cùng với những quy định có sự thay đổi phù hợp để tạo cho họ có một cuộc sống ổn định. Quy định về thủ tục xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật cũng được đơn giản nhằm giúp người khuyết tật có điều kiện thực hiện dễ dàng hơn.
1. Xác định mức độ khuyết tật là gì ?
Xác định mức độ khuyết tật là thủ tục do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật sẽ dựa theo những phương pháp đặc thù để phân loại dạng tật và mức độ khuyết tật của một người theo các mức độ người khuyết tật nhẹ, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng.
Phương pháp xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Tuỳ vào từng đối tượng, Hội đồng sẽ có phương pháp xác định mức độ khuyết tật phù hợp. Tuy nhiên, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thường sử dụng là phương pháp quan sát và sử dụng bộ câu hỏi có sẵn. Cụ thể:
– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật quan sát trực tiếp người có đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật thực hiện những hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày.
– Sau đó sử dụng bộ câu hỏi là các câu hỏi được đưa ra theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại mẫu 02, mẫu 03 ban hành kèm theo thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH để phỏng vấn người khuyết tật hoặc người đại diện của người khuyết tật
– Hội đồng cũng thực hiện thêm một số phương pháp đơn giản khác để xác định mức độ khuyết tật, dạng khuyết tật cho từng đối tượng cụ thể như:
– Đối với trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi, Hội đồng còn hỏi thêm thông tin từ người đại diện của trẻ.
– Đối với người trên 6 tuổi thì hội đồng phỏng vấn trực tiếp người khuyết tật hoặc người đại diện của họ sau đó xác định dạng và mức độ khuyết tật.
Phương pháp xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng giám định y khoa
Hội đồng giám định y khoa khi xác định mức độ khuyết tật sẽ sử dụng phương pháp khám lâm sàng, cận lâm sàng hoặc khám giám định phúc quyết.
Khám lâm sàng là bước khám đầu tiên trong quy trình khám bệnh, là hoạt động thăm khám ban đầu theo dõi tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đối với hầu hết các bệnh mà chưa can thiệp bằng xét nghiệm hoặc chuẩn đoán hình ảnh.
Khám cận lâm sàng, về cơ bản đâu là khâu có sử dụng một số kỹ thuật y học như chụp x-quang, siêu âm,… để hỗ trợ cho bác sỹ trong quá trình chuẩn đoán và điều trị.
Khám giám định phúc quyết, thực chất cũng là việc sử dụng các quy trình khám và các biện pháp hỗ trợ nhưng do Hội đồng giám định y khoa cấp trên thực hiện.
2. Trách nhiệm thực hiện xác định mức độ khuyết tật
Theo quy định tại Điều 15 Luật người khuyết tật, trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật thuộc về Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và Hội đồng giám định y khoa.
Hội đồng xác định mức độ khuyết tật là cơ quan có nhiệm vụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật; xác định lại mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật do Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) thành lập, hoạt động theo quy định tại Điều 16 Luật Người khuyết tật và thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.
Hội đồng giám định y khoa bao gồm: Hội đồng giám định y khoa trung ương; Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh; Hội đồng giám định y khoa các bộ; Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối.
Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật là cơ quan sẽ thực hiện xác định mức độ khuyết tật đối với 04 trường hợp sau:
– Các trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
– Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
– Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác;
– Các trường hợp khác thuộc thẩm quyền của mình.
3. Hồ sơ xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, hồ sơ xác định mức độ khuyết tật mà người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật cần có bao gồm:
– Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật – Mẫu 01 ban hành kèm theo thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH hoặc quý khách hàng có thể tải mẫu số 01 tại bài viết này;
– Bản sao các giấy tờ (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác;
– Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày 01/06/2012 (nếu có);
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Lưu ý: Khi nộp hồ sơ, người nộp cần mang theo các giấy tờ sau để đối chiếu:
– Căn cước công dân (hoặc chứng minh thư nhân dân vẫn có giá trị sử dụng);
– Giấy khai sinh của trẻ em (nếu người khuyết tật là trẻ em);
– Sổ hộ khẩu của người khuyết tật và người đại diện hợp pháp của người khuyết tật.
4. Quy trình thực hiện xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
Bước 1: Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi 01 bộ hồ sơ nêu trên cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú. Khi nộp nồ sơ, ngoài hồ sơ cần nộp, người nộp hồ sơ còn cần mang theo các giấy tờ tại mục Lưu ý nêu trên để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra và đối chiếu thông tin đã kê khai trong hồ sơ.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sau khi kiểm tra, đối chiếu thông tin , nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn đối tượng bổ sung, hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ thì viết và trao giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật có trách nhiệm:
– Nếu người khuyết tật đang theo học tại cơ sở giáo dục, Chủ tịch hội đồng sẽ gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH;
– Triệu tập các thành viên của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Thành viên của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã là chủ tịch Hội đồng, Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
– Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH;
Lưu ý: Nếu người khuyết tật gặp khó khăn trong việc đi lại tới địa điểm xác định mức độ khuyết tật (trạm y tế xã hoặc trụ sở uỷ ban nhân dân cấp xã) thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật sẽ tổ chức xác định tại nơi ở của người khuyết tật.
Bước 3: Lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật (mẫu 05 thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH).
Trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày 01/06/2012, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.
Bước 4: Niêm yết công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 05 ngày làm việc. Nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo.
Trường hợp không có khiếu nại, tố cáo, thì hết thời hạn niêm yết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy xác nhận khuyết tật cho đối tượng đề nghị.
Bước 5: Người nộp hồ sơ nhận kết quả tại Bộ phận một cửa của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định.
Lệ phí phải nộp: Không phải nộp lệ phí.
Lưu ý: Hiện nay tại một số địa phương trên cả nước có triển khai dịch vụ nộp hồ sơ xác định mức độ khuyết tật trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công. Quý khách hàng có thể liên hệ cán bộ một cửa để xác nhận thông tin nộp qua mạng.
5. Trường hợp xác định mức độ khuyết tật với người đã có kết luận của hội đồng giám định y khoa trước 01/06/2012.
Ngày 01/06/2012 là ngày bắt đầu có hiệu lực của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người khuyết tật. Do có sự xuất hiện của thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH nên một số quy định của Luật người khuyết tật vấn đề xác định mức độ khuyết tật được hướng dẫn theo thông tư mới. Tuy nhiên, đối với trường hợp “người khuyết tật đã có kết luận của hội đồng giám định y khoa trước ngày 01/06/2012 thì vẫn áp dụng cách xác định theo nghị định 28. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật sẽ căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
– Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận là không còn khả năng tự phục phu sinh hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Người khuyết tật nặng là trường hợp được hội đồng giám định y khoa kết luận vẫn còn khả năng tự phục vụ một số sinh hoạt cá nhân nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
– Người khuyết tật nhẹ là khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ một số hoạt động sinh hoạt mà không cần trợ giúp hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.