Hỏi: Khẳng định sau đúng hay sai, giải thích tại sao: “Người đủ 16 tuổi trở lên mà lôi kéo người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015 ?”

Đáp: Khẳng định sai. Bởi vì:

Căn cứ Khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; và người phạm tội này bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội ở tội này phải từ đủ 18 tuổi trở lên, còn ở độ tuổi dưới 18 tuổi không phạm tội.

 

Luật LVN Group phân tích, bình luận về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm như sau:

Tội sử dụng người dưới 16 tuổi mục đích khiêu dâm tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015 là một tội phạm mới được quy định. Điều luật này nhằm bảo vệ hại khách thể đặc biệt quan trọng của Bộ luật Hình sự. Thứ nhất là sự phát triển bình thường và quyền của trẻ em, thứ hai là hành vi có tính chất dâm ô, đồi trụy. Người dưới 16 tuổi được xác định là trẻ em, lứa tuổi mà thể chất và tinh thần trong quá trình phát triển và chưa ổn định.

Khiêu dâm là việc kích thích sự ham muốn về xác thịt.

 

1. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

1.1 Chủ thể của tội phạm 

Chủ thể thực hiện tội phạm đối với tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm được quy định rất rõ tại Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên.” Ở đây điều luật đã thiết kế một cách rất rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội này phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và không phụ thuộc vào giới tính là nam hay nữ. Người từ đủ 18 tuổi trở lên, theo quy định của pháp luật dân sự là người đã có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự và đặc biệt đối tượng bị hành vi sử dụng người vào mục đích khiêu dâm mà điều luật quy định phải là người dưới 16 tuổi. Điều này cho thấy luôn có sự chênh lệch về độ tuổi giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân của hành vi phạm tội mà thực tế ghi nhận đó là ngưỡng của người chưa thành niên và người đã thành niên.

 

1.2 Khách thể của tội phạm

Đây là một điều luật mới và khách thể của tội phạm là việc sử dụng người dưới 16 tuổi vào các hành vi có tính chất khiêu dâm, đồi trụy làm ảnh hưởng đến sự phát triển của người dưới 16 tuổi và cổ xúy cho những hành vi khiêu dâm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và văn hóa dân tộc. Cần lưu ý đây là tội phạm được xếp vào nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm con người. Hành vi xâm hại đến sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi thông qua việc sử dụng họ vào các hoạt động khiêu dâm không trực tiếp xâm phạm tự do tình dục, nhưng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và thậm chí cả sức khỏe của nạn nhân.

 

1.3 Mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan thể hiện lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì lỗi ở đây phải là lỗi cố ý. Tức là người phạm tội nhận thức được hành vi và mong muốn thực hiện hành vi (cố ý trực tiếp) hoặc là người phạm tội nhận thức được hậu quả từ hành vi nhưng vẫn thực hiện hành vi và để mặc hậu quả xảy ra. Vấn đề cơ bản trong mặt chủ quan của tội phạm là chứng minh được người thực hiện hành vi biết rõ việc sử dụng người dưới 16 tuổi mục đích khiêu dâm, như vậy là đã cấu thành tội phạm.

 

1.4 Mặt khách quan của tội phạm

Đây là một hành vi mới được Bộ luật hình sự năm 2015 hình sự hóa. Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là hành vi đưa, sắp xếp, tổ chức và dùng người dưới 16 tuổi để thực hiện các hành động khiêu dâm. Khiêu dâm hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể bởi chưa có Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC nhưng dựa trên góc độ xã hội, đây có thể hiểu là việc dùng các động tác, cử chỉ, hành động cơ thể, lời nói khêu gợi, kích dục trên cơ thể người. Sử dụng người dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi khiêu dâm tức là thực hiện các hành vi như vậy.

Cần tách bạch rõ giữa hành vi khiêu dâm và hành vi tình dục như là “giao cấu” hoặc “các hành vi tình dục khác” bởi mục đích của hành vi khiêu dâm là kể kích dục, khêu gợi ham muốn tình dục đối với người quan sát hành vi chứ không nhằm mục đích giao cấu hoặc thỏa mãn tình dục trực tiếp.

Điều luật này không quy định về hậu quả. Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm không bắt buộc phải gây ra hậu quả tác động vào sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người 16 tuổi hoặc người quan sát hành động khiêu dâm đó. Hậu quả ở đây là hậu quả tác động vào sự phát triển bình thường của nạn nhân thông qua việc thực hiện các hành động nhằm mục đích khiêu dâm do sự yêu cầu, sử dụng của người thực hiện tội phạm. Tức là tội danh này cấu thành hình thức, chỉ cần người trên 18 tuổi, đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, hậu quả rất khó để xác định và không cần xác định đối với tội danh cấu thành hình thức.

