1. Quan niệm về thanh Đảng của Lênin

Quan điểm thanh đảng của V.I.Lênin nhằm mục đích loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích ra khỏi Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thanh đảng để có một đội ngũ đảng viên đủ sức thực hiện chính sách mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị mới. Thanh đảng nhằm vào đối tượng bè phái chống Đảng Cộng sản Bolshevik Nga như bọn Mensheviks, Trotsky; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những kẻ gian giảo, đảng viên quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt; bọn tham ô, ăn cắp; bọn người lập ra hết ban này ban nọ mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào, tức là những đảng viên có phẩm chất đạo đức xấu và yếu kém về năng lực. Việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức đồng bộ như: đăng ký lại đảng viên, động viên ra khỏi Đảng… Những kẻ đê tiện lẩn lút trong Đảng, hiếp đáp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi đã gây ra.

Trong bài “Bàn về cải tổ Đảng”, Lênin cho rằng, nếu Đảng không khác gì quần chúng thì Đảng sẽ hòa tan trong quần chúng, tự hạ mình xuống thành cái đuôi của quần chúng. Người nhận định, điều tuyệt đối không thể tránh được là sau khi cách mạng thắng lợi, những phần tử nguy hại tìm mọi cách chui vào đảng cầm quyền, “bất cứ cuộc cách mạng nào cũng không tránh khỏi điều đó và sẽ không tránh khỏi được”. Tất cả vấn đề là ở chỗ, đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng

2. Đối tượng thanh đảng là những ai?

Thanh đảng là “một công tác nghiêm chỉnh và vô cùng quan trọng”, nhằm đấu tranh để giữ cho Đảng không đi chệch con đường cách mạng, để Đảng xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp cách mạng và của quần chúng cần lao. Sự trong sạch và vững mạnh của Đảng bắt buộc phải:

1. Tống cổ ngay bọn men-sê-vích ra khỏi Đảng. Theo V.I.Lê-nin, đối với những người men-sê-vích tham gia Đảng từ sau Cách mạng Tháng Mười thì chỉ có thể lưu lại nhiều lắm là 1%. Phải thẩm tra từng người trong số những người được lưu lại đó. Vì bọn chúng chỉ là những tên cơ hội khôn khéo thích ứng chui vào trào lưu chính trị của giai cấp công nhân, chứ không thật thà đi cùng đường với những người cộng sản, nó thù ghét CNXH và luôn luôn sẵn sàng đứng vào hàng ngũ kẻ thù.

2. Phải gạt ra khỏi Đảng những kẻ làm ô danh Đảng, những kẻ lợi dụng chức quyền để ăn cắp của công, làm giàu bất chính, ăn chơi sa đoạ… Bọn họ thực chất là những tên lưu manh chính trị, phi nhân tính, không những không thể để cho nó đội lốt cộng sản mà còn phải trừng trị trước pháp luật một cách nghiêm khắc.

3. Phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử xa rời quần chúng, những bọn “làm quan”, những kẻ bị quan liêu hoá. Bọn người này si mê quyền lực, hám danh vọng, độc đoán, chuyên quyền, dối Đảng, dối trên, lừa mị cấp dưới và nhân dân. Bọn quan liêu hoá là con dao cắt đứt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, làm cho dân xa Đảng, Đảng mất dần quần chúng, vì thế không thể để lại chúng trong hàng ngũ Đảng. Theo V.I.Lê-nin, “cần phải đưa ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hoá, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vich tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vich”(1).

3. Biện pháp quan trọng nhất để Đảng trưởng thành, ngang tầm nhiệm vụ mới là gì?

1. Chọn người, đặt người đúng chỗ, đúng việc. Nhiều lần V.I.Lê-nin coi đó là mấu chốt của mọi vấn đề.

2. Học tập, người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng kho tàng kiến thức do nhân loại sáng tạo. Phải học tập từ đầu, học tập tỉ mỉ và kiên nhẫn. Chỉ có tiến hành việc học tập một cách dũng cảm và khiêm nhường, người cộng sản mới biết quản lý xã hội và biết tổ chức xây dựng xã hội mới. Trong việc học tập, V.I.Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh những người cộng sản phải học quản lý kinh tế, học tập một cách thấu đáo và nhanh chóng, thì “mọi sự lơ là đều là tội lỗi rất nặng. Cho nên cần lao vào khoa học đó, một khoa học thật khó khăn gian khổ và đôi khi còn khắc nghiệt nữa, vì không có như thế thì không có đường nào thoát cả”(2).

3. Quy định những điều kiện kết nạp đảng viên mới