1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Hệ thống Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền” do PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung làm chủ biên.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Hệ thống Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (chủ biên)
Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội
3. Tổng quan nội dung sách
Nhà nước pháp quyền là một giá trị văn hóa pháp lý mà nhân loại đã và đang tìm kiếm, xây dựng, phát triển trong quá trình đấu tranh không ngừng vì nền dân chủ, vì lợi ích và tự do cơ bản của con người. Đó là một mô hình tổ chức nhà nước chống lại sự lạm quyền, tùy tiện của công quyền để bảo vệ con người. Nhà nước pháp quyền yêu cầu chính quyền phải chịu sự kiểm soát của pháp luật, mà pháp luật phải xuất phát từ quyền tự nhiên của con người. Một khi vai trò của pháp luật được đề cao thì vai trò của hoạt động xét xử tư pháp cũng được coi là yếu tố hết sức quan trọng trong việc giúp tư tưởng pháp quyền trở nên hiện thực hơn. Do vậy, bất cứ nhà nước nào muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đều phải quan tâm đến thiết chế tòa án.
Ở Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập chính quyền, Đảng ta đã chú trọng ngay đến việc củng cố, hoàn thiện hệ thống Tòa án nhân dân để giải quyết các hanh chấp, vi phạm phát sinh trong đời sống xã hội. Năm 2001, Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới, trong đó, quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới tổng thể hệ thống chmh trị, cũng như tính chất và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền.
Để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam có nhiều việc phải làm nhưng trước hết chúng ta cần phải đẩy mạnh cải cách tư pháp. Cùng với việc khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong Hiến pháp 1992, chúng ta cũng đang tiến hành chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Điều đó cho thấy một khi đã quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền thì không thể không cải cách tư pháp.
Từ khi có chủ trương đẩy mạnh cải cách tư pháp, giới khoa học pháp lý đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặc dù vấn đề cải cách bộ máy nhà nước đã được đề cập từ lâu, nhưng so với cải cách trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp thì cải cách tư pháp ở Việt Nam vẫn còn diễn ra rất chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, nhiều vấn đề chưa được thể chế hóa thành luật. Tinh hình này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do vấn đề lý luận về cải cách tư pháp chưa được giải quyết triệt để. Nhận thức được tầm quan trọng của Tòa án cùng những đặc điểm biểu hiện của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền là rất cần thiết xuất phát từ những yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Về nội dung này, các nghiên cứu trong nước đã có một số công trình nghiên cứu khoa học ở cấp Nhà nước, một số sách tham khảo và bài viết về Nhà nước pháp quyền, trong đó bao gồm vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền và một số vấn đề về độc lập của Tòa án và độc lập xét xử. Nhằm góp phần làm phong phú hơn nguồn tài liệu tham khảo về xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và xây dựng hệ thống tòa án trong nhà nước pháp quyền nói riêng nhóm tác giả do PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung đã tiến hành biên soạn cuốn sách: Hệ thống Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền.
