1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là gì?

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập những quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, cũng như việc thực hiện các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự đó. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân cùng với năng lực pháp luật tạo thành tư cách chủ thể của cá nhân. Để có thể tham gia các giao dịch dân sự và trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, mỗi cá nhân phải có tư cách chủ thể. Nghĩa là, ngoài năng lực pháp luật dân sự, cá nhân phải có năng lực hành vi cần thiết khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự thích ứng.

Điều 19 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Năng lực hành vi dân sự chính là khả năng để cá nhân tiến hành các hành vi nhất định nhằm thực hiện năng lực pháp luật, làm cho năng lực pháp luật trở thành hiện thực. Vì vậy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực pháp luật, dựa trên năng lực pháp luật và có sau năng lực pháp luật.

 

2. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân phát sinh và chấm dứt khi nào?

Pháp luật dân sự công nhận mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự bình đẳng như nhau từ khi sinh ra cho đến khi chết vì các chủ thể của quan hệ dân sự luôn bình đẳng với nhau. Theo nguyên lý chung của pháp luật dân sự, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ lúc người đó sinh ra và gắn liền với một cá nhân suốt đời cho đến khi chết, không chịu ảnh hưởng của tuổi tác, trạng thái tâm thần, tình trạng tài sản, địa vị xã hội, kinh nghiệm sống… Trong một số trường họp cần thiết, luật dân sự còn công nhận và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân khi người đó còn là thai nhi (xem thêm quy định về người thừa kế tại Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015).

Khoản 2 Điều 16 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.”

Nhưng năng lực hành vi dân sự của cá nhân lại chỉ có khi đã đạt đến một độ tuổi nhất định và có trí tuệ phát triển bình thường. Khi cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về những hành vi của chính mình thì phải hiểu và làm chủ được hành vi của chính cá nhân đó. Nghĩa là, về ý chí cá nhân đó phải nhận thức được việc mình đã làm hoặc sẽ làm, về lý trí phải làm chủ được hành vi của mình. Với những lứa tuổi khác nhau, tình trạng tâm thần khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau… sẽ có sự nhận thức khác nhau. Do đó, pháp luật dân sự không thể công nhận sự bình đẳng về năng lực hành vi trong mọi trường hợp như năng lực pháp luật. Vì vậy, để có thể thực hiện được hành vi, làm chủ được hành vi đó khi tham gia các quan hệ dân sự, cá nhân (với tư cách chủ thể của quan hệ dân sự) phải bảo đảm một số yếu tố nhất định về: độ tuổi, tình trạng tâm thần, kinh nghiệm sống… Tùy thuộc vào độ tuổi, sự phát triển về trí tuệ và khả năng nhận thức, BLDS năm 2015 tiếp tục phân chia năng lực hành vi dân sự theo các tiêu chí sau đây: Người thành niên, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Mỗi chủ thể là cá nhân này có năng lực hành vi dân sự khác nhau.

 

3. Thế nào là mất năng lực hành vi dân sự?

Mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

  1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bổ người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Như vậy, một người chỉ có thể bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự. Một người nếu bị bệnh tâm thần, hoặc các bệnh khác nhưng Tòa không có quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự thì không thể xác định người này là người mất năng lực hành vi dân sự.

Tòa án phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần để ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Điều này nhằm mục đích đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định. Việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính người đó và cả những người có quyền, lợi ích liên quan nên nếu ra quyết định sai có thể dẫn đến quyền của người khác bị xâm phạm.

Khi có căn cứ cho rằng một người mất năng lực hành vi dân sự thì người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

 

4. Phục hồi năng lực hành vi dân sự

“Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.” (khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015).

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì chính người đó là người đầu tiên phải yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Có thể người này đã khỏi bệnh sau một thời gian điều trị. Khi việc mất năng lực hành vi dân sự nhiều quyền của cá nhân bị hạn chế, ví dụ như khi thực hiện các giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện. Nếu muốn thực hiện quyền dân sự của mình một cách đầy đủ thì phải yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyen bố mất năng lực hành vi dân sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc các cơ quan, tổ chức hữu quan khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, muốn phục hồi năng lực hành vi dân sự thì phải do Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Anh A bị bệnh tâm thần và người nhà anh đã yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố anh A mất năng lực hành vi dân sự nhưng sau một thời gian điều trị đã khỏi bệnh, đã có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Khi có yêu cầu của anh A hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố anh A mất năng lực hành vi dân sự. Anh T có quyền tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.

 

5. Giao dịch dân sự do người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện?

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Khi cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mọi giao dịch dân sự của cá nhân đó phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Như vậy, do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác, những người này không có khả năng để nhận thức và hành động một cách đúng đắn theo ý chí của mình, nên họ không có đủ khả năng để hiểu và làm chủ được hành vi của mình. Cho nên, mọi giao dịch dân sự của những người này đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện.

Giao dịch dân sự do người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện sẽ bị coi là vô hiệu theo Điều 125 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật dân sự những người bị mất năng lực hành vi dân sự vẫn có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự. Đe bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người người bị mất năng lực hành vi dân sự khi họ không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, BLDS đã quy định: khi tham gia dịch lưu dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.