Đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị từ chối trong hai giai đoạn xét nghiệm đơn: xét nghiệm hình thức đơn và xét nghiệm nội dung đơn. Theo đó, việc xét nghiệm hình thức đơn chủ đơn có thể sửa chữa, bổ sung theo thông báo nên về cơ bản đơn sẽ được chấp nhận hợp lệ, công bố và chuyển qua giai đoạn xét nghiệm nội dung. Tuy nhiên, đơn bị từ chối giai đoạn xét nghiệm nội dung nếu chủ đơn không có cơ sở phúc đáp thì đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Lý do đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối giai đoạn xét nghiệm hình thức
Đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ bị từ chối giai đoạn xét nghiệm hình thức nếu không đảm bảo các điều kiện như sau:
- Đơn không đảm bảo tính thống nhất: một đơn yêu cầu đăng ký hai hoặc nhiều nhãn hiệu.
- Đơn không đáp ứng quy định mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn.
- Mọi tài liệu của đơn không được trình bày.
- Tài liệu không lập theo mẫu bắt buộc sử dụng và/hoặc chưa điền đầy đủ thông tin vào vị trí thích hợp.
- Tài liệu gồm nhiều trang không được đánh số thứ tự và/hoặc không được đánh số bằng chữ số A Rập.
- Tài liệu không được đánh máy hoặc in bằng loại mực bền màu; tờ khai có dấu hiệu tẩy xoá, sửa chữa hoặc trình bày cẩu thả, không sạch sẽ.
- Thuật ngữ dùng trong đơn không phải thuật ngữ phổ thông. Các ký hiệu, đơn vị đo lường, quy tắc chính tả trong đơn không tuân theo tiêu chuẩn Việt Nam.
- Đơn không đáp ứng đầy đủ về số lượng bản tài liệu, mẫu nhãn hiệu.
- Tờ khai và các tài liệu khác không đầy đủ thông tin bắt buộc và/hoặc không thống nhất, thiếu chính xác.
- Thiếu mô tả nhãn hiệu và/hoặc mô tả chưa đầy đủ đối với nhãn hiệu có thành phần chữ không phải ký tự Latinh.
- Mẫu nhãn hiệu không đáp ứng về kích thước, cách trình bày.
- Sản phẩm/dịch vụ nêu trong đơn chưa được phân nhóm, chưa được phân nhóm chính xác.
- Danh mục chưa đáp ứng yêu cầu (để làm căn cứ xác định phí/lệ phí/phân nhóm; sử dụng thuật ngữ địa phương…).
- Tài liệu trong đơn không có xác nhận sao y của cơ quan có thẩm quyền (nếu cần).
- Không có bản dịch tài liệu uỷ quyền, tài liệu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, các tài liệu bổ trợ khác trong trường hợp cần thiết.
- Bản dịch tiếng Việt của tài liệu đơn không phù hợp với bản gốc.
- Thiếu giấy uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền hết thời hạn hiệu lực.
- Giấy uỷ quyền không bao hàm nội dung công việc đang được tiến hành.
- Uỷ quyền không có bản gốc hoặc chỉ định bản gốc không đúng.
- Uỷ quyền không đáp ứng quy định về nội dung và hình thức theo quy định.
- Thiếu tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên.
- Thiếu tài liệu xác nhận quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác hoặc thoả thuận về quyền đăng ký trong trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân.
- Thiếu tài liệu nhằm chứng minh tư cách người nộp đơn (nếu cần).
- Thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và/hoặc quy chế chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung bắt buộc theo quy định.
- Thiếu tài liệu xác nhận việc cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý và/hoặc tài liệu đó không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
- Thiếu tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (địa danh, danh nhân, cờ, huy hiệu, biểu tượng…).
- Chưa nộp đủ phí/lệ phí.
- Tờ khai được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt.
- Tờ khai không có đủ thông tin về người nộp đơn, về người đại diện, không có chữ ký và/hoặc con dấu của người nộp đơn hoặc người đại diện.
- Đơn thiếu danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
- Có cơ sở để khẳng định người nộp đơn không có quyền đăng ký (chưa có đủ tài liệu để chứng minh quyền đăng ký hoặc tài liệu không thống nhất, không hợp lệ).
- Đơn được nộp trái với quy định (Người đại diện cho chủ đơn không có thẩm quyền hoặc không đáp ứng điều kiện để trở thành người nộp đơn thay mặt cho chủ đơn).
- Thiếu tài liệu chứng minh năng lực chứng nhận của chủ đơn (trường hợp đăng ký nhãn hiệu chứng nhận).
- Có cơ sở để khẳng định đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được Nhà nước bảo hộ theo quy định của Luật SHTT.
Lý do đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối giai đoạn xét nghiệm nội dung
Nhãn hiệu đăng ký thuộc các trường hợp sau sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.
- Dấu hiệu không nhìn thấy được: như dấu hiệu âm thanh, mùi, vị …
- Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành.
- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của sản phẩm, dịch vụ.
- Nhãn hiệu có các yếu tố chữ bị coi là không có khả năng phân biệt:
- Ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được) như ký tự không có nguồn gốc La-tinh: chữ A Rập, chữ tiếng Nga, chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Thái…; trừ khi ký tự thuộc ngôn ngữ trên đi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng phân biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác.
- Mặc dù là ký tự nguồn gốc La-tinh nhưng dấu hiệu chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số, hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được như một từ – kể cả khi có kèm theo chữ số; trừ trường hợp các dấu hiệu đó được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác.
- Một tập hợp quá nhiều chữ cái (kể cả chữ số) hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ được như một dãy quá nhiều ký tự không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định hoặc một văn bản, một đoạn văn bản.
- Mặc dù là ký tự nguồn gốc La-tinh nhưng đó là một từ có nghĩa và nghĩa của từ đó đã được sử dụng nhiều và thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức bị mất khả năng phân biệt.
- Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính sản phẩm, dịch vụ liên quan.
- Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chính sản phẩm, dịch vụ như dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, nguồn gốc địa lý (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận liên quan đến nguồn gốc địa lý của sản phẩm), phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm, dịch vụ), thành phần, công dụng, giá trị của sản phẩm, dịch vụ.
- Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu.
- Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng rộng rãi;
- Dấu hiệu chữ làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác như thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, tính ưu việt của sản phẩm, dịch vụ theo quy định.
- Nhãn hiêu tạo bởi các yếu tố hình bị coi là không có khả năng phân biệt
- Hình hoặc hình hình học thông thường như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác… hoặc hình vẽ đơn giản; hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm.
- Hình vẽ, hình ảnh quá rắc rối phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điểm của hình như gồm quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau.
- Hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng đã được sử dụng rộng rãi.
- Hình vẽ, hình ảnh thông thường của sản phẩm.
- Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Hình vẽ, hình ảnh gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ.
Quý khách hàng có nhu cầu phúc đáp quyết định từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu xin vui lòng liên hệ với Công ty luật LVN Group – Hotline 1900.0191 để được hỗ trợ tốt nhất!