Phim ảnh là một trong những sự lựa chọn vô cùng phổ biến để giải trí và học tập. Hiện nay, phim ảnh được phân loại theo độ tuổi người xem như 13+, 16+, 18+. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số vấn đề về phim 18+ và trả lời cho câu hỏi trẻ em bao nhiêu tuổi được vào rạp xem phim.

 

1. Phim 18+ là gì? Các tiêu chí nhận biết, xác định phim 18+ 

Phim 18+ sẽ được phân loại T18+, tức là thuộc loại phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18 tuổi. 

– Các tiêu chí nhận biết, xác định phim 18+:

Các tiêu chí để xác định phim 18+ bao gồm:

+ Chủ đề của phim: Chủ đề của phim 18+ sẽ không phù hợp với những khán giả ở lứa tuổi dưới 18

+ Nội dung của phim: Nội dung của phim 18+ sẽ phản ánh những vấn đề không phù hợp với lứa tuổi dưới 18 như các vấn đề về tâm lý, tình dục, chính trị, xã hội, tội phạm. Những nội dung này gây ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả dưới 18 tuổi, có thể gây ra những suy nghĩ lệch lạc, những hành động gây nguy hiểm cho bản thân và cho xã hội. 

+ Bạo lực: Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh cho người xem, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung và không khai thác sâu.

+ Khỏa thân: Không chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân toàn phần sso phù hợp với nội dung phim, không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài.

+ Tình dục: Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ trường hợp các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài.

+ Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện: Không chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ phù hợp với nội dung phim hoặc mục đích phản đối, lên án những hành vi nêu trên nhưng không miêu tả chi tiết, không có thời lượng kéo dài.

Đối với việc sử dụng thuốc lá trong phim thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BVHTTDL ngày 14/5/2014 của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.

+ Kinh dị: Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả chi tiết, diễn ra thường xuyên, có thời lượng kéo dài, trừ trường hợp những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó cần thiết cho nội dung phim và phù hợp với lứa tuổi.

+ Ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh thô tục: Không chấp nhận việc sử dụng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh thô tục trừ một số từ chửi thề, tiếng lóng trong lời thoại, chữ viết thể hiện ở mức độ mạnh hơn so với phim phân loại ở mức C16

 

2. Phân loại phim theo độ tuổi

Theo quy định tại Điều 32 Luật Điện ảnh năm 2022, phim được phân loại theo nội dung để phù hợp đối với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau: 

– Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi

– Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

– Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

– Loại K: Phim được phổ biến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

– Loại C: Phim không được phép phổ biến.

 

3. Trẻ em bao nhiêu tuổi được vào rạp xem phim

Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 thì trẻ em từ đủ 13 tuổi trở lên sẽ được tự mình vào rạp chiếu phim để xem phim khi xuất trình được các giấy tờ chứng minh được bản thân từ đủ 13 tuổi trở lên như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu…

Đối với trẻ em dưới 13 tuổi sẽ được phép xem các phim thuộc thể loại K với điều kiện là trẻ em sẽ được vào rạp chiếu phim với điều kiện xem cùng cha, mẹ, hoặc người giám hộ của trẻ.

 

4. Xem phim 18+ có bị phạt không?

Theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau:

Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý và trao đổi và sử dụng thông tin:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

+ Không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông.

+ Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có thể khẳng định xem phim 18+ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng nếu lưu trữ phim mang tính chất dâm ô sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.