Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính chào Luật sư, gia đình tôi muốn được tư vấn nội dung sau:

Gia đình tôi có mua mảnh đất bằng giấy viết tay năm 1988, sinh sống đến nay, sau đó có kê khai năm 1999. Và hằng năm đều có đóng thuế đất. Năm 2014 tôi có gửi đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được trả lời khu đất phần lớn nằm trong dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2001. Có văn bản điều chỉnh ranh giới của UBND Thành Phố năm 2012, nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất theo khoản 6 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ -CP.

Từ đó đến nay tôi chưa được mời họp dân, hay có quyết định công bố thu hồi đất, và dự án cũng chưa triển khai. Vậy cho tôi hỏi, tôi có thể khiếu nại UBND Quận để đề nghỊ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi hay không?

TRẢ LỜI:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013;

Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai;

Luật khiếu nại 2011;

Luật tố tụng hành chính 2015;

Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Bộ luật dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

“Điều 19. Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.

2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.

5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.”

Điều luật trên quy định rất rõ các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Khoản 6 quy định đối với trường hợp đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì cũng không được không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo thông tin Qúy khách cung cấp vào năm 2014 khi Qúy khách gửi đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cơ quan có thẩm quyền trả lời phân đất của Qúy khách đang nằm trong dự án.

Nhưng ở quy định trên quy định rất rõ, trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có thông báo hoặc quyết định thu hồi. Theo thông tin Qúy khách cung cấp, Năm 2014 Qúy khách gửi đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được trả lời khu đất phần lớn nằm trong dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2001, ngoài ra chưa được mời họp dân, hay có quyết định công bố thu hồi đất, và dự án cũng chưa triển khai.

Vì vậy, không có căn cứ để cho rằng thuộc khoản 6 Điều 19 Nghị định định 43/2014/NĐ-CP.

Qúy khách nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không trả lời bằng văn bản, Qúy khách có thể làm đơn khiếu nại về việc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu

Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Bước 2: Thủ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Bước 3: Giải quyết khiếu nại

– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

– Trong thời hạn giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tiến hành công việc sau:

+) Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;

+) Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

– Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

Bước 4: Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại

– Căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Trường hợp sau khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được giải quyết hoặc đã nhận được kết quả giải quyết khiếu nại nhưng người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết có thể nộp hồ sơ giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định.

Thủ tục khởi kiện hành chính:

Thủ tục khởi kiện của vụ án Hành Chính xác định điều kiện khởi kiện của vụ án hành chính trong tố tụng hành chính. Được quy định tại điều

Điều 117. Thủ tục khởi kiện – Luật tố tụng hành chính 2015

1. Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 của Luật này.

2. Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của cá nhân; ở phần cuối đơn cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ.

.3 Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ Cá nhânthuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

4. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn đất đai”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH Minh Khuê