1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách “Chính sách công – Lý luận và thực tiễn” do TS. Cao Quốc Hoàng và TS Nguyễn Đỗ Kiên đồng chủ biên.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Chính sách công - Lý luận và thực tiễn

Chính sách công – Lý luận và thực tiễn

Tác giả: TS. Cao Quốc Hoàng – TS Nguyễn Đỗ Kiên đồng chủ biên

Nhà xuất bản Tư pháp

3. Tổng quan nội dung sách

Thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu những kỹ năng mềm hoặc kiến thức cần thiết về khoa học chính sách (một trong những khoa học kiến tạo công cụ quản lý nhà nước quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới) là phổ biến đối với không ít sinh viên đại học khi tốt nghiệp ra trường, thậm chí cả với không ít cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Chính vì vậy, trong thực tiễn quá trình tổ chức xây dựng chính sách công ở nước ta còn gặp khá nhiều khó khăn nên thời gian xây dựng chính sách thường kéo dài, chưa đáp ứng đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống. Cuốn sách Chính sách công  lý luận và thực tiễn chú trọng một số tri thức, kỹ năng, quy trình, nguyên lý cơ bản trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, chính sách công để góp phần khắc phục những hạn chế nói trên.

Khoa học chính sách nói chung, chính sách công nói riêng là môn khoa học có vai trò quan trọng trong vận hành xã hội, nhưng nghiên cứu về khoa học chính sách và chính sách công ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Cuốn sách được biên soạn dựa trên nền tảng lý luận về khoa học chính sách công hiện đại của các nước phát triển và thực tiễn Việt Nam. Trên tinh thần đó, cuốn sách được trình bày với những nội dung cơ bản sau: Khái luận chung về chính sách công; Đánh giá chính sách công; Một số tình huống thực tiễn áp dụng chính sách, pháp luật. Phụ lục các quy định trong Hiến pháp và luật hiện hành liên quan mật thiết đến quá trình chính sách ở nước ta.

Cuốn sách gồm 6 Chương và Phần phụ lục “Những quy định hiện hành liên quan đến quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách ở nước ta hiện nay”. 

Nội dung cuốn sách được biên soạn với cấu trúc như sau:

Chương I. Khái luận chung về chính sách công

Tập thể tác giả nhận định chính sách đã và đang trở thành một khoa học độc lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đã phát triển. Mặc dù khái niệm chính sách công ở các quốc gia khác nhau và ở các góc độ nghiên cứu khác nhau nên vẫn còn những cách hiểu tương đối khác biệt. Tuy nhiên, nhìn chung ở các quốc gia và giới học thuật đều đã thống nhất với nhau rằng chính sách công thuộc về lĩnh vực chính trị của đời sống xã hội.

Tập thể tác giả cũng đưa ra một số khái niệm công cụ chính (25 công cụ) để nghiên cứu chính sách công như: Chính sách là gì; Chính sách công là gì; Chính sách dân tộc, Chính sách kinh tế, Chỉ thị, Cơ chế… và một số khái niệm về chính sách công ở các nước phát triển và tại các tổ chức kinh tế quốc tế.

Tập thể tác giả đề cập đến những nét cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị ở Việt Nam (những tổ chức rất quan trọng liên quan mật thiết đến các quá trình chính sách); mối quan hệ và sự khác biệt tương đối giữa chính sách và pháp luật; các đặc trưng chính sách công (05 đặc trưng); mục tiêu chính sách (04 mục tiêu); nhiệm vụ chính sách công; phân loại chính sách công; chu trình chính sách công.

Chương II. Xây dựng chính sách công

Tại Chương này, tập thể tác giả đề cập đến ý nghĩa của xây dựng chính sách công với đời sống xã hội, trong đó đưa ra khái niệm xây dựng chính sách công là gì; Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của xây dựng chính sách công trong xây dựng và thực hiện nhà nước pháp quyền; các bước xây dựng chính sách công (06 bước); Những tiêu chí để xác định chính sách nào là chính sách khoa học (10 tiêu chí); Những căn cứ để xây dựng chính sách công (03 căn cứ); Các yếu tố tác động đến quá trình xây dựng chính sách công (bao gồm các yếu tố chủ quan liên quan đến chủ thể ban hành chính sách công và yếu tố khách quan của môi trường quốc tế). Ngoài ra, để chủ thể có thẩm quyền ban hành các chính sách công thật sự khoa học, tập thể tác giả cũng đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương, cơ sở, thủ trưởng đơn vị trong quá trình xây dựng chính sách công tại Việt Nam.

Chương III. Phân tích chính sách công

Tại Chương này, tập thể tác giả đề cập đến trình tự phân tích chính sách công; một số phương pháp phân tích chính sách công; phương pháp xác định vấn đề chính sách công; nội dung phân tích chính sách công.

Chương IV. Đánh giá chính sách công

Tại Chương này, tập thể tác giả nhận định đánh giá chính sách là một mắt xích quan trọng trong quá trình thiết lập chính sách, cũng là một nội dung quan trọng trong phân tích chính sách, là một loại hình hoạt động nghiên cứu chuyên môn có tiêu chuẩn, phương pháp và trình tự đặc biệt. Trên cơ sở đó, tập thể tác giả đã đưa ra nhận định tổng quan về đánh giá chính sách công; tiêu chuẩn đánh giá chính sách công; quá trình, cách thức đánh giá chính sách công.

