Quy định pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng năm 2023

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đã được pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ cũng như các Điều ước quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên đặt ra các cơ sở pháp lý khá cụ thể. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc áp dụng về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn nhiều bất cập trên thực tế.

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

Quy định tại Công ước Paris về bảo hộ sở hũu công nghiệp (từ năm 1949)

Điều 6 bis của Công ước Paris về bảo hộ sở hũu công nghiệp (từ năm 1949) có quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng như sau:

Các quốc gia thành viên của Công ước cam kết, một cách mặc nhiên nếu luật pháp của họ cho phép, hoặc theo yêu cầu của bên có liên quan, có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ việc đăng ký và cấm sử dụng, một nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là một bản sao chép, bắt chước, biên dịch và có khả năng gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước  đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nổi tiếng ở nước đó của người được Công ước cho hưởng lợi thế sử dụng đối với hàng hóa giống hệt hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của nhãn hiệu là sự sao chép của bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào hoặc là sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó.

Quy định tại Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hũu trí tuệ (Hiệp định TRIP’S)  

Điều 16, Hiệp định TRIP’S quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mang tính dẫn chiếu Công ước Paris như sau:

16(2):  Điều 6bis Công ước Paris (1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, đối với các dịch vụ. Để xác định một nhãn hiệu hàng hoá có nổi tiếng hay không, phải xem xét danh tiếng của nhãn hiệu hàng hoá đó trong bộ phận công chúng có liên quan, kể cả danh tiếng tại nước Thành viên tương ứng đạt được nhờ hoạt động quảng cáo nhãn hiệu hàng hoá đó.

16(3): Điều 6bis Công ước Paris (1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, đối với những hàng hoá hoặc dịch vụ không tương tự với những hàng hoá hoặc dịch vụ được đăng ký kèm theo một nhãn hiệu hàng hoá, với điều kiện là việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó cho những hàng hoá hoặc dịch vụ nói trên có khả năng làm người ta hiểu rằng có sự liên quan giữa những hàng hoá hoặc dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký và với điều kiện là lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký có nguy cơ bị việc sử dụng nói trên gây tổn hại.

Điều 6bis của Công ước Paris quy định nhãn hiệu nổi tiếng mặc nhiên được bảo hộ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều chủ sổ hữu nhãn hiệu nổi tiếng vẫn muosn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu để cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như một nhãn hiệu thông thường. Theo đó, khi đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng bị cơ quan đăng ký từ chối với lý do không đáp ứng một tiêu chuẩn bảo hộ nào đó thì chủ nhãn hiệu nổi tiếng mới viện dẫn đến  dấu hiệu và các tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng đã có của nhãn hiệu.

Tại Việt Nam, trên thực tế không ít nhãn hiệu/dấu hiệu đơn giản, mang tính mô tả…, nếu xét theo tiêu chí nhãn hiệu thông thường chắc chắn sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ, nhưng do người nộp đơn chứng minh được nhãn hiệu/dấu hiệu đó đã được sử dụng rộng rãi cho sản phẩm liên quan, được người tiêu dùng nhận biết, tin tưởng, nên đã được bảo hộ, chẳng hạn như nhãn hiệu BP (xăng dầu), nhãn hiệu P/S (kem đánh răng),…

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại các văn bản pháp lý đã hết hiệu lực

Trước Luật Sở hữu trí tuệ, tại các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ trước đó của Việt Nam đã có quy định về nhãn hiệu nổi tiếng như:

  • Nghị định 197/HĐBT (1982-1989);
  • Pháp lệnh bảo hộ SHCN (1989-1995);
  • Bộ Luật Dân sự 1995 và Nghị định 63/CP (1996-2006).

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về nhãn hiệu nổi tiếng ở tất cả các khía canh đã từng đề cập trước đây, đó là:

Điều 4.20 quy định về khái niệm:

“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Điều 74.2.i. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt với nhãn hiệu nổi tiếng: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng”.

Điều 75. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng:

“Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

  1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu”.

Điều 129.1.d. Hành vi xâm phạm quyền[đối với nhãn hiệu nổi tiếng:

“Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng”.

Các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chưa đề cập đến trường hợp “nếu như quyền lợi của chủ nhãn hiệu được đăng ký bị thiệt hại do sự sử dụng đó” của Điều 16.3 của Hiệp định TRIP’S.

Do đó, quan điểm của chúng tôi khi Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật SHTT sửa đổi cần có thêm các quy định cụ thể. Việc định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng là phải được “người tiêu dùng” hay “bộ phận công chúng có liên quan” biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam gây khó khăn cho chủ sở hữu khi chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Theo tiêu chí này, đối với một số nhãn hiệu đã được coi là nổi tiếng tại nhiều quốc gia khác nhưng chưa hoặc mới bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, chủ sở hữu rất khó để có được các bằng chứng chứng minh việc nhãn hiệu của mình nổi tiếng tại Việt Nam khi nộp yêu cầu ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Ví dụ như bằng chứng về số lượng người tiêu dùng hoặc bộ phận công chúng có liên quan biết đến nhãn hiệu tại Việt Nam, phạm vi lãnh thổ mà sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được lưu hành tại Việt Nam, doanh số từ việc bán hàng tại Việt Nam. Theo đó, cần quy định chi tiết mang tính định lượng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng để cả chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thống nhất, cụ thể khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com