– Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung:

+ Thực hiện tội phạm dưới hình thức đồng phạm là một thể thống nhất; hậu quả, tác hại của tội phạm là kết quả chung của hành vi của những người đồng phạm. Những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về tội phạm mà họ cùng tham gia thực hiện với người thực hành về cùng một tội danh, cùng một điều luật và trong phạm vi chế tài mà điều luật đó quy định.

+ Những người đồng phạm cùng phải chịu những tình tiết tăng nặng (nếu có) được quy định trong Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

+ Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, thời hiệu đối với loại tội mà những người đồng phạm đã thực hiện được áp dụng chung cho những người đồng phạm.

* Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập:

+ Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người đồng phạm khác.

+ Những tình tiết táng nặng, giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với người có những tình tiết đó.

+ Việc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.

+ Hành vi của người xúi giục, người giúp sức, người tổ chức chưa dẫn đến việc thực hiện tội phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của một trong những người đồng phạm không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm khác.

* Nguyên tắc cá thể hóa:

Mặc dù cùng thực hiện một tội phạm nhưng tính chất và mức độ tham gia của những người đồng phạm khác nhau. Vì vậy, khi quyết định hình phạt, ta phải xem xét tính chất, mức độ tham gia của từng người đồng phạm.

Luật LVN Group phân tích chi tiết hơn quy định pháp lý về vấn đề trên:

 

1. Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm được hiểu như thế nào?

Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý. Là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự bằng một hậu quả bất lợi do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó thực hiện. Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm cũng là hậu quả pháp lý bất lợi đối với những người đồng phạm khi họ cùng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tương ứng với vai trò, tính chất, mức độ tham gia khi thực hiện tội phạm.

Việc xác định trách nhiệm hình sự cho người đông phạm phải dựa trên hành vi cụ thể của mỗi người do trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân, mỗi cá nhân sẽ có những mức độ trách nhiệm hình sự khác nhau. Chính vì vậy, khi xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm cần phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể tại mục 3 dưới đây.

 

2. Thế nào được coi là đồng phạm trong một vụ án?

Để đáp ứng được điều kiện đồng phạm trong vụ án, cần phải đáp ứng được các điều kiện như sau:

Thứ nhất, căn cứ vào mặt khách quan của tội phạm bao gồm: Căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án và căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu quả do vụ án đồng phạm gây ra. 

– Trước hết, ăn cứ vào số lượng người trong vụ án đồng phạm, theo đó tại Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm có từ 2 người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp một người thỏa mãn điều kiện còn những người còn lại không thỏa mãn điều kiện về đổ tuổi hoặc về năng lực trách nhiệm hình sự hoặc không thỏa mãn cả hai thì không được coi là đồng phạm 

 Người nào trực tiếp thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm cụ thể thì người đó còn phải có đặc điểm riêng của chủ thể trong cấu thành tội phạm đó. Những người này cùng thực hiện một tội phạm, biểu hiện là cùng thực hiện hành vi khách quan hoặc cùng tham gia thực hiện hành vi khách quan.

– Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm hoặc góp phần thực hiện tội phạm. Theo đó, hành vi của người đồng phạm này sẽ phải liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Tất cả các hành vi đó đều hướng về cùng một tội phạm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện tội phạm thuận lợi hơn hết hành vi phạm tội có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chung xảy ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.

Thứ hai căn cứ về mặt chủ quan, một vụ án  được coi là có đồng phạm khi những người tham gia có sự cố ý tham gia thực hiện tội phạm. Tất cả những người đồng phạm đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Họ đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Bên cạnh đó, họ cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả chung xảy ra dẫn đến nguy hiểm cho xã hội. Trường hợp chỉ biết mình có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội mà không biết người khác cũng có hành vi như vậy với mình thì chưa thỏa mãn dấu hiệu lỗi cố ý trong đồng phạm và do vậy sẽ không có đồng phạm trong vụ án đó.

Mặt chủ quan của tội phạm thể hiện trên hai mặt lý trí và ý chí của người phạm tội. Chính vì lẽ đó, về lý chí của người thực hiện, họ phải biết được rằng hành vi của họ đang nguy hiểm cho xã hội; họ nhận thức được người khác cũng đang thực hiện hành vi nguy hiểm giống mình và họ biết được hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi đó như thế nào. Còn về ý chí, đòi hỏi những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động phạm tội chung và cùng mong muốn có hoạt động phạm tội chung có để cho hậu quả xảy ra. Điều đó đã phản ảnh mong muốn và nguyện vọng của những người thực hiện tội phạm đối với hành vi của những người đồng phạm khác và đối với hậu quả chung nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Ngược lại, nếu chứng minh được rằng mình không mong muốn hậu quả chung xảy ra từ hành vi thực hiện thì không phải là đồng phạm.

3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm.

Như chúng ta đã biết, đồng phạm là trường hợp từ 02 người trở lên cùng thực hiện tội phạm, do vậy những người có hành vi phạm tội đều cùng phải chịu trách nhiệm hình sự chung. Chính vì điều đó, đối với một tội phạm cụ thể mà những người đồng phạm thực hiện  đều phải chịu trách nhiệm, bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện và đều bị áp dụng hình phạt của cùng một tội đó. Cụ thể các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm như sau:

Thứ nhất, nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự chung:

Theo đó, mọi đồng phạm đều bị áp dụng nguyên tắc chung về toàn bộ tội phạm đã xảy  thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xác định hình phạt. Nguyên tắc này có được do tính chất liên kết hành vi cùng thực hiện một tội phạm, hành vi của mỗi người đồng phạm đều là nguyên nhân gây ra hậu quả tác hại. Chính vì lẽ đó mà Bộ luật Hình sự đã quy định chung là tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ thực hiện, đều bị áp dụng hình phạt của tội phạm mà tất cả những người đồng phạm cùng thực hiện.

