1. Giới thiệu tác giả

Sách “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức” do Hữu Đại và Vũ Tươi hệ thống.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức

Tác giả: Hữu Đại – Vũ Tươi hệ thống

Nhà xuất bản Lao Động

3. Tổng quan nội dung sách

Ngày 25-11-2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 với nhiều điểm đáng chú ý như: Công chức nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”; Chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức; Kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức lên 60 tháng; Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức; Công khai kết quả đánh giá cán bộ ở nơi làm việc; Đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản mới liên quan cán bộ, công chức, viên chức, Cụ thể như: 

– Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19-11-2019 Phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”; 

– Quyết định số 323/QĐ-BTC ngày 01-3-2019 Về việc đính chính Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30-03-2018 hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 

– Văn bản hợp nhất số 02/NĐHN-BNV ngày 21-5-2019 Hợp nhất Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

– Văn bản hợp nhất số 03/NĐHN-BNV ngày 21-5-2019 Hợp nhất Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

– Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BNV ngày 03-7-2019 Hợp nhất Thông tư quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010; 

– Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BNV ngày 03-7-2019 Hợp nhất Thông tư hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức; 

– Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 05-6-2019 Hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế; 

– Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09-05-2019 Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;…

Nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp và bạn đọc gần xa kịp thời nắm bắt được những quy định mới nêu trên, Nhà xuất bản Lao Động cho xuất bản cuốn sách: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức”

Nội dung cuốn sách gồm các phần chính sau đây:

Phần thứ nhất. Luật Cán bộ, công chức – Luật Viên chức & Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Phần thứ hai. Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

Phần thứ ba. Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức

Phần thứ tư. Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức

Phần thứ năm. Quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và chính sách tinh giản biên chế

Phần thứ sáu. Quy định về mức lương cơ sở và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức

Dưới đây là nội dung trích dẫn một số quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức để bạn đọc tham khảo:

“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”.

Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức

1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.

2. Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây:

a) Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

3. Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:

a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Cán bộ, công chức cấp xã;

c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

d) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;

đ) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

4. Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này được xem xét tiếp nhận vào làm công chức nếu không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này; các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này còn phải có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Tuyển dụng công chức

1. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức bao gồm:

a) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

đ) Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị – xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

2. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 45. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức

1. Công chức dự thi nâng ngạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này;

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;

d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức.

2. Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:

a) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

b) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

4. Đánh giá bạn đọc

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức (theo Luật số 52/2019/QH14 ngày 25-11-2019) đã có rất nhiều sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, toàn văn Luật đã được trình bày trong cuốn sách phục vụ cho việc tra cứu và tìm hiểu quy định mới về Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức của bạn đọc, đặc biệt cần thiết đối với đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức và cơ quan, đơn bị quản lý. Không chỉ trích dẫn toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, mà tác giả còn tập hợp nhiều văn bản pháp luật khác hướng dẫn về các nội dung như: kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và chính sách tinh giản biên chế; mức lương cơ sở và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức… điều này giúp bạn đọc tiết kiệm được thời gian cũng như thuận tiện trong việc tra cứu tìm hiểu và áp dụng.

Cũng cần nói thêm rằng, cuốn sách được các tác giả hệ thống vào năm 2019, cũng đã tập hợp những văn bản pháp luật mới nhất về cán bộ, công chức và viên chuwscs song theo thời gian, cùng với sự vận động của thực tiễn, những quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đo, khi sử dụng cuốn sách để tra cứu bạn đọc lưu ý kiểm tra lại hiệu lực của quy định được dẫn chiếu một lần nữa để đảm bảo lựa chọn và áp dụng đúng quy định.

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!

Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.0191 của Luật LVN Group, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!