1. Thực phẩm bẩn là gì?

Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm. (khoản 20 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm 2010).

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định nào giải thích, ghi nhận thế nào là thực phẩm bẩn. Trên thực tế thuật ngữ “thực phẩm bẩn” là cụm từ mà mọi người dùng để chỉ chung những sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

Như vậy, có thể hiểu thực phẩm bẩn là thực phẩm đã bị ô nhiễm, hư hỏng, biến chất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Các thực phẩm ô nhiễm, hư hỏng, biến chất biểu hiện đa dạng: chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh quá mức cho phép; nhiễm kim loại nặng, độc tố và các loại vi khuẩn gây bệnh … không đảm bảo đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân hình thành thực phẩm bẩn trên thực tế gồm:

– Tùy tiện sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi, trồng;

– Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nguồn rau, động vật, thủy sản, hải sản bị nhiễm kim loại nặng, chất độc;

– Sử dụng quá liều, sử dụng không đúng cách hoặc dùng các chất phụ gia hoặc chất bảo quản thực phẩm bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm;

– Quá trình thu hoạch, bảo quản, vận ch uyển chưa được đảm bảo làm thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, độc tố;

– Quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm không được đảm bảo về điều kiện vệ sinh….

 

2. Người làm thực phẩm bẩn bị xử lý như thế nào?

Theo cách hiểu về “thực phẩm bẩn” thì có thể suy ra hành vi “Làm thực phẩm bẩn” là mọi hành vi tạo ra thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng con người.

Dựa trên nguyên nhân hình thành thực phẩm bẩn có thể thấy phạm vi đối tượng “người làm thực phẩm bẩn” cũng rất rộng. Nó sẽ bao gồm cả người nuôi, trồng, người chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Rà soát các quy định pháp luật thì không có quy định nào ghi nhận cụ thể xử lý người làm thực phẩm bẩn, mà sẽ căn cứ vào hành vi cụ thể trong nuôi, trồng, chế biến, sản xuất, bảo quản dẫn tới hình thành thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định để xử lý.

Theo quy định tại Điều 6 Luật an toàn thực phẩm 2010 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Như vậy, người làm thực phẩm bẩn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. 

Ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm thực phẩm bẩn

Trong đó về xử phạt hành chính thì người làm thực phẩm bẩn có thể bị xử phạt đối với vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm quy định tại mục 1 Chương II Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP)và vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phấm quy định tại mục 2 Chương II Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp xác định mức tiền phạt tương ứng với giá trị thực phẩm vi phạm thì mức tiền phạt tối đa được áp dụng bằng 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm nhưng đảm bảo không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).

Cùng với hình phạt chính là phạt tiền thì người làm thực phẩm bẩn còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định như: Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; Tước quyền sử dụng Giấy phép. Đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm;…

Có thể thấy hành vi làm thực phẩm bẩn rất phong phú, đa dạng về hình thức do đó các quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng tương ứng cũng được ghi nhận tương đối nhiều. Và để xác định cụ thể mức xử phạt vi phạm đối với người làm thực phẩm bẩn phải xác định chính xác hành vi làm thực phẩm bẩn đó vi phạm quy định cụ thể nào về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Ở mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người làm thực phẩm bẩn

Nếu vi phạm nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi làm thực phẩm bẩn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất đối với hành vi vi phạm thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì người phạm tội bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm này đó là khi người phạm tội thực hiện tội phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 317 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm dân sự

Trường hợp người làm thực phẩm bẩn gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Trường hợp có hợp đồng sẽ thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng, trường hợp không có hợp đồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

 

3. Tại sao khó xử lý người làm thực phẩm bẩn?

Thực phẩm bẩn có hại đối với sức khỏe con người và là mối nguy hại đối với sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của con người nếu sử dụng lâu dài. Vấn nạn thực phẩm bẩn cũng đã được báo động ở nước ta từ nhiều năm nay, cũng đã có nhiều biện pháp được triển khai song thực tế để nói đã đẩy lùi được hành vi làm thực phẩm bẩn hay chưa thì câu trả lời là chưa và vẫn còn là vấn đề nan giải. 

Theo như tại mục 2 đã trình bày thì chúng ta thấy khung chế tài xử lý hành vi làm thực phẩm bẩn cũng được quy định khá cụ thể về hành vi vi phạm song trên thực tế để xử lý được hành vi làm thực phẩm bẩn lại rất khó. Điều đó xuất phát từ một số nguyên do sau đây:

– Trên thực tế hành vi làm thực phẩm bẩn rất đa dạng để phát hiện và xử lý hành vi làm thực phẩm bẩn thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra trên phạm vi rất rộng mới kiểm soát và phát hiện được hành vi vi phạm như vậy sẽ khó mà sát sao và phát hiện triệt để được.

– Không phải loại thực phẩm bẩn nào cũng xác định được bằng mắt thường mà phải thông qua quá trình kiểm nghiệm (cần thời gian để xác định) do đó, thời điểm phát hiện hành vi có dấu hiệu của hành vi làm thực phẩm bẩn nhưng chưa đủ căn cứ để xử lý ngay vì cần phải có kết quả kiểm nghiệm kết luận thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm mới có đủ cơ sở để xử lý. 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Người làm thực phẩm bẩn bị xử phạt như thế nào” trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành. Hy vọng sẽ cung cấp tới bạn đọc quan tâm tới vấn nạn thực phẩm bẩn những thông tin hữu ích. Mọi vướng mắc pháp lý cần tham vấn ý kiến Luật sư của LVN Group, bạn đọc vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.0191 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến bởi Luật sư của Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!