Cuốn sách được biên soạn với cấu trúc chương mục như sau:
Chương 1. Nhà nước pháp quyền và các yếu tố của Nhà nước pháp quyền đối với hệ thống tòa án
1. Khái niệm, đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền
1.1. Vai trò, khái niệm “Nhà nước pháp quyền”
1.2. Các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền
2. Tư pháp trong nhà nước pháp quyền
2.1. Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền – một nhánh quyền lực nhà nước cần phải độc lập
2.2. Đặc trưng hoạt động tòa án trong Nhà nước pháp quyền
3. Các yêu cầu đối với tòa án trong nhà nước pháp quyền
3.1. Tòa án trong nhà nước pháp quyền – thiết chế độc lập
3.2. Tòa án có hành chính nội bộ và ngân sách riêng
3.3. Tòa án trong Nhà nước pháp quyền có thẩm phán độc lập
3.4. Tòa án trong Nhà nước pháp quyền ra phán quyết độc lập
3.5. Tòa án trong Nhà nước pháp quyền phải đảm bảo các quyền và tự do của con người thông qua hoạt động xét xử công bằng và đúng thời hạn
3.6. Trong Nhà nước pháp quyền quyền lập pháp và quyền hành pháp chịu sự xét xử của tư pháp
3.7. Tòa án trong Nhà nước pháp quyền – thể chế có quyền giải thích pháp luật
3.8. Quy định Liên hợp quốc và của các khu vực về tính độc lập của tòa án
3.9. Sự giới hạn của quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền
3.10. Khái quát sự ra đời và sự phát triển các mô hình của hệ thống tòa án trên thế giới
Chương 2. Hệ thống tòa án ở Việt Nam
1. Lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống tòa án ở Việt Nam
2. Tổ chức và hoạt động hệ thống tòa án hiện nay
3. Những khía cạnh chính của nguyên tắc độc lập tòa án ở Việt Nam hiện nay
3.1. Sự bảo đảm hiến định về tính độc lập của tòa án
3.2. Tính độc lập của thiết chế tòa án Việt Nam
3.3. Độc lập thiết chế bên trong của hệ thống tòa án
3.4. Tính độc lập của cá nhân thẩm phán
3.5. Xét xử lưu động và mục tiêu tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Chương 3. Cải cách hệ thống tòa án Việt Nam theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
1. Quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và hệ thống tòa án ở Việt Nam
2. Giải pháp cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
2.1. Thay đổi nhận thức của xã hội đối với tòa án
2.2. Quyền tư pháp không những chỉ được phân công, phân nhiệm rõ ràng để không nhầm lẫn với các quyền khác mà cong phải tiến tới chỗ mở rộng đói tượng xét xử của các hành vi của hành pháp và lập pháp
2.3. Cải cách mô hình tổ chức và hoạt động của Tòa án theo các cấp xét xử
2.4. Tăng cường trách nhiệm của Thẩm phán: Chuẩn hóa đạo đức nghề nghiệp, kéo dài nhiệm kỳ, đảm bảo mức lương, cơ chế bảo vệ thẩm phán , bỏ cơ chế thình thị án
2.5. Chuyển từ tố tụng xét hỏi sang tố tụng tranh tụng tại phiên tòa đảm bảo sự bình đẳng, khách quan, minh bạch và chấm dứt hình thức xét xử lưu động
2.6. Án lệ là nguồn pháp luật bổ sung và không xét xử lưu động
2.7. Cải cách hệ thống các cơ quan xét xử phải gắn liền với việc cải cách một số cơ quan tiến hành tố tụng khác
4. Đánh giá bạn đọc
Cuốn sách góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu hữu ích phục vụ nghiên cứu và xây dựng nhà nước pháp quyền toàn diện, hiệu quả ở nước ta hiện nay. Nội dung trong cuốn sách đã làm rõ thêm những khía cạnh khác trong xây dựng hệ thống tòa án theo yêu cầu của xây dựng nhà nước pháp quyền.
Đây là tài liệu tham khảo hữu ích đối với không chỉ các nhà nghiên cứu, xây dựng pháp luật mà còn tài tài liệu nghiên cứu khoa học cần thiết đối với học viên, sinh viên quan tâm tới vấn đề này.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Hệ thống Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền“.
Luật LVN Group chia sẻ dưới đây một số hạn chế của xét xử lưu động để bạn đọc tham khảo thêm hiểu lý do vì sao một trong những điều cần cải thiện trong hệ thống tòa án của nhà nước pháp quyền là tiến tới không tiến hành xét xử lưu động nữa:
Chủ trương và đề xuất dừng xét xử lưu động của Tòa án nhân dân tối cao thể hiện tinh thần đề cao quyền con người, quyền công dân và cải cách tư pháp.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định tại Điều 31 rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, khi đưa một bị cáo ra xét xử, Hiến pháp xác định họ được coi là không có tội. Vì vậy, đưa họ về địa phương nơi cư trú để xét xử là một hình thức kết án trước cộng đồng, làm tổn thương danh dự, nhân phẩm của họ. Sau đó, nếu họ được kết án đúng người, đúng tội thì cũng gây khó khăn cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng; ngược lại họ nếu bị kết án sai thì tiếng xấu họ phải gánh chịu cũng rất khó gột rửa.
Nguyên tắc của hoạt động tư pháp, trong mục đích của Nhà nước pháp quyền là bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội. Do đó, xét xử lưu động còn thể hiện sự không bình đẳng, khi có bị cáo được xét xử tại trụ sở, rất ít người dự khán, trong khi có những bị cáo bị xét xử lưu động trước cộng đồng.
Vì vậy, vì quyền lợi hợp pháp của các bị cáo, với nguyên tắc suy đoán vô tội, việc dừng xét xử lưu động là một đòi hỏi tất yếu.
Trước hết về phía các Tòa án, tổ chức phiên tòa lưu động ngoài trụ sở Tòa án là một nhiệm vụ rất khó khăn về nhiều phương diện. Vấn đề đầu tiên là không an toàn, Hội đồng xét xử phải đi xa, mang theo hồ sơ nên có thể có những bất trắc xảy ra, nhất là những vụ án mà các bị cáo là tội phạm mang tính băng nhóm.
Do phụ thuộc vào địa điểm địa phương bố trí nên tính uy nghiêm của Tòa án trong nhiều trường hợp cũng không bảo đảm.
Xét xử lưu động tốn kém hơn xét xử tại trụ sở do tiền vận chuyển (quốc huy, vành móng ngựa, trang thiết bị âm thanh), tiền công tác phí, tiền huy động người hỗ trợ, bảo vệ… nên các địa phương thường phải hỗ trợ thêm kinh phí xét xử lưu động cho Tòa án.
Do xét xử lưu động, áp lực đám đông không thể nói không có tác động nhất định đến phán quyết của Hội đồng xét xử. Đã có ý kiến cho rằng những bản án được xét xử lưu động thường nặng hơn các bản án xét xử tại trụ sở Tòa án.
Có một số địa phương xét xử lưu động không chỉ đối với án hình sự mà cả những vụ án dân sự, tuy nhiên, xét xử lưu động vụ án hình sự là chủ yếu. Trong các vụ án hình sự, xét xử lưu động mang đến nhiều bất lợi cho bị cáo.
Báo chí đã từng phản ánh, ngày 20/12/2013, TAND huyện Phú Ninh, Quảng Nam ra quyết định xét xử lưu động vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thanh Kỳ. Trước đó, do bị cáo tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo nên đã được cơ quan tố tụng cho tại ngoại chờ ngày xét xử. Một ngày trước phiên xử lưu động, UBND xã nơi anh Kỳ cư trú đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc xét xử để bà con đến xem. Do xấu hổ, rồi áp lực từ gia đình, người thân, ngay đêm đó anh Kỳ đã uống thuốc độc tự tử, dẫn đến tử vong.
Từ một trường hợp điển hình trên đây, có thể thấy xét xử lưu động gây tâm lý xấu hổ, bị làm nhục, lo lắng, sợ hãi cho bị cáo. Và nó còn làm tổn thương đến thân nhân bị cáo, cha mẹ, vợ, chồng, con cái, họ hàng của họ. Hậu quả tiếp theo là bị cáo khó hòa nhập cộng đồng, vì các phiên tòa xét xử lưu động thường tổ chức tại nơi cư trú của bị cáo.
Đối với người dự phiên tòa, là đối tượng mà các Tòa án hướng tới khi tổ chức xét xử lưu động, thì bên cạnh mặt tích cực là hiểu biết thêm về mặt pháp luật, cũng có những mặt trái mang tính tiêu cực. Đó là họ phải chứng kiến, nghe thuật lại chi tiết vụ án, trong đó có nhiều vụ án giết người gây hậu quả thảm khốc, ví dụ vụ tên Nguyễn Hải Dương sát hại 6 người tại Bình Phước có hàng ngàn người dự khán. Trong số người dự khán có đủ các lứa tuổi, thành phần, từ người già đến trẻ nhỏ, từ người dân bình thường đến những đối tượng hình sự… nên tác động của những thông tin đó đến mỗi đối tượng có sự khác nhau. Liệu những phương thức, thủ đoạn phạm tội được làm rõ tại phiên tòa có là bài học cho các đối tượng hình sự hay không? Những chi tiết về tội phạm xâm hại tình dục có tác động tiêu cực đến trẻ em hay không? Đó là những câu hỏi không thể không đặt ra.
Nguồn: Tapchitoaan.vn