Thứ hai, nguyên tắc độc lập của trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Trong đồng phạm, mỗi người phải chịu trách nhiệm chung về cùng tội phạm mà họ cùng thực hiện nhưng Bộ luật Hình sự quy định thêm rằng mỗi người đồng phạm lại đều phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập đối với hành vi phạm tội của mình. Bởi lẽ, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân nên việc xác định trách nhiệm hình sự cho mỗi người đồng phạm vẫn phải dựa trên cơ sở hành vi cụ thể của mỗi người. Điều này thể hiện ở chỗ, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì áp dụng trách nhiệm đến đó. Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác. Trên thực tế, hành vi vượt quá thường được hiểu là hành vi của người thực hành. Chúng tôi đưa ra ví dụ để làm rõ nguyên tắc này như sau:

M và N thường xuyên thấy chị H đi làm về muộn nên cả hai đã lên kế hoạch cướp chiếc xe của chị H khi chị đi làm về. Tối hôm đó, cả hai cùng canh chị H đến 10h thấy chị đi qua bãi đất trống cả hai cùng chạy ra áp sát và cướp xe của chị, tuy nhiên M đã vượt quá kế hoạch. Cụ thể anh M đã thực hiện hành vi hiếp dâm chị H khiến chị H bị thương. Hành vi của anh M có thể cấu thành tội độc lập là Tội hiếp  hay cấu thành tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của tội cướp tài sản. Điều này sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ phần trăm thương tích của chị H.

+ Ví dụ trên còn cho thấy một điều ở nguyên tắc này là: Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với người có những tình tiết đó.

+ Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác.

+ Hành vi của người tổ chức, xúi giục hay giúp sức dù chưa đưa đến việc thực hiện tội phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác.

Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm này cũng đã được nhắc đến tại Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau:

Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

 Thứ ba, nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Mặc dù cùng thực hiện một tội phạm nhưng tính chất và mức độ tham gia của những người đồng phạm khác nhau. Vì vậy, khi quyết định hình phạt, ta phải xem xét tính chất, mức độ tham gia của từng người đồng phạm. Chúng ta cùng phân tích về tính chất, mức độ tham gia của từng người đồng phạm: 

– Đánh giá đồng phạm cần xem xét tính chất của đồng phạm. Theo đó không phải cứ nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội. Như vậy, căn cứ vào tính chất đồng phạm có thể phân chia thành đồng phạm có sự bàn bạc, thống nhất ý chí và đồng phạm không bàn bạc, thống nhất ý chí.

– Đánh giá về tính chất của hành vi phạm tội: 

+ Cần xem xét, cân nhắc lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội; phương tiện phạm tội; thủ đoạn phạm tội; thời gian và địa điểm phạm tội; khách thể xâm hại…

+ Cần xem xét. cân nhắc hậu quả do hành vi phạm tội gây ra bao gồm hậu quả thiệt hại xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và hậu quả phi vật chất.

– Ngoài ra, cần phải đánh giá vào mức độ tham gia của từng đồng phạm. Đánh giá xem có tham gia có tích cực hay không? Nếu tham gia tích cực nhưng vì điều kiện khách quan mà việc tham gia của họ không gây ra hậu quả của tội phạm và khi xem xét quyết định hình phạt thì có cần thiết phải cá thể hóa so với hành vi của những người khác hay không. Bên cạnh đó, khi đánh giá mức độ tham gia của từng người cần xem xét xem trong mối quan hệ với hậu quả của tội phạm để xác định cho chính xác, hoặc so sánh với hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác.

– Cuối cùng, cần căn cứ thêm vào các loại tội phạm mà đồng phạm thực hiện tập trung vào các nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; nhóm tội xâm phạm chế độ sở hữu, đây là những nhóm tội có thể dễ dàng xác định được tính chất, mức độ tham gia của người phạm tội căn cứ vào hành vi phạm tội.

Bộ luật Hình sự đưa ra chính sách hình phạt là nghiêm trị sẽ kết hợp với khoan hồng, điều này có nghĩa là trong đồng phạm có người sẽ được nghiêm trị chặt chẽ có người sẽ được khoan hồng nhưng cũng sẽ phải căn cứ vào mức độ tham gia, tính chất phạm tội…Thông thường pháp luật sẽ khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm hay lập công chuộc tội. Chính sách này được thể hiện rõ nét trong đường lối xét xử các vụ đồng phạm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia.Bởi vì trong các vụ án này, bên cạnh những tên cầm đầu, chủ mưu, những tên hoạt động đắc lực có ý thức phạm tội sâu sắc còn có một số khá đông đã phạm tội do bị lừa phỉnh, ép buộc.

Chính sách nghiêm trị kết hợp với khoan hồng cũng được thể hiện rõ nét trong các vụ đồng phạm các tội phạm khác nếu trong các vụ đồng phạm đó có sự phân hóa rõ rệt hai loại người, một bên là những tên cầm đầu, thuộc phần tử xấu có máu mặt và một bên là những người nhất thời, túng quẫn hoặc bị đe dọa thực hiện hành vi phạm pháp.

Trên đây là bài viết của Luật LVN Group liên quan đến nguyên tắc trong xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm. Nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết khách hàng gọi lên tổng đài: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến.