Hỏi: Khẳng định sau đúng hay sai, giải thích tại sao” “Mọi trường hợp có hành vi gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015 ?”

Đáp:  Khẳng định sai. Bởi vì:

Theo điểm a Khoản 1 Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, trường hợp trên phải có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Người nào thực hiện hành vi này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp luật hình sự về vấn đề trên như sau:

 

1. Cấu thành tội phá hoại chính sách đoàn kết

Xây dựng khối đại đoàn kết dân toàn dân là một trong những mục tiêu được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng, do đó những hành vi được coi là phá hoại các chính sách đoàn kết được Nhà nước xây dựng sẽ bị coi là các hành vi vi phạm pháp luật và sẽ có các chế tài xử phạt. Mức hình phạt cao nhất là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Phá hoại chính sách đoàn kết được quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017. Các yếu tố cấu thành tội danh này được quy định như sau: 

 

1.1 Mặt khách quan của tội Phá hoại chính sách đoàn kết

Mặt khách quan của tội phạm được hiểu là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, những biểu hiện này có thể được thể hiện thông qua hành vi mà người thực hiện tội phạm thực hiện, hậu quả xảy ra của hành vi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm. Pháp luật sẽ dựa trên những biểu hiện bên ngoài của việc thực hiện tội phạm để đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm đang được thực hiện. Mặt khách quan của tội Phá hoại chính sách đoàn kết được thể hiện bởi cách hành vi sau đây: 

– Thực hiện các hành vi gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội. Hành vi gây chia rẽ này có thể được hiểu là chủ thể thực hiện hành vi có những thông tin xuyên tạc, thông tin bịa đặt để gây ra những xích mích, mẫu thuẫn ở trong nội bộ các tầng lớp nhân dân hoặc có thể là cố tình gợi lại những mâu thuẫn, những xích mích tồn tại trước đây giữa các tầng lớp nhân dân để nhằm mục gây ra chia rẽ nội bộ giữa các tầng lớp. Chủ thể thực hiện hành vi cũng có thể lợi dụng những sơ hở, những thiếu sót trong quá trình thực hiện các chính sách, thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để nhằm mục đích tạo ra sự mâu thuẫn, chia rẽ giữa công dân với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

– Thực hiện các hành vi gây thù hằn, gây kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

– Thực hiện hành vi gây chia rẽ những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo, chia rẽ những người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với các tổ chức chính trị – xã hội. Hành vi này có thể được biểu hiện bằng việc chủ thể thực hiện hành vi sẽ lợi dụng các tín ngưỡng về giáo lý, các tín ngưỡng của từng tôn giáo để chia rẽ sự đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau, chia rẽ tôn giáo với chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có thể lợi dụng những sơ hở, những nội dung còn thiếu sót của chính sách pháp luật để gây ra sự kích động, chia rẽ các tín đồ với chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế. Đây là hành vi phá hoại các chính sách đối ngoại của Nhà nước trong chương trình thực hiện mục tiêu, sự nghiệp củng cố và tăng cường với các quốc gia trên thế giới. Chủ thể thực hiện hành vi có thể lợi dụng những vấn đề do lịch sử hoặc có thể xuyên tạc, cung cấp những thông tin không đúng sự thật về các chính sách của các quốc gia để gây ra sự mâu thuẫn giữa các quốc gia nhằm mục đích chia rẽ, phá hoại đoàn kết quốc tế.

 

1.2 Khách thể của tội Phá hoại chính sách đoàn kết 

Khách thể của tội phạm được hiểu là các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ bị tội phạm xâm hại đến. Đối với tội Phá hoại chính sách đoàn kết thì quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại đến chính là các chính sách đoàn kết toàn dân, chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo và tiến tới là đoàn kết quốc tế được Đảng và Nhà nước ta quy định với mục đích là nhằm chống chính quyền nhân dân. 

 

1.3 Mặt chủ quan của tội Phá hoại chính sách đoàn kết

Tội Phá hoại chính sách đoàn kết được chủ thể thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Chủ thể thực hiện tội phạm phải có mục đích chống chính quyền nhân dân, hay nói cách khác là mục đích chống chính quyền nhân dân là một trong những dấu hiệu bắt buộc của Tội phá hoại chính sách đoàn kết. Trong những trường hợp mà chủ thể thực các hành vi nêu trên nhưng là do người đó không hiểu, không nắm rõ được các chủ trương, các chính sách của cơ quan nhà nước ta hoặc có thể là do chủ thể đó thiếu kiến thức do sự lạc hậu mà dẫn đến việc có những lời nói, hành vi gây hại đến sự đoàn kết của dân tộc nhưng không làm rõ được mục đích chống chính quyền nhân dân thì không đủ yếu tố để cấu thành tội Phá hoại chính sách đoàn kết theo quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017. 

 

1.4 Chủ thể của tội Phá hoại chính sách đoàn kết 

Chủ thể của tội này được xác định là bất kỳ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 và có năng năng lực trách nhiệm hình sự. 

 

2. Mức hình phạt đối với tội Phá hoại chính sách đoàn kết

Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về mức hình phạt đối với tội Phá hoại chính sách đoàn kết, cụ thể với các khung hình phạt như sau: 

  • Trường hợp người chuẩn bị phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tù. Chuẩn bị phạm tội được hiểu là việc tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để nhằm thực hiện tội phạm hoặc là thành lập, tham gia vào các nhóm tội phạm (Khoản 3 Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017);
  • Người thực hiện tội phạm trong trường hợp ít nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù (Khoản 2 Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017);
  • Người thực hiện tội phạm mà không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 07 đến 15 năm tù (Khoản 1 Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017).

 

Kết luận: Dựa trên những nội dung đã phân tích ở các mục trên thì để một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Phá hoại chính sách đoàn kết thì phải đáp ứng đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm như trên và một trong những yếu tố cấu thành tội này chính là mục đích của người phạm tội là thực hiện các hành vi để nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, chống lại các chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Vậy nên không phải mọi trường hợp người có hành vi gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân đều sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Phá hoại chính sách đoàn kết theo quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017. Một số những trường hợp người thực hiện hành vi là do không hiểu biết về các chỉ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc họ thiếu kiến thức, do lạc hậu mà có những hành vi có hại cho sự đoàn kết dân tộc nhưng có căn cứ cho rằng việc thực hiện hành vi của hộ không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì người thực hiện hành vi này cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã nghiên cứu về tội Phá hoại chính sách đoàn kết. Trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc gì về nội dung đã được nêu ở trên Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài, gọi ngay số: 1900.0191 để được hỗ trợ trực tiếp. Rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý khách hàng. Trân trọng!