Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
1. Căn cứ pháp lý
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Nội dung tư vấn
Điều 8 Nghị định 115 quy định về các trường hợp yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau:
Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;
c) Ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu bạn thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, c, d Khoản 1 Điều 8 thì bạn có thể yêu cầu hưởng bảo hiểm một lần ngay. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc trường hợp tại điểm b Khoản 1 Điều 8 thì bạn phải đợi ít nhất là 01 năm sau khi nghỉ việc thì bạn mới có thể làm hồ sơ hưởng tiền bảo hiểm xã hội một lần.
3. Chế độ được hưởng bảo hiểm xã hội
Thưa Luật sư của LVN Group ! em có vấn đề muốn hỏi như sau:
Bà Nguyễn Thị A làm việc cho Doanh nghiệp X từ 1986. Năm 2006, bà chuyển sang công ty cổ phần Y có 64% vốn nước ngoài. Tháng 3 năm 2012, bà xin nghỉ phép 20 ngày, gồm phép của năm 2011 và 2012 để vào miền Nam thăm chị gái. Trên đường đi từ Hà nội đến Thành phố HCM bằng xe khách, bà A đã bị tai nạn giao thông, hậu quả chấn thương sọ não phải nằm viện điều trị 4 tháng liền và suy giảm sức lao động 50%. Sau khi xuất viện, do sức khỏe yếu, bà A có nguyện vọng xin về hưu, hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng. Nhưng theo hồ sơ nhân sự, tháng 12/2014 bà A mới đủ 55 tuổi.
Luật sư cho em hỏi chế độ mà bà A được hưởng theo quy định của Luật BHXH hiện hành là gì ạ? em xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo đề bài ta thấy bà A làm việc cho doanh nghiệp X từ năm 1986 đến năm 2006 rồi chuyển chỗ làm mới cho đến tháng 3/2012 mới bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 141 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung thì “Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất”. Do đề bài không đề cập tới việc đóng bảo hiểm của bà A cho nên trong trường hợp này ta mặc nhiên coi doanh nghiệp X đã đóng bảo hiểm cho bà A từ năm 1986.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động thì người lao động làm việc tại một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thôi việc (việc thôi việc này phải theo đúng quy định của pháp luật hoặc được hai bên thoả thuận) thì người sử dụng lao động làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động và giải quyết các chế độ cho người lao động; Đồng thời làm thủ tục chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sang nơi làm việc khác hoặc giao cho người lao động.
Sổ bảo hiểm xã hội là loại giấy tờ được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp cho người lao động để quản lý quá trình làm việc và đóng bảo hiểm của người lao động, sổ này là căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Khi người lao động có sự thay đổi nghề nghiệp, nơi làm việc, mức lương đóng bảo hiểm xã hội thì phải ghi vào Sổ Bảo hiểm xã hội
Theo qui định tại Điểm 7, Mục II Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH ngày 12/03/2003 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 01/2003/NĐ-CP ngày 9/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, khi các bên chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trong Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Sau đó, doanh nghiệp giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động để người lao động nộp cho doanh nghiệp mới mà người lao động sẽ làm việc, doanh nghiệp này tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thời gian đóng bảo hiểm ở doanh nghiệp cũ được tính vào tổng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động khi làm thủ tục hưu trí sau này.
Do đó, trong tình huống trên, khi A chuyển sang làm việc cho công ty cổ phần Y có 64% vốn Nhà nước thì đương nhiên phải chuyển sổ bảo hiểm sang công ty Y để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà A là 26 năm (tính từ năm 1986 đến năm 2012)
Trong trường hợp trên, do bà A bị tan nạn trong thời gian nghỉ phép nên đây không phải là tai nạn nghề nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội thì trường hợp người lao động “Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế” thì được hưởng trợ cấp ốm đau. Do đó, trong tình huống này bà A sẽ được hưởng chế độ BHXH là chế độ ốm đau.
Vì bà A đã đóng 26 năm BHXH cho nên theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với bà A là 40 ngày. Và theo Khoản 1 Điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội thì Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, Điều 23 của Luật bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Đối với việc do sức khỏe kém, bà A có nguyện vọng xin về hưu hàng tháng nhưng chưa đủ 55 tuổi thì ta xem xét về điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng như sau:
3.1. Các trường hợp người lao động được hưởng BHXH
Theo quy định tại Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội thì Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“1. Người lao động có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu:
a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;
b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
2. Người lao động có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác;
b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.”
3.2. Điều kiện người lao động hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
Theo quy định tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội thì điều kiện người lao động hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động là:
1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên
2. Có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm và có mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Đối chiếu với trường hợp của bà A ta thấy: bà A có thời gian đóng bảo hiểm là 26 năm, chưa đủ 55 tuổi và làm công việc bình thường không phải là làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bà A chỉ bị suy giảm 50%. Do đó, bà A không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định trên.
Đối với trường hợp hưởng lương hưu một lần:
Theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội thì điều kiện để hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu là:
“a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;
b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;
c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;
d) Ra nước ngoài để định cư.”
Xem xét trường hợp của bà A, ta thấy bà A không đủ điều kiện để hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội thì trong trường hợp người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, trong tình huống này vì bà A không đủ điều kiện hưởng hưu trí thì khi nghỉ việc bà A có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để sau này hưởng chế
Từ những phân tích ở trên có thể đưa ra kết luận rằng bà A chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là chế độ ốm đau.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Bảo hiểm xã hội, gọi: 1900.0191 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Bảo hiểm xã hội – Công ty luật LVN Group