Chương V. Thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương, cơ sở

Tại Chương này, trên cơ sở khái niệm về thực thi chính sách công, tập thể tác giả đưa ra các hình thức thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương, cơ sở; các bước tiến hành thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương, cơ sở; các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương, cơ sở; Ý nghĩa của việc tổ chức thực thi chính sách công.

Chương VI. Tình huống thực tiễn áp dụng chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực

Tại Chương này, tập thể tác giả đưa ra các tình huống thực tế áp dụng chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể như an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, xã hội, văn hóa và thể dục thể thao; lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi, đất đai; lĩnh vực giao thông vận tải; lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở nội dung các tình huống thực tế, tập thể tác giả đã đưa ra những nhận định phân tích tình huống và biện pháp xử lý tình huống…

4. Đánh giá bạn đọc

Kết cấu nội dung cuốn sách được các tác giả biên soạn trên tinh thần khoa học, logic, đi từ tổng quát đến cụ thể, thuận tiện cho độc giả trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về chính sách công. Cuốn sách cung cấp tới người đọc một số tri thức, kỹ năng, quy trình, nguyên lý cơ bản trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, chính sách công.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với bạn đọc đặc biệt là sinh viên, cán bộ phụ trách công tác hoạch định chính sách công. 

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Chính sách công – Lý luận và thực tiễn”

Luật LVN Group chia sẻ dưới đây nội dung về “tư duy chính sách” để bạn đọc tham khảo:

Ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu khoa học đã cho thấy đổi mới quan điểm, tư duy tiếp cận chính sách công theo hướng cởi mở, linh hoạt, kiến tạo và lấy lợi ích nhân dân, quốc gia là trục xoay chính của phát triển bền vững đất nước, dựa trên sự kết hợp hài hòa của 4 trụ cột trong “tư duy chính sách” là: tư duy khoa học, tư duy thực tiễn, tư duy biện chứng, tư duy phát triển2. Theo đó, chủ thể xây dựng chính sách công dựa trên nền tảng tư duy, cụ thể như sau:

(1) Tư duy khoa học: đòi hỏi chủ thể xây dựng chính sách công phải coi trọng chân lý, tôn trọng quy luật khách quan trong toàn bộ chu trình chính sách; tiếp cận vấn đề chính sách phải dựa trên hệ thống phương pháp nghiên cứu chung và khoa học chính sách công, cơ sở lý luận, lý thuyết, mô hình chính sách khoa học, đúng đắn và phù hợp mang tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và chéo ngành để có góc nhìn toàn diện, bao quát khi xây dựng chính sách công.

(2) Tư duy thực tiễn: yêu cầu chủ thể xây dựng chính sách công cần coi trọng thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, tránh sự chủ quan, duy ý chí, chú trọng khám phá, phát hiện vấn đề chính sách công từ thực tiễn, đưa chính sách vào thực tiễn kiểm nghiệm để đúc rút bài học, tổng kết kinh nghiệm xây dựng chính sách công. Đồng thời, dự báo vòng đời chính sách, diễn biến đời sống xã hội, đời sống chính sách trong thực tiễn làm tiền đề xây dựng, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách mới cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

(3) Tư duy biện chứng: người xây dựng chính sách cần có tư duy này, thể hiện tầm năng lực hiểu biết về triết học, vận dụng triết học trong lĩnh vực khoa học chính sách công thông qua việc nhận diện về vấn đề chính sách bằng mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, nhân – quả, kế thừa và phát triển, mang tính lịch sử, kế thừa lịch sử trên tinh thần cải tổ, cụ thể, khách quan, liên đới của các chính sách với nhau thể hiện sự đồng bộ, không vênh, không mâu thuẫn, không đá nhau, không chồng chéo nhau, giữa các bước trong chu trình chính sách công với nhau,… trên các lĩnh vực của chính sách cụ thể nhằm giúp hình thành tư duy bao quát, tổng thể, toàn diện, mô hình hóa tư duy chính sách “sơ đồ tư duy chính sách” trong lãnh đạo, quản lý, định hướng, định hình hệ thống chính sách công vĩ mô, vi mô của quốc gia, vùng, địa phương; đồng thời tránh tư duy chính sách kiểu cục bộ, địa phương, cát cứ, đáng lưu ý là “tư duy nhiệm kỳ”, “tân quan tân chính sách”3.

(4) Tư duy phát triển: có tầm nhìn chiến lược về chính sách, triết lý chính sách công với phát triển, phát triển bền vững và kiến tạo xã hội; nhìn xa, trông rộng thấy trước, dự đoán triển vọng lạc quan của chính sách công trong tương lai (năng lực dự báo chính sách công) để vượt qua các rào cản “rủi ro chính sách công” nhằm kịp thời lường trước, xử lý những rủi ro xã hội bằng chính sách, khó khăn trong chu trình chính sách nếu vấp phải (tuy nhiên, tránh sự chủ quan); đồng thời, xác định động lực, mục tiêu cuối cùng và cao nhất của mọi chính sách, đó chính là phục vụ con người, vì con người để duy trì sự phát triển; thịnh vượng quốc gia, dân tộc; kiến tạo xã hội và phát triển bền vững.

Nguồn: Trích bài viết trên trang quanlynhanuoc.vn