 

1.5 Về khung hình phạt 

Người phạm tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm sẽ phải chịu hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015. Đây là cấu thành cơ bản của tội phạm này. Ngoài ra nếu xác định người phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng là: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với người 02 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; có mục đích thương mại; Gây rối tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc các trường hợp: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

 

2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”

Về tên tội danh

Khi xem xét tên tội danh “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêm dâm”, chúng tôi thấy:

Thứ nhất, xét về đối tượng tác động của tội danh, quy định của BLHS năm 2015 về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” cần có chế tài bảo vệ người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em được thông qua ngày 20/11/1989 tại Wien (Áo) thì: “Trong phạm vi của Công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Bên cạnh đó, thực tiễn lập pháp hình sự của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Thụy Điển đều có chế tài bảo vệ người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trước những hành vi khiêu dâm. Đặc biệt, nạn nhân của tội phạm khiêu dâm trong BLHS Nhật Bản không những là trẻ em, mà còn bao gồm người đã thành niên.

So sánh với Công ước về quyền trẻ em cũng như pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới, quy định về độ tuổi của trẻ em trong luật hình sự Việt Nam có sự khác biệt nhất định. Việc quy định người dưới 16 tuổi trong Điều 147 BLHS năm 2015 là hoàn toàn vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm sẽ không cấu thành tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc BLHS năm 2015 chỉ bảo vệ người dưới 16 tuổi trước những hành vi khiêu dâm chưa đáp ứng được yêu cầu về đối tượng tác động của hành vi khiêu dâm trẻ em theo chuẩn mực quốc tế.

Trong khi đó, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam là người chưa thành niên, thể chất và tâm sinh lý chưa thật sự phát triển và hoàn thiện đầy đủ. Đồng thời, một số tội xâm hại tình dục trẻ em trong BLHS năm 2015 đã quy định khung hình phạt cụ thể nhằm bảo vệ tốt hơn cho các đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi như: Khoản 4 Điều 141 BLHS năm 2015: “Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm dến 10 năm” hay khoản 4 Điều 143 BLHS năm 2015: “Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.” Như vậy, việc chưa có chế tài nhằm bảo vệ người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trước các hành vi phạm tội khiêu dâm là một hạn chế lớn trong quy định hiện hành.

Thứ hai, xét về mục đích của tội phạm, tên tội danh “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” khiến nhiều người nhầm lẫn rằng mục đích khiêu dâm là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, vì thế cần sử dụng cụm từ khác thay cho cụm từ “vào mục đích khiêm dâm”.

Luật hình sự Việt Nam quy định mục đích là dấu hiệu định tội một trong số cấu thành tội phạm. Xét về mặt hình thức, thông thường mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm sẽ tồn tại dưới hai dạng sau:

– Mục đích được thể hiện ngay trong tên tội danh và thường theo sau các từ “nhằm”, “để”, “vì mục đích”.. hoặc không theo sau bất kỳ từ gì như tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 BLHS năm 2015) có mục đích là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 BLHS năm 2015) mục đích là chiếm đoạt tài sản, tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (Điều 187 BLHS năm 2015) có mục đích là thương mại, tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” (Điều 285 BLHS năm 2015) có mục đích là trái pháp luật…

– Mục đích không được thể hiện ngay trong tên tội danh mà được thể hiện trong nội dung của điều luật hoặc được suy ra từ hành vi khách quan của tội phạm như tội “Bạo loạn” (Điều 112 BLHS năm 2015) có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, tội “khủng bố” (Điều 299 BLHS năm 2015) có mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, tội “Đầu cơ” (Điều 196 BLHS năm 2015) có mục đích nhằm thu lợi bất chính…

Đối chiếu với hai hình thức trên, tên tội danh “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” đang được xây dựng theo hình thức thứ nhất, do đó có thể hiểu là bắt buộc phải có mục đích khiêu dâm mới cấu thành tội danh.

Tuy nhiên, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội này. Người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong các hành vi khách quan được mô tả tại Điều 147 BLHS năm 2015 với bất kỳ mục đích gì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Việc quy định tên tội danh với cụm từ “vào mục đích khiêu dâm” được xem là một bất cập lớn cần phải thay đổi nhằm tại nên sự thống nhất khi áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tế, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội. Thay vì cụm từ “vào mục đích khiêu dâm”, chúng tôi đề xuất sử dụng cụm từ “vào các hoạt động khiêu dâm” nhằm tránh sự nhầm lẫn, đồng thời thể hiện được bản chất của tội danh.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi tên tội danh đối với Điều 147 – Tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” thành tội “sử dụng người dưới 18 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm”.

Trên đây là những chia sẻ của Luật LVN Group về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Hi vọng bài viết đã mang tới quý bạn đọc những thông tin hữu ích. Mọi vướng mắc, Hãy gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến. Trân trọng cảm ơn!