1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Luật xử lý vi phạm hành chính – 712 hành vi vi phạm và mức xử phạt trong các lĩnh vực” được hệ thống và biên soạn bởi Lý Bá Toàn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Luật xử lý vi phạm hành chính – 712 hành vi vi phạm và mức xử phạt trong các lĩnh vực
Tác giả: Lý Bá Toàn hệ thống
Nhà xuất bản Hồng Đức
3. Tổng quan nội dung sách
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản áp dụng trong các lĩnh vực như:
– Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
– Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã…..
Nhằm kịp thời cặp nhật các quy định pháp luật mới Nhà xuất bản Hồng Đức đã ấn hành cuốn sách “Luật xử lý vi phạm hành chính – 712 hành vi vi phạm và mức xử phạt trong các lĩnh vực” do tác giả Lý Bá Toàn hệ thống.
Cuốn sách gồm các phần sau đây:
Phần thứ nhất. Luật xử lý vi phạm hành chính
Phần thứ hai. Vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Phần thứ ba. Vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội
Phần thứ tư. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
Phần thứ năm: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Phần thứ sáu. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
4. Đánh giá bạn đọc
Tác giả đã hệ thống trong cuốn sách nhiều văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính gồm: Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời trích dẫn toàn văn các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính mới trong các lĩnh vực: hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; lao động, bảo hiểm xã hội; bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí… giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu, tìm hiểu và áp dụng trên thực tế để hạn chế những rủi ro pháp lý.
Cũng cần nói thêm rằng, cuốn sách được các tác giả hệ thống vào năm 2020, cũng đã tập hợp những văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực mới nhất tại thời điểm biên soạn, song theo thời gian, cùng với sự vận động của thực tiễn, những quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đo, khi sử dụng cuốn sách để tra cứu bạn đọc lưu ý kiểm tra lại hiệu lực của quy định được dẫn chiếu một lần nữa để đảm bảo lựa chọn và áp dụng đúng quy định.
Có thể kể đến một số điển hình để bạn đọc lưu ý: Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm đã được thay thế bởi Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP….
5. Kết luận
Cuốn sách “Luật xử lý vi phạm hành chính – 712 hành vi vi phạm và mức xử phạt trong các lĩnh vực” do tác giả Lý Bá Toàn hệ thống có giá trị thực tiễn đối với bạn đọc, phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với mọi đối tượng quan tâm tới lĩnh vực pháp lý này.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!
Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.0191 của Luật LVN Group, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!
Hành vi vi phạm và biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch
Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể các hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch và biện pháp xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;
b) Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch;
b) Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;
b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;
c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;
d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;
đ) Cản trở hoạt động công chứng.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3 Điều này;
b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này;
c) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Hành vi vi phạm và biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản
Điều 13 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về các hành vi vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản và biện pháp xử lý như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc hoặc không ghi giấy nhận lưu giữ hoặc không giao giấy nhận lưu giữ cho người lập di chúc khi nhận lưu giữ di chúc;
b) Không ghi rõ trong văn bản công chứng việc người yêu cầu công chứng không xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định do người lập di chúc bị đe dọa tính mạng.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản trong trường hợp thừa kế theo di chúc mà có căn cứ cho rằng di chúc không hợp pháp;
b) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản có nội dung chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng di sản thừa kế là tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng di chúc có nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; có hình thức trái quy định của luật;
b) Công chứng di chúc trong trường hợp tại thời điểm công chứng người lập di chúc thể hiện rõ ràng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối hoặc bị đe dọa hoặc bị cưỡng ép; người lập di chúc không đủ độ tuổi lập di chúc theo quy định; việc lập di chúc không có người làm chứng hoặc không được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý theo quy định;
c) Công chứng di chúc trong trường hợp người lập di chúc không tự mình ký hoặc điểm chỉ vào phiếu yêu cầu công chứng;
d) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc người thừa kế đã chết (nếu có); không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật;
đ) Công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu nhưng người yêu cầu công chứng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;
e) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà có căn cứ cho rằng việc để lại di sản hoặc việc hưởng di sản là không đúng pháp luật ngoài trường hợp quy định tại các điểm d và đ khoản này;
g) Công chứng văn bản từ chối nhận di sản trong trường hợp có căn cứ về việc người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;
h) Công chứng văn bản từ chối nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 3 Điều này.