Trong suốt chiều dài lịch sử học thuyết kinh tế, mỗi trường phái đều có những đặc điểm lý luận riêng, nó được quy định và chi phối bởi phương pháp luận và điều kiện lịch sử kinh tế riêng. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thì lịch sử học thuyết kinh tế kể từ khi hình thành phát triển của chủ nghĩa tư bản đến nay, đó là sự tranh luận giữa một bên đề cao vai trò của thị trường và một bên đề cao vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế. Trong bài viết này, tác giả hệ thống hóa quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở một số học thuyết kinh tế từ đầu thế kỷ XX đến nay, chỉ ra tính quy luật của sự thay đổi các quan niệm về vai trò của nhà nước đối với kinh tế thị trường, từ đó đề xuất một số ý kiến về giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong sự phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay. Sau đây là những quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở một số học thuyết kinh tế cận, hiện đại
1. Quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế theo trường phái Tân cổ điển
Trường phái “Tân cổ điển” giữ vai trò thống trị vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, được phát triển ở nhiều nước cùng với những tác giả tiêu biểu, như trường phái “Giới hạn” thành Viene (Áo), trường phái “Giới hạn” Mỹ, trường phái thành Lausanne (Thụy Sỹ)… Ở mỗi nước đều có một số đại biểu tiêu biểu. Giống như trường phái cổ điển, các nhà kinh tế của trường phái Tân cổ điển ủng hộ tự do cạnh tranh, chống lại sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, tin tưởng vững chắc vào kinh tế thị trường tự phát sẽ bảo đảm cân đối cung – cầu, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển.
Theo họ cạnh tranh tự do không bao giờ nảy sinh một cách tự nhiên, nó xuất hiện và phát huy tác dụng khi được đảm bảo bởi nguyên tắc số một: Sở hữu tư nhân, chính chế độ sở hữu tư nhân là nhân tố cơ bản làm cho nền kinh tế thị trường luôn khôi phục được sự cân bằng chung, vì vậy nếu nhà nước không tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển chắc chắn sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân đối, chế độ tư hữu là cơ sở đảm bảo cho sự hòa hợp tự nhiên, do vậy không cần đến sự can thiệp chính phủ hay các cơ quan điều tiết khác. Với quan niệm trên đây, trường phái Tân cổ điển cho rằng nhà nước nên dừng ở những chức năng chính là:
– Duy trì ổn định chính trị;
– Tạo môi trường pháp luật ổn định và chính sách thuế khóa hợp lý, khuyến khích người tiêu dung;
– Sử dụng hợp lý ngân sách quốc gia, hướng chi tiêu ngân sách cho mục tiêu phát triển phát triển kinh tế như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu cơ bản để đổi mới công nghệ, hỗ trợ cho những ngành sản xuất có triển vọng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới…
Ngoài những chức năng cơ bản đó, nhà nước không nên can thiệp gì thêm, hãy để cho giới kinh doanh và người tiêu dùng quyết định những vấn đề còn lại.
2. Quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế theo Keynes và trường phái Keynes
Có thể thấy sự khác nhau căn bản trong quan niệm về vai trò của nhà nước giữa cách nhìn của Keynes và cách nhìn của Tân cổ điển.
Nếu Tân cổ điển cho rằng nhà nước không nên can thiệp trực tiếp mà chỉ dừng lại ở chức năng tạo môi trường, thì Keynes khẳng định và nêu lên quan điểm về vấn đề khủng hoảng, thất nghiệp và vai trò điều tiết của nhà nước. Theo ông giữa cung và cầu ít khi có sự cân bằng, bởi vì chúng chịu tác động của hàng loạt nhân tố (thu nhập, xu hướng tiêu dùng giới hạn, tiết kiệm, hiệu quả giới hạn của tư bản, lãi suất, xu hướng ưa chuộng tiền mặt…) và trong hầu hết các trường hợp thì tổng cầu luôn nhỏ hơn tổng cung. Tình hình đó gây nên hiện tượng thừa hàng hóa, làm sản xuất bị thu hẹp, thất nghiệp gia tăng. Keynes thừa nhận sự phát triển có tính chu kỳ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và coi đó là một hiện tượng vô cùng phức tạp, một căn bệnh nan giải và để khắc phục không thể dựa vào sự điều tiết của thị trường cũng như dựa vào những sáng kiến cá nhân. Ông khẳng định cần có vai trò nhà nước trong điều tiết nền kinh tế. Vai trò đó được thể hiện tập trung ở việc điều chỉnh tổng cầu.
Tổng cầu hiệu quả gồm có cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Cầu tiêu dùng giảm do tác động của khuynh hướng tiêu dùng giới hạn và thu nhập. Thu nhập tăng lên khi việc làm tăng, song do sự tác động của khuynh hướng tiêu dùng giới hạn nên tiêu dùng tăng chậm hơn thu nhập (còn tiết kiệm lại tăng nhanh) điều này làm cho tiêu dùng giảm tương đối.
Cầu đầu tư giảm do sự tác động của hiệu quả giới hạn của tư bản. Hiệu quả giới hạn của tư bản giảm xuống làm mất niềm tin của doanh nhân vào thu nhập tương lai, do vậy họ từ bỏ việc đầu tư, làm cho việc thu hút việc làm bị ngừng trệ, thất nghiệp tăng. Cầu đầu tư còn phụ thuộc vào sự biến động lãi suất, khối lượng tiền tệ và khuynh hướng chuộng tiền mặt, tất cả các nhân tố tác động tới tổng cầu hiệu quả đều tác động tới việc làm. Do vậy, để chống thất nghiệp phải dùng các biện pháp để tác động vào tổng cầu hiệu quả. Việc này cần phải có bàn tay của chính phủ, không thể phó mặc cho thị trường.
Theo Keynes, chính phủ có thể can thiệp vào nền kinh tế thông qua công cụ chính sách tài khóa, bao gồm thuế và chi tiêu ngân sách. Keynes nhấn mạnh vấn đề chi ngân sách và cho rằng chính phủ nên cung ứng những kích thích ban đầu bằng những công trình kinh tế công cộng. Những công trình kinh tế công cộng đó, một mặt tạo ra việc làm, mặt khác dẫn đến tăng cầu về tư liệu sản xuất, nó còn có thể dẫn đến sự xuất hiện của những hình thức hoạt động dịch vụ thu hút khối lượng lao động lớn, làm tăng hơn nữa số lượng việc làm, nhu cầu tiêu dùng của cá nhân có khả năng thanh toán tăng tạo lực đẩy, kích thích khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong kinh doanh, cách thức can thiệp của chính phủ như vậy sẽ dẫn đến hiệu ứng cho nền kinh tế.
Để nâng cao cầu tiêu dùng, Keynes cho rằng sự điều tiết của chính phủ cũng rất quan trọng. Muốn kích cầu tiêu dùng trước hết phải điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm thuế thu nhập, thậm chí Keynes còn đưa ra biện pháp “thực hiện tín dụng tiêu dùng” – nhà nước khuyến khích mọi người mua chịu hàng hóa và trả dần, nhờ đó mà tiêu dùng hàng hóa nhanh. Nếu đầu tư cùng tăng với tiết kiệm, kết quả có được là tăng mức tổng cầu làm thu nhập quốc dân tăng.
Từ những quan điểm và cách lập luận của Keynes có thể khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường không có khả năng tự điều tiết. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển đều đặn, nhà nước phải trực tiếp can thiệp và điều tiết vào kinh tế.
3. Quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế theo Chủ nghĩa tự do mới
Chủ nghĩa tự do mới là một trong những trào lưu tư tưởng kinh tế lớn, xuất hiện từ những năm 1930 và phát triển cho tới nay. Xuất hiện ở nhiều nước tư bản với các tên gọi khác nhau, trong đó điển hình là các khuynh hướng ở Mỹ và chủ nghĩa tự do mới ở Đức (lý thuyết về nền kinh tế thị trường xã hội), lý thuyết trọng tiền, lý thuyết trọng cung ở Mỹ…
Đặc trưng, của hệ thống lý luận này, họ áp dụng và kết hợp các quan điểm cũng như các phương pháp luận của chủ nghĩa tự do cũ, trường phái trọng thương mới, trường phái Keynes để hình thành hệ tư tưởng mới nhằm điều tiết nền kinh tế chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng cơ bản của nó là cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước ở một mức độ nhất định. Khẩu hiệu của họ là “thị trường nhiều hơn, nhà nước can thiệp ít hơn”.
Lý thuyết tự do kinh tế ở Mỹ, nổi bật là phái Trọng tiền, ra đời vào những năm 40 và 50 của thế kỷ XX ở Hoa Kỳ, đại diện tiêu biểu là Milton Friedman. Tư tưởng cơ bản của phái này là đề cao vai trò của các đại lượng tiền tệ đối với các biến động kinh tế vĩ mô. Theo họ, về bản chất nền kinh tế TBCN là tương đối ổn định, với giá cả và tiền công tương đối linh hoạt, cơ chế thị trường tự nó sẽ bảo đảm cân bằng cung – cầu và không nhất thiết phải trải qua các chu kỳ kinh doanh. Sở dĩ trong nền kinh tế đã xảy ra những đợt suy thoái hay lạm phát cao là do nhà nước đã cung ứng quá nhiều hoặc quá ít tiền cho nền kinh tế. M.Friedman chủ trương, để cho nền kinh tế thị trường tự do điều tiết, nhà nước can thiệp chỉ làm xấu thêm tình hình của thị trường, vì nếu thị trường có khuyết tật thì bản thân nhà nước cũng có những khuyết tật. Nếu cần thiết phải điều chỉnh khi nền kinh tế vận động sai lệch, nhà nước chỉ áp dụng chính sách tiền tệ, chủ yếu là điều chỉnh khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông.
Cũng là một khuynh hướng của chủ nghĩa tự do mới, ở Đức khuynh hướng này có tên là “kinh tế thị trường xã hội”, trong đó tác giả Alfred Muller – Armack là nổi bật hơn cả. Cách nhìn nhận của phái kinh tế thị trường xã hội về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế có sự khác biệt so với các phái tự do mới của Mỹ. Trong nền kinh tế thị trường xã hội, các quá trình kinh tế – xã hội vận hành trên nguyên tắc cạnh tranh có hiệu quả và phát huy cao độ tính chủ động và sáng kiến của cá nhân, do đó chính phủ chỉ can thiệp vào nơi nào cạnh tranh không có hiệu quả, ở nơi cần phải bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh có hiệu quả. Nền kinh tế thị trường xã hội đòi hỏi nhà nước phải mạnh, song chỉ can thiệp với mức độ cần thiết và phải dựa trên hai nguyên tắc hỗ trợ và tương hợp. Nguyên tắc hỗ trợ xác định chức năng của nhà nước phải khơi dậy và bảo vệ các nhân tố của thị trường, ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ, duy trì chế độ sở hữu tư nhân và giữ gìn trật tự an ninh, công bằng xã hội. Nguyên tắc tương hợp làm cơ sở để nhà nước hoạch định các chính sách kinh tế phù hợp với sự vận động của các quy luật trong nền kinh tế thị trường, đồng thời phải đảm bảo được các mục tiêu kinh tế – xã hội của mình, trong đó bao gồm các chính sách, toàn dụng nhân lực, tăng trưởng, chống chu kỳ, thương mại và chính sách đối với các ngành và các lãnh thổ.
Với quan điểm nêu trên, các tác giả của học thuyết nền kinh tế thị trường xã hội ở Đức đã đưa nhà nước lên tầm cao hơn hẳn Chủ nghĩa tự do cũ. Trong mô hình nền kinh tế thị trường xã hội, về nguyên tắc, nguyên lý nhà nước tối thiểu vẫn có giá trị với việc duy trì hiện nay và tạo ra những cân bằng xã hội bên ngoài nền kinh tế; trong nền kinh tế đó mọi hoạt động của nhà nước phải chịu sự kiểm soát của các công cụ pháp lý, đồng thời nhà nước phải đưa ra được các chính sách thống nhất, không đối đầu, không đi ngược lại thị trường nhưng có trách nhiệm sửa chữa được các sai lệch của thị trường và đảm bảo không thay thế các sai lệch của thị trường bằng các sai lệch của nhà nước.
4. Quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế theo trường phái chính hiện đại
Ra đời vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX, đại biểu cho trào lưu này là P.A.Samuelson (người Mỹ), theo ông để đảm bảo được ba tiêu chí cơ bản của nền kinh tế; hiệu quả, công bằng và ổn định, cách tốt nhất là phải hình thành nên một “nền kinh tế hỗn hợp”. Trong “nền kinh tế hỗn hợp” có cả thị trường lẫn chính phủ. Cơ chế thị trường xác định giá cả và sản lượng trong nhiều lĩnh vực, trong khi đó chính phủ điều tiết thị trường bằng các chương trình thuế, chi tiêu, luật lệ. Cả hai bên thị trường và chính phủ đều có tính chất thiết yếu.
5. Đánh giá vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường
Qua phân tích tìm hiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế từ các học thuyết kinh tế tư sản, ta thấy trên thực tế chưa bao giờ tồn tại kiểu kinh tế thị trường hoàn toàn không có nhà nước, thoát ly khỏi nhà nước. Nhìn một cách khách quan, nhà nước luôn là một bộ phận hữu cơ nằm trong cấu trúc tổng thể của kinh tế thị trường, sự tồn tại của nhà nước trong cấu trúc đó là một tất yếu kinh tế, tất yếu lịch sử, ở đó nhà nước vừa có thể là một chủ thể sở hữu, bên cạnh những chủ thể sở hữu khác, đồng thời là một chủ thể quản lý.
Tuy nhiên sự khác biệt giữa các giai đoạn lịch sử và các quốc gia chỉ ở chỗ tính chất của nhà nước như thế nào, cách thức can thiệp, quản lý và điều tiết, hiệu quả của sự can thiệp này ra sao đối với nền kinh tế. Do vậy, sự tác động thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển kinh tế thị trường của mỗi cách tiếp cận đều có những giới hạn nhất định.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2008 đến nay là một bài toán để soi vào cuộc đấu tranh giữa hai trường phái chủ yếu; trường phái Keynes đánh giá cao của điều tiết nhà nước, còn trường phái Tân cổ điển, nhấn mạnh vai trò của cạnh tranh tự do và đề cao quyền lực của “bàn tay vô hình”, vậy cuộc khủng hoảng lần này cho thấy tính đúng đắn của lý thuyết Keynes. Khởi đầu cuộc khủng hoảng kinh tế đi từ nước Mỹ, do thả lỏng quá mức vai trò điều tiết của thị trường tự do, đồng thời việc khắc phục khủng hoảng bằng các gói kích cầu của nhà nước theo đúng đề xuất của Keynes thì mới đem lại hiểu quả, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi nhìn nhận lại nguyên lý cân bằng, hài hòa trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước trong vận hành nền kinh tế thị trường. Đây là một sự gợi ý cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển cho Việt Nam, không được buông lỏng vai trò và chức năng quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, nếu nhà nước can thiệp quá mức cũng sẽ cản trở đến sự phát triển, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình cũ là một bài học đắt giá. Nhiều nhà kinh tế trong nghiên cứu đã khẳng định; sai lầm trong chính sách và điều hành của chính phủ cũng gây hậu quả cho nền kinh tế to lớn không kém gì sai lầm sự phát triển tự phát của nền kinh tế thị trường.
Bài viêt tham khảo:
1. Quan niệm của một số học thuyết kinh tế cận, hiện đại về vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường và sự vận dụng ở Việt Nam; Trần Văn Lịch; Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng)
2. Sự sụp đổ của Kinh tế học Samuelson; Nguồn: Robert Skidelsky, “The Fall of the House of Samuelson”, Project Syndicate, 25/01/2015; Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang
3. Lịch sử tư tưởng kinh tế; Bách khoa toàn thư mở Wikipedia