Luật cạnh tranh năm 2018 không còn sử dụng khái niệm “gièm pha” như Luật cạnh tranh năm 2004, mà gọi chung là “cung cấp thông tin không trung thực”, tuy nhiên nội hàm hai khái niệm này hoàn toàn không có gì thay đổi.

Gièm pha là dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 10 bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Như nội dung khoản 3 Điều 10 bis đã dẫn tại Phần I Chương này, cần xác định tồn tại quan hệ cạnh tranh giữa bên gièm pha và bên bị gièm pha, theo đó bên gièm pha thực hiện hành vi để hạ uy tín đối thủ cạnh tranh, lôi kéo khách hàng về phía mình.

Theo hướng tiếp cận này, cần hiểu đối tượng được thông tin chính là khách hàng, ngươi tiêu dùng và tính chất “trực tiếp” hay “gián tiếp” của hành vi thể hiện trên đường đi của thông tin từ Bên vi phạm đến khách hàng. Doanh nghiệp có thể trực tiếp thông tin cho khách hàng bằng lời nói, văn bản, cũng có thể cung cấp thông tin gián tiếp qua một bên thứ ba đến khách hàng. Việc cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí có thể coi là hình thức gièm pha gián tiếp vì trong trường hợp này bên thực hiện hành vi biết rõ chức năng của báo chí là đưa thông tin đến công chúng, trong đó có đối tượng khách hàng của mình. Tuy nhiên, trong trường họp doanh nghiệp gửi thông tin dưới hình thức khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện đối thủ cạnh tranh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho dù nội dung thông tin sai lệch, hành vi của doanh nghiệp không bị coi là cạnh tranh không lành mạnh, do cơ quan xử lí không có chức năng chuyển thông tin đến khách hàng.

Mặc dù quy định về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác tương đối rõ ràng, trên thực tế không dễ dàng phát hiện nguồn gốc các tin tức thất thiệt trên thị trường. Mặt khác, phát sinh các trường hợp doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng thông tin tiêu cực nhưng có thật về đối thù cạnh tranh (đặc biệt là các quyết định xử lí vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) để hạ uy tín. Đây là những thông tin có thật nhưng không đầy đủ (vi phạm nhỏ, bên vi phạm đã khắc phục, quyết định hết hiệu lực hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung…), không phản ánh được thực tế khách quan và có thể khiến người được cung cấp thông tin nhận thức sai lệch về đối thủ cạnh tranh. Những hành vi có tính chất cạnh tranh không lành mạnh dạng này trong tương lai cần được nhà làm luật xem xét đưa vào phạm vi điều chỉnh của quy định về Gièm pha doanh nghiệp khác.

Cuối cùng, hậu quả “ảnh hưởng xấu về uy tín” là yếu tố khó định lượng, do đó cơ quan cạnh tranh cần căn cứ trên thực tế từng vụ việc để xác định một hành vi thực sự làm mất uy tín doanh nghiệp khác hay không.

Mọi vướng mắc liên quan đến luật canh tranh, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật cạnh tranh trực tuyến qua tổng đài điện thoại.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật cạnh tranh – Công ty luật LVN Group