Họ là đối tượng gặp nhiều thiệt thòi và phải chịu nhiều định kiến xã hội, bởi vậy, trong suốt những năm qua, cùng với việc thực hiện các công ước quốc tế về người khuyết tật, Nhà nước ta đã ban hành nhiều hệ thống văn bản pháp luật với những nội dung phù hợp để tạo cho họ có một cuộc sống ổn định, vươn lên phát triển như bao con người bình thường khác trong xã hội. Trong đó phải kể để các quy định về quyền của người khuyết tật trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ.
1. Chăm sóc sức khỏe ban đầu
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là một trong các lĩnh vực trong hoạt động của hệ thống y tế của mỗi quốc gia và được coi là chìa khóa để đạt được mục tiêu sức khỏe cho các thành viên trong xã hội, đặc biệt là những người có nhu cầu chăm sóc cao trong đó có người khuyết tật. Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến những biện pháp tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu được thực hiện ở địa phương trên tinh thần phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật ở địa phương và do hệ thống y tế địa phương đảm nhiệm.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe người khuyết tật, thể hiện quan điểm y học hiện đại coi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu thực hiện tốt sẽ giúp ngăn ngừa khuyết tật xảy ra do loại bỏ hoặc hạn chế được các yếu tố có hại cho sức khỏe từ thức ăn, nước uống, môi trường…Ngoài ra việc phát hiện sơm khuyết tật sẽ giúp cơ quan chuyên môn có biện pháp điều trị kịp thời để khắc phục khuyết tật, hạn chế các hậu quả do khuyết tật gây ra.
Theo quy định của luật người khuyết tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người khuyết tật gồm những nội dung sau: giáo dục sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, quản lí sức khỏe.
Cụ thể, Điều 21 Luật Người khuyết tật quy định:
Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:
– Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;
– Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;…
2. Khám, chữa bệnh
Theo quy định, người khuyết tật khi ốm đau, bệnh tật được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nơi họ cư trú, lao động hoặc học tập. Khám bệnh, chữa bệnh là nội dung quan trọng của chế độ chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật bao gồm các nội dung sau:
– Quyền được khám bệnh, chữa bệnh: trong quá trình khám bệnh và chữa bệnh người khuyết tật được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp như những công dân bình thường khác. Ngoài ra, do những đặc điểm riêng về sức khỏe của người khuyết tật, pháp luật về người khuyết tật còn quy định họ được Nhà nước bảo đảm để khám bệnh, chữa bệnh sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp và được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện các biện pháp khám bệnh và chữa bệnh phù hợp nhất. Mục đích của quyền này là nhằm khám và chuẩn đúng bệnh, điều trị bệnh kịp thời chăm sóc, điều dưỡng phù hợp nhằm phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
– Được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh: Trong hoạt động khám bệnh và chữa bệnh, nhà nước quy định cơ sở y tế phải ưu tiên khám bệnh, chữa bênh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai và người khuyết tật có công với cách mạng. Việc ưu tiên thông qua những hình thức như: miễn, giảm viện phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại, chi phí điều trị … Khi khám bệnh, chữa bệnh, người khuyết tật được bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí y tế theo quy định của luật bảo hiểm y tế.
3. Phục hồi chức năng
Trên cơ sở quy định các điều ước quốc tế và hoàn cảnh thực tiễn của quốc gia, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về nội dung chỉnh hình, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật. Phục hồi chức năng đối với người khuyết tật bao gồm quy định về các biện pháp y học, giáo dục, xã hội nhằm hạn chế tối đa việc suy giảm chức năng của bộ phận cơ thể , đảm bảo cho người khuyết tật có cơ hội bình đẳng để hòa nhập xã hội. Phục hồi chức năng đối với người khuyết tật không chỉ bó hẹp trong phạm vi các biện pháp y học như trước đây, mà đã mở rộng phạm vi phục hồi chức năng đến các lĩnh vực giáo dục, xã hội, hướng nghiệp…Trong đó có sự tham gia của các thầy thuốc tại các cơ sở y tế, của chính quyền địa phương, cộng đồng, gia đình và của chính bản thân người khuyết tật.
Về mặt y học, người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, các phương tiện thiết bị trợ giúp sinh hoạt đồng thời được thực hiện các biện pháp điều trị khác như vật lí trị liệu, vận động trị liệu…
Về mặt giáo dục, người khuyết tật được thực hiện các hoạt động giáo dục phù hợp với khuyết tật. Về mặt xã hội người khuyết tật được hòa nhập xã hội, tham gia các hoạt động giáo dục, dạy nghề, vui chơi, giải trí…
Nội dung phục hồi chức năng này đã thể hiện sự phù hợp với quan điểm y tế hiện đại của thế giới và của các nước về chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người khuyết tật.
