1. Nội dung của nguyên tắc
Thứ nhất, đảm bảo sự hợp lý giữa mức đóng góp và mức hưởng thụ. Nghĩa là cần căn cứ vào sự cống hiến của người lao động như mức đóng góp, thời gian đóng góp cho các quỹ bảo hiểm xã hội… để dựa vào đó quy định mức trợ cấp và độ dài thời gian hưởng sao cho phù hợp với sự đóng góp cho xã hội của người lao động. Đây được xem là sự cụ thể hóa của nguyên tắc công bằng xã hội – nguyên tắc bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống. Điều này là cần thiết, bởi vì đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì hưởng thụ tương xứng với đóng góp vẫn là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên bản thân nội hàm của khái niệm “mức đóng” và “mức hưởng” có rất nhiều cách hiểu. Nếu mức đóng mà Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội đề cập đến ở đây là một khoản đóng góp cụ thể vào quỹ bảo hiểm xã hội trên cơ sở tiền công, tiền lương hằng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì dựa trên thực tế mức đóng còn có thể là sự cống hiến, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh hoặc lao động đặc biệt, tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại có thể gây tổn thương, bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe, thậm chí tử vong đối với người lao động. Lịch sử quá trình hình thành và phát triển chính sách bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đã thừa nhận điều đó khi họ đưa ra những quy định, những chế độ ưu đãi hơn cho những đối tượng này như: quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên thì được giảm tuổi đời trong điều kiện hưởng chế độ hưu trí… Hay những quy định về điều kiện nghỉ hưu, mức hưởng đối với lực lượng vũ trang – lực lượng lao động đặc biệt. Điều này cũng cho thấy rằng nguyên tắc trên không hoàn toàn giống như áp dụng nguyên tắc phân phối theo lao động trong luật lao động. Đồng thời nó cũng khác biệt với nguyên tắc mức hưởng dựa trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng trong bảo hiểm thất nghiệp. Bởi lẽ nếu như bảo hiểm thất nghiệp liên quan đến mục đích bảo đảm việc làm, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong việc hưởng các quyền lợi liên quan đến tự do việc làm của người lao động nên nó chỉ dựa vào 2 yếu tố duy nhất là mức đóng, thời gian đóng thì bảo hiểm xã hội mang tính an sinh xã hội hướng đến mục đích nhân văn hơn nên nó không chỉ dựa trên mức đóng, thời gian đóng mà còn mức độ, thời gian cống hiến, hy sinh của họ.
Thứ hai, sự tương xứng giữa mức đóng và mức hưởng bảo hiểm xã hội chỉ mang tính tương đối bởi không phải người lao động cứ đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội bao nhiêu thì sẽ nhận được bấy nhiêu từ chế độ bảo hiểm xã hôi. Điều này được thể hiện ngay từ việc đóng góp của họ vào quỹ, để được hưởng một chế độ nào đó họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của luật định chứ không phải đã đóng góp là sẽ được hưởng. Hay như chế độ thai sản chủ yếu do lao động nữ thụ hưởng nhưng lao động nam họ cũng tham gia vào quá trình đóng góp. Hay trong số đông những người tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội gồm người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước thì người lao động mới là đối tượng chủ yếu được hưởng trợ cấp.
Thứ ba, mặc dù mức hưởng phải căn cứ trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn mang tính chất chia sẻ, hỗ trợ giữa những người tham gia bảo hiểm. Bởi lẽ rủi ro, mất khả năng hay cơ hội lao động xảy ra đối với người lao động là khó tránh khỏi trong khi đó trên thực tế, những mối đe dọa đó xảy ra đối với mọi người lại không hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy số đông bù số ít thể hiện rõ nét tính xã hội của loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận này. Khoản thu nhập thay thế nói chung cao hơn so với khoản phí bảo hiểm xã hội mà họ đã đóng góp. Để làm được điều này, bảo hiểm xã hội phải lấy số đông người tham gia đóng góp để bù đắp cho số ít người không may gặp rủi ro. Theo nguyên tắc này, càng đông người tham gia bảo hiểm xã hội, mở rộng nhiều nội dung bảo hiểm xã hội thì gánh nặng đóng góp phí đối với từng người càng có cơ hội giảm xuống, sự san sẻ rủi ro càng được thực hiện dễ dàng hơn.
2. Cơ sở lý luận của nguyên tắc
Cơ sở lý luận của nguyên tắc xuất phát từ tính chất của bảo hiểm xã hội là loại bảo hiểm vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội. Trong đó, tính kinh tế của bảo hiểm xã hội thể hiện ở chức năng tổ chức phân phối thu nhập, đảm bảo đời sống của cá nhân cũng như của gia đình người lao động. Để thực hiện việc phân phối đó một cách hiệu quả, công bằng và bình đẳng bảo hiểm xã hội trong quá trình triển khai phải có sự kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ và sự tương xứng tương đối giữa mức đóng và mức hưởng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội còn mang tính xã hội, vì mục đích an sinh xã hội chứ không phải làm giàu trong đó nổi trội là sự chia sẻ những rủi ro xã hội, lấy số đông bù số ít.
3. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc
Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
4. Việc thực thi nguyên tắc từ sau khi giành độc lập đến nay
Trước năm 1995, bảo hiểm xã hội đóng vai trò như chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước ta đối với cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Lúc này chế độ bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước chi trả, trên cơ sở thời gian cống hiến của người lao động. Sau năm 1995, cùng với sự ra đời của tổ chức bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện cơ bản theo nguyên tắc mức hưởng dựa trên mức đóng và thời gian đóng. Đây là bước phát triển vượt bậc của chính sách bảo hiểm xã hội so với trước đó. Người lao động không phân biệt thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ tham gia để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Sự tuân thủ nguyên này đã góp phần tạo ra sự công bằng, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội đất nước, tiệm cận gần hơn với hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc hưởng thụ theo đóng góp của bảo hiểm xã hội cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập ở từng thời kỳ. Nghiên cứu quá trình thực thi chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội các giai đoạn cho thấy, một trong những lý do để cải cách lại chính sách chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc này. Ví dụ thời kỳ trước năm 2014, quỹ bảo hiểm xã hội đối mặt với nguy cơ mất cân bằng do quyền lợi được hưởng cao hơn nghĩa vụ đóng góp. Quỹ hưu trí và tử tuất có số chi ngày càng tăng nhanh, khó đảm bảo chi trả trong dài hạn. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy: Đến năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số thu còn lại bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả, các năm sau đó số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm.
Năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016. Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập từ việc thực hiện nguyên tắc mức hưởng dựa trên mức đóng và thời gian đóng, nhưng ở góc độ khác. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời điểm đó hiện có khoảng 3.200 người hưởng lương hưu, có mức lương bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở, đó là các giáo viên mầm non, người hoạt động không chuyên trách xã phường, thị trấn… Với mức hưởng như vậy, tính chất “bù đắp thu nhập” không được bảo đảm khi người lao động hết tuổi lao động. Hay quy định mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân của người lao động chết tại Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 “bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở”. Đó thực sự là khoản trợ cấp quá ít ỏi đối với người thụ hưởng để ổn định cuộc sống khi nguồn bảo đảm cuộc sống từ người thân của họ không còn. Đặc biệt là quy định về trợ cấp mai táng tại Điểm a Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: “Chỉ người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng, khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng”. Như vậy, người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 12 tháng khi chết thì người lo mai táng sẽ không được nhận trợ cấp mai táng. Lý giải cho những quy định này đều dựa vào nguyên tắc hưởng thụ theo đóng góp. Hạn chế này đã được chỉ ra tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII “còn nặng về nguyên tắc đóng – hưởng mà chưa chú ý thỏa đáng đến các nguyên tắc chia sẻ”.
Hiện nay, dù đất nước phát triển đến đâu và chính sách bảo hiểm xã hội hoàn thiện ở mức độ nào thì nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn song hành. Còn đó những hy sinh, mất mát giữa thời bình trong thực hiện nhiệm vụ, còn đó những lĩnh vực hoạt động, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn luôn ẩn chứa sự nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Chính vì thế việc thực hiện hài hòa nguyên tắc: Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội luôn được chú trọng và quan tâm nhằm hướng đến thực hiện hài hòa sứ mệnh xã hội và nhân văn của bảo hiểm xã hội.
5. Ý nghĩa của nguyên tắc
Nếu như nguyên tắc mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bảo đảm sự công bằng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội thì nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội bảo đảm tính nhân văn. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội trước hết phải mang đặc trưng của bảo hiểm nói chung nên không thể nằm ngoài sự chi phối của nguyên tắc hưởng thụ theo mức đóng. Vì vậy, cần sự hài hòa giữa hai nguyên tắc này để bản chất kinh tế và xã hội hay công bằng và nhân văn cùng song song tồn tại. Chính sự hài hòa này là điểm khác biệt cơ bản giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu “sự kết hợp hài hòa” trong nguyên tắc này một cách máy móc như nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Tùy thuộc vào từng mặt của các mối quan hệ, hoặc từng khâu của mỗi chế độ, thậm chí từng loại đối tượng của an sinh xã hội mà có sự áp dụng linh hoạt và phù hợp. Có như vậy mới phát huy đúng tinh thần của nguyên tắc có “tính chất kép” này, mới đảm bảo được mục đích công bằng giữa đóng góp và hưởng thụ; đảm bảo mục đích an sinh xã hội và sự cân đối trong quỹ bảo hiểm. Bên cạnh đó các trợ cấp an sinh xã hội có nhiều mức khác nhau, tuy nhiên về nguyên tắc, mức trợ cấp không được cao hơn mức thu nhập khi làm việc, nhưng mức thấp nhất cũng phải đảm bảo những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu cho những người thụ hưởng.