Căn cứ theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Quy định cụ thể như sau:

Theo Điều 32 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hành vi sử dụng người lao động Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định này: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Luật LVN Group phân tích chi tiết hơn quy định pháp luật về vấn đề trên như sau:

 

1. Các quy định về người lao động Việt Nam lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Khoản 2 Điều 150 Bộ luật lao động 2019 quy định:

Công dân Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc làm việc cho cá nhân là công dân nước ngoài tại Việt nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và được pháp luật bảo vệ.

Khoản 3 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là cơ quan, tổ chức nước ngoài có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

– Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực;

– Văn phòng thường trú cơ quan thống tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài;

– Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài;

– Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký theo quy định của pháp luật;

– Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học – kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.

 

Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài:

Điều 22 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam) bao gồm:

– Tổ chức được Bộ Ngoại giao phân cấp, uỷ quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu;

– Tổ chức được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phân cấp, uỷ quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

– Tổ chức nước ngoài quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 2 Nghị định này;

– Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

Tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được quyền dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

– Tổ chức nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này;

– Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định này, người nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.

 

2. Trình tự, thủ tục tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

– Khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tuyển dụng hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động hoặc tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam.

– Trường hợp tuyển dụng thông qua tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển dụng, quản lý người lao động Việt nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hết thời hạn nêu trên mà tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam không tuyển, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam và các giấy tờ quy định tại khoản 2, 4 Điều 23 Nghị định này cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam. Trường hợp hợp đồng lao động đã ký kết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.

 

3. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan

3.1. Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có trách nhiệm sau:

– Tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam;

– Thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

 

3.2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi sử dụng người lao động Việt Nam

Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi sử dụng người lao động Việt Nam có trách nhiệm sau:

– Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành;

– Thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam;

– Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam báo cáo hằng năm về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo Mẫu số 02/PLII Phụ lục II ban hành kèm Nghị định này. Thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo và gửi báo cáo như sau:

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này gửi báo cáo về tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định này;

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này gửi báo cáo về tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

 

3.3. Trách nhiệm của tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam

Tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm sau:

– Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam và văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Tổ chức tuyển dụng, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam báo cáo về tình hình tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo Mẫu số 03/PLII Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo và gửi báo cáo như sau:

+ Tổ chức được Bộ Ngoại giao phân cấp, uỷ quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì báo cáo Bộ Ngoại giao;

+ Tổ chức được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phân cấp, uỷ quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này.

– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

4. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam

Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về Vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi có hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng; quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.00 đồng khi có hành vi không thông báo bằng văn bản kèm bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tai Điều 6 Nghị định này thì mức phạt tiền quy định với hành vi nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trên đây là bài viết của Luật LVN Group về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng lao động Việt Nam của các các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm lĩnh vực trên. Trường hợp có vấn đề cần giải đáp, xin vui lòng liên hệ tới số tổng đài tư vấn pháp luật lao động, gọi ngay: 1900.0191 để được đội ngũ Chuyên viên Phòng Hỗ trợ khách hàng của Chúng tôi hỗ trợ tư vấn nhanh chóng. Trân trọng./.