– Công trình xây dựng khác.

3. Đối tượng không đánh số và gắn biển số nhà

Nhà ở, công trình xây dựng được xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, quy định trên quy định rõ nhà ở thuộc đối tượng được đánh số nhà và gắn biển số nhà. Chỉ những nhà ở, công trình xây dựng được xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng mới thuộc đối tượng không đánh số và gắn biển số nhà.

Hơn nữa, khoản 2 Điều 3 quyết định 22/2012/QĐ-UBND quy định việc Chứng nhận số nhà không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng. Vì vậy, theo quy chế đanh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không quy định đối tượng được đánh số và gắn biển số nhà phải là nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Bên cạnh đó, Điều 2 quyết định số 05/2006/QĐ-BXD của Bộ xây dựng ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà cũng quy định.

4. Đối tượng được đánh số và gắn biển số nhà

Bao gồm:

– Nhà ở, công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là nhà), trừ các loại nhà xây dựng không phép hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

– Nhóm nhà, ngôi nhà và tầng nhà, căn hộ, số cầu thang của nhà chung cư.

Theo quan điểm của Luật LVN Group, văn bản số 6278/SXD-QLN&CS ngày 20/8/2012 của Sở xây dựng hướng dẫn nghiệp vụ về công tác đánh số và gắn biển số nhà quy định chưa phù hợp với quy chế đánh số và gắn biển số nhà do Bộ xây dựng ban hành, cũng như chưa phù hợp với quyết định 22/2012/QĐ-UBND về quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh quy định đối tượng được đánh số và gắn biển số nhà.

Văn bản số 451/UBND-QLĐT của UBND thành phố Thủ Đức trả lời chưa phù hợp với tinh thần và quy định của quyết định 22/2012/QĐ-UBND về quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, Qúy khách có thể làm đơn khiếu nại lên UBND thành phố Thủ Đức đối với văn bản số 451/UBND-QLĐT về giải quyết đề nghị cấp chứng nhận số nhà.

5. Nguyên tắc chung đánh số nhà

1. Mỗi căn nhà, căn hộ được đánh số và gắn một biển số nhà theo quy cách thống nhất trên toàn thành phố.

2. Số nhà trên một trục đường chính, đường nội bộ, đường hẻm được đánh liên tục không phân biệt ranh giới hành chính (phường, xã, thị trấn, quận, huyện) và đánh theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3….n) theo hướng tăng dần tính từ gốc chuẩn (hoặc đầu đường) của trục đường chính, đường nội bộ, đường hẻm. Nhà bên trái đánh số lẻ, nhà bên phải đánh số chẵn.

3. Xác định gốc chuẩn và chiều đánh số nhà:

3.1. Quy tắc về chiều đánh số nhà:

a) Đối với đường hướng về gốc chuẩn (hướng tâm): chiều đánh số nhà là chiều từ gốc chuẩn trở ra.

b) Đối với đường vành đai: chiều đánh số nhà ngược chiều quay kim đồng hồ.

c) Các loại đường khác: chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường có lộ giới lớn nhất; các đường song song nhau thì lấy theo chiều đánh số nhà của đường có lộ giới lớn nhất.

d) Đối với đường nội bộ trong khu dân cư thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà đầu đường nội bộ sát với đường chính đến nhà cuối đường nội bộ. Trường hợp đường nội bộ thông ra hai đường chính thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính có lộ giới lớn hơn.

3.2. Xác định gốc chuẩn và chiều đánh số nhà cụ thể:

a) Khu vực trung tâm thành phố và khu đô thị phía Tây, phía Bắc và Tây – Bắc, Tây – Nam thành phố, gồm các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi: chiều đánh số nhà là Đông – Tây, Nam – Bắc, gốc chuẩn là Kênh Đôi, Kênh Tẻ.

b) Khu đô thị phía Đông, Đông Bắc thành phố, gồm các quận: 2, 9, Thủ Đức: chiều đánh số nhà là Tây – Đông, Nam – Bắc, gốc chuẩn là sông Sài Gòn và một phần sông Đồng Nai;

c) Khu đô thị phía Nam, Đông – Nam thành phố, gồm quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần giờ, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh: chiều đánh số nhà là Đông – Tây, Bắc – Nam, trong đó:

– Quận 8: gốc chuẩn là sông Sài Gòn và Kênh Tẻ – Kênh Tàu Hủ – Rạch Nhảy;

– Các quận, 7, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình chánh: gốc chuẩn là sông Sài gòn và Kênh Đôi – Kênh Tẻ.

6. Nguyên tắc đánh số nhà mặt tiền đường

1. Đánh số theo chiều tăng của số nhà tính từ gốc chuẩn, bên trái là dãy số lẻ liên tục, bắt đầu từ số 1; bên phải là dãy số chẵn liên tục, bắt đầu từ số 2.

2. Trường hợp một nhà nằm trên nhiều trục đường, có nhiều cửa mở ra các đường khác nhau thì số nhà và biển số nhà được đánh số và gắn biển theo trục đường có lộ giới lớn nhất.

3. Trường hợp cửa chính mở tại góc đường thì biển số nhà được gắn theo trục đường có lộ giới lớn nhất.

7. Nguyên tắc đánh số hẻm và số nhà trong hẻm

1. Số của hẻm chính được lấy số của nhà mặt tiền đường liền kề phía trước đầu hẻm. Hẻm chính có thể có một hoặc nhiều nhánh rẽ bên trái hoặc bên phải, gọi là hẻm nhánh, hẻm cụt. Số của hẻm nhánh, hẻm cụt được đánh tương tự như đánh số hẻm chính.

a) Trường hợp hẻm chính thông ra hai đường chính thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính có lộ giới lớn hơn.

b) Trường hợp hai đường chính có lộ giới bằng nhau thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính gần gốc chuẩn hơn.

c) Trường hợp hẻm chính thông ra một đường chính và một đường nội bộ thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính.

2. Số nhà trong hẻm chính bao gồm số của hẻm chính và số thứ tự của căn nhà, giữa hai số có một dấu gạch nghiêng (/) để phân biệt, chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đầu hẻm chính và đánh liên tục theo nguyên tắc bên trái hẻm là số lẻ, bắt đầu từ số 1, bên phải hẻm là số chẵn, bắt đầu từ số 2.

3. Chiều đánh số nhà trong hẻm nhánh, hẻm cụt cũng thực hiện tương tự như cách đánh số nhà trong hẻm chính.

8. Nguyên tắc đánh số tầng, số căn hộ chung cư

1. Đánh số tầng:

a) Số tầng được đánh theo chiều từ dưới lên trên theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 0 đối với tầng trệt, số 1 đối với lầu 1 (không tính tầng hầm).

b) Trường hợp lô chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm theo chiều từ trên xuống, bắt đầu từ tầng hầm trên cùng sát với tầng trệt, lấy số từ H1, H2, H3…

2. Đánh số căn hộ:

a) Số căn hộ gồm số tầng và số thứ tự của căn hộ, gồm hai chữ số được đánh theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 01 đối với căn hộ đầu tiên tính từ cầu thang chính và hành lang chung. Giữa số tầng và số căn hộ được phân cách bằng dấu chấm (.).

3. Chiều đánh số căn hộ:

a) Nhà cao tầng có một cầu thang ở giữa:

– Nếu hành lang bố trí ở giữa hoặc không có hành lang: chiều đánh số căn hộ được đánh liên tục theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên bên trái của người bước lên cầu thang.

– Nếu hành lang được bố trí một bên: chiều đánh số căn hộ được đánh liên tục từ trái sang phải của người đứng quay quay mặt vào dãy căn hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái.

b) Nhà cao tầng có nhiều cầu thang:

– Chọn cầu thang có vị trí gần nhất, tiếp giáp lối đi vào làm chuẩn và đánh số thứ tự liên tục từ trái sang phải (hoặc theo chiều quay kim đồng hồ). Chiều đánh số căn hộ thực hiện tương tự như nhà cao tầng có một cầu thang.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật đất đai – Công ty Luật TNHH LVN Group