1. Phân loại rác từ đầu nguồn là gì ?

Phân loại rác từ đầu nguồn là một trong các biện pháp được Nhà nước tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người dân thực hiện nhằm giảm tải cho công tác phân loại rác của nhân viên và nhà máy thu gom, xử lý rác. Phân loại rác từ đầu nguồn là biện pháp chia rác thải ra thành các loại khác nhau dựa trên các đặc tính của chúng để dễ dàng trong công tác xử lý hoặc tái chế. Rác được phân loại bởi chính hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức – nguồn thải rác trước khi nhân viên môi trường thu gom rác nên từ đó mới xuất hiện thuật ngữ ” Phân loại rác đầu nguồn”. 

Quy tắc phân loại rác, để phân loại rác, người ta phân chia chúng dựa theo đặc tính của từng loại rác như:

Theo mức độ nguy hại: Có rác thải nguy hại và rác thải không nguy hại.

Theo nguồn gốc phát sinh: Có chất thải từ hộ gia đình, cá nhân hoặc chất thải từ nơi công cộng, chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp

Theo khả năng tái chế, xử lý: Có rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác tái chế được. Trong đó:

– Rác hữu cơ là rác có nguồn gốc từ các thực phẩm còn người sử dụng hằng ngày, cỏ cây, hoa lá hỏng không sử dụng được nữa. Do đây là loại rác dễ phân huỷ, sau khi xử lý chúng còn có thể được sử dụng vào mục đích có ích khác như làm phân bón hoặc thức ăn cho động vật,… nên các loại rác này sẽ được thu gom vào vật dụng chưa rác riêng để không bị xử lý nhầm.

– Rác vô cơ là những loại rác có nguồn gốc từ các chất rắn xây dựng không sử dụng được, bao bì nhựa, nilon bọc ngoài thực phẩm, một số thiết bị, vật dụng hư hỏng, không còn sử dụng nữa bị con người thải bỏ. Đặc tính của loại này là không thể xử lý để chuyển mục đích sử dụng hoặc tái chế nên chỉ có thể tập kết vào vật đựng riêng để mang đi chôn lấp hoặc tiêu huỷ theo quy định pháp luật về môi trường.

– Rác thải tái chế là các loại rác như giấy, vỏ chai, vỏ lon,… các loại rác này có loại dễ phân huỷ hoặc khó phân huỷ nhưng vì có thể sử dụng cho mục đích khác nên được đựng riêng vào các vật dụng chứa rác để mang tới cơ sở, nhà máy tái chế.

Tuỳ từng khu vực mà việc sắp đặt các vật chưa rác sẽ được thiết kế khác nhau. Ví dụ, có nơi đặt thùng rác 2 hoặc 3 ngăn gồm: Rác hữu cơ, rác vô cơ, hoặc rác hữu cơ và rác tái chế… Màu sắc các thùng đừng rác cũng có thể thay đổi nhưng sẽ được ghi tên hoặc có ký hiệu về loại rác cần phân loại.

Không phân loại rác từ đầu nguồn có bị xử phạt không?

(Hình minh hoạ: các thùng rác được thiết kế để phân loại rác từ đầu nguồn)

Hiện nay, quy tắc phân loại rác thành rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác tái chế là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất.

 

2. Hành vi không phân loại rác từ đầu nguồn bị xử phạt thế nào ?

Theo quy định tại nghị định số 155/2016/NĐ-CP và nghị định 55/2021/NĐ-CP nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 155/2016/NĐ-CP nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang có hiệu lực thi hành, hành vi không phân loại rác đầu nguồn mới chỉ bị áp dụng xử phạt vi phạm đối với chủ thể không phân loại rác thải có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, mức xử phạt được quy định tại Điều 11 nghị định 155/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 55/2021/NĐ-CP như sau:

– Hành vi không phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện xác nhận có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng -1.500.000 đồng.

– Hành vi không phân loại rác tại nguồn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tương đương trường hợp phải lập kế hoạch môi trường trình UBND cấp huyện xác nhận có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng.

– Hành vi không phân loại rác đối với hoạt động sản xuất, dịch vụ hoặc triển khai, xây dựng phương án hoạt động có quy mô, công xuất tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận bị xử phạt từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng.

Nhưng sắp tới đây, khi nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 25 tháng 08 năm 2022 thay thế nghị định 155/2016/NĐ-CP và nghị định 55/2021/NĐ-CP thì trường hợp Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác từ nguồn đối với rác thải sinh hoạt cũng được thêm vào để xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, dù nghị định chưa có hiệu lực thi hành, vẫn xuất hiện nhiều thông tin nghị luận về thời điểm có hiệu lực của quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ gia đình cá nhân sẽ được thực hiện từ bao giờ? Liệu có phải từ 25/08/2022 hay được hoãn đến khi nào? 

Câu trả lời của chúng tôi là: Tại thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, hành vi không phân loại rác từ đầu nguồn của hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa bị xử lý mà được hoãn lại cho tới hết năm 2024. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 mới xem xét tới việc xử phạt.

 

3. Tại sao chưa xử phạt hành vi không phân loại rác từ đầu nguồn đối với Hộ gia đình, cá nhân?

Đây là thắc mắc của nhiều người, để giải đáp vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời như sau:

Thứ nhất, quy định bắt buộc hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc phân loại rác từ đầu nguồn nằm tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nếu đúng theo thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì thời điểm từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, quy định phải phân loại rác từ đầu nguồn sẽ có hiệu lực bắt buộc đối với mọi chủ thể. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 lại có quy định như sau:

Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024

Điều này đồng nghĩa với việc quy định bắt buộc hộ gia đình, cá nhân phải phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ được “châm chước” kéo dài tới hạn chót là ngày 31 tháng 12 năm 2024. Sang năm mới 2025, toàn bộ cá nhân và hộ gia đình đều phải thành thạo, quen thuộc việc phân loại này rồi. 

Thứ hai, quy định xử phạt hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác từ đầu nguồn nằm trong nghị định 45/2022/NĐ-CP, hiện nay nghị định chưa có hiệu lực nên không có cơ sở pháp luật để xử phạt người vi phạm. Bên cạnh đó, kể cả đến ngày 25 tháng 08 năm 2022 khi nghị định có hiệu lực, hộ gia đình, cá nhân vi phạm cũng chưa bị xử lý ngay mà phải đến ngày 01 tháng 01 năm 2025 mới xử phạt được. Điều này xuất phát từ hiệu lực pháp lý của nghị định và luật. Tuy đều là văn bản quy phạm pháp luật xong hiệu lực pháp lý của nghị định sẽ thấp hơn luật nên trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi, bổ sung 2020 thì trong cùng một vấn đề, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Đây là lý do vì sao mà dù nghị định 45/2022/NĐ-CP sắp tới có hiệu lực thi hành nhưng chưa thể xử phạt ngay trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn.

Trong trường hợp nội dung bài viết có nhầm lẫn hoặc cần giải đáp thêm, mời quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo hotline: 1900.0191 để được hỗ trợ. Trân trọng!