Theo quy định của pháp luật người khuyết tật, nội dung phục hồi chức năng đối với người khuyết tật thông qua các phương pháp:
Phục hồi chức năng thông qua các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng. Là hoạt động của những cơ sở cung cấp dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Có thể là những Viện chỉnh hình, Trung tâm chỉnh hình hoặc khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện…
Phục hồi chức năng tại cộng đồng. Đây được xem là nội dung được hình thành trên cơ sở hợp nhất các cơ sở y tế vào các dịch vụ xã hội. Người khuyết tật được tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, cac chủ thể khác như gia đình người khuyết tật, cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi tham gia hướng dẫn, tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
4. Thành tựu đạt được trong việc thực hiện quyền của người khuyết tật trong chăm sóc sức khoẻ
Tại hầu hết các địa phương trên cả nước, người khuyết tật đã được tuyên truyền và tham gia tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tại cộng đồng. Họ được tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng, được tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. Được cán bộ y tế hướng dẫn nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng chữa một số chứng bệnh thông thường. Trương hợp không tự sơ cứu được, nhân viên y tế cơ sở có mặt kịp thời để sơ cứu ban đầu, chăm sóc bệnh thông thường và phục hồi chức năng tại cộng đồng.
Khi bệnh tật diễn biến xấu hơn, người khuyết tật được giới thiệu, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để lên y tế tuyến trên để được tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Quyền lợi về bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh, điều trị nội trú theo quy định. Với những người khuyết tật mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có thể thực hiện hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại, chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám, chữa bệnh. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám, chữa bệnh cho người khuyết tật.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, kết hợp với sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các Bộ, ngành và chính quyền điạ phương các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên công tác trong chuyên ngành phục hồi chức năng… công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự thành công chung trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các đối tượng được phục hồi chức năng ngày càng mở rộng, NKT bẩm sinh, khuyết tật do lao động, do sinh hoạt trong cuộc sống và do một số bệnh khác… đều được quan tâm điều trị phục hồi chức năng.
5. Hạn chế còn tồn tại trong đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ của người khuyết tật
Trong thực tế, khi khám, chữa bệnh, người khuyết tật còn gặp phải rất nhiều khó khăn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Khó khăn này tới từ thái độ kỳ thị, thiếu tôn trọng của đội ngũ cán bộ y tế. Cơ sở vật chất của bệnh viện, các cơ sở y tế còn thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ y tế chuyên dụng, cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt cho người khuyết tật dẫn tới việc chữa trị và phục hồi sức khỏe của người khuyết tật ở nhiều địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế.
Rất ít trạm y tế xã thực hiện việc lập hồ sơ quản lý đối tượng, theo dõi tình hình sức khỏe của người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với họ. Việc nhân viên y tế không nhiệt tình hay chất lượng trang thiết bị và loại thuốc được bảo hiểm chi trả nghèo nàn cũng là những nguyên nhân khiến người khuyết tật không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng nhưng không thực sự hiệu quả.
Mặc dù chi phí điều trị, phục hồi chức năng được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tuy nhiên, bản thân người khuyết tật, có những trường hợp rất khó khăn về kinh tế, chưa kể tới quá trình điều trị, người khuyết tật cần những dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo quá trình phục hồi chức năng nhưng không phải loại dụng cụ hỗ nào cũng nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả. Vì vậy, người khuyết tật phải tự mình trang trải cho những chi phí này. Đây là một trong những điều mà cộng đồng người khuyết tật rất băn khoăn và khá lo lắng.
Lời kết
Đối với người khuyết tật do có những đặc trưng về tình trạng bệnh, tật nên với họ khó có thể đạt được những trạng thái thoải mái với tiêu chuẩn của người bình thường. Bởi mong muốn lớn nhất của họ là được khôi phục, hỗ trợ khôi phục để ổn định sức khỏe, có thể tự thực hiện được những hoạt động sinh hoạt, phục vụ cho chính bản thân, gia đình và xã hội, nhằm tiến đến hòa nhập cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật không chỉ thể hiện lòng nhân đạo, sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc giữa người với người trong cộng đồng, trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới mà quan trọng hơn hết chính là tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân, giúp phần đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trân trọng!