Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Quy định cụ thể như sau:

Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:

a) Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền;

b) Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt;

c) Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp luật về vấn đề này như sau:

 

1. Cách tính tiền phạt và tiền chậm nộp tiền phạt về thuế, hóa đơn

Khi có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, hóa đơn và pháp luật về thuế và các khoản thu khác mà hành vi đó không phải là trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm những hình thức xử phạt sau: hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn).

Hình thức phạt tiền tối đa đối với:

  1. Tổ chức là không quá 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn và không quá 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế;
  2. Cá nhân là không quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn và không quá 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Tiền chậm nộp tiền phạt về thuế, hóa đơn là số tiền phải nộp do trễ hạn trả số tiền phạt được ghi nhận trong quyết định xử phạt do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

Tiền chậm nộp tiền phạt = 0,05% x Số ngày chậm nộp tiền phạt x Số tiền phạt

Trong đó: Số ngày chậm nộp số tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa “tiền chậm nộp thuế” và “tiền chậm nộp tiền phạt về thuế”. Được biết, tiền chậm nộp thuế là khoản tiền phát sinh do tổ chức, cá nhân là người nộp thuế và có nghĩa vụ khai, nộp thuế nhưng thực hiện nghĩa vụ thuế không đúng thời hạn đã được quy định. Do đó, mức tiền chậm nộp tiền thuế được tính bằng 0,03%/ ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Tiền chậm nộp tiền thuế = 0,03% x Số ngày chậm nộp tiền thuế x Số tiền thuế

 

 

2. Trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt về thuế?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ không bị tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:

(1) Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền

Tổ chức, cá nhân được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) thì cần thỏa mãn những điều kiện sau:

+ Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên.

+ Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc và giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên. Còn đối với tổ chức thì đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh cũng cần phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khi chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Khi tổ chức, cá nhân muốn hoãn thi hành quyết định phạt tiền thì làm đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau đó, tổ chức, cá nhân gửi cho người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày (từ ngày nhận quyết định xử phạt, nhưng quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt sẽ xem xét, quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó. Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng từ ngày có quyết định hoãn.

Trong khoảng thời gian cá nhân, tổ chức được hoãn chấp hành quyết định xử phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ.

(2) Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt

Theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) thì giảm, miễn tiền phạt được thực hiện như sau:

Trường hợp cá nhân đang gặp khó khăn do thiên tai, thảm hỏa, dịch bệnh, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc các bệnh hiểm nghèo (như: ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, teo cơ tiến triển, phẫu thuật động mạch vành, liệt hai chi, mù hai mắt,….được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), tai nạn mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.

Để được xem xét việc giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt thì cá nhân cần gửi đơn đến người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày từ ngày nhận được đơn thì người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp.

Khi cấp trên nhận được hồ sơ vụ việc và trực tiếp xem xét quyết định rồi đưa ra thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt và người có đơn đề nghị giảm miễn biết trong thời hạn 05 ngày từ ngày nhận đơn. Nếu xét thấy không đồng ý về vấn đề giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó sẽ xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt.

Cá nhân được giảm miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ.

Và theo quy định tại Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) thì khi người nộp thuế được giảm, miễn tiền phạt thì cũng được giảm, miễn tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

(3) Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay bất kỳ vấn đề khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật thuế trực tuyến qua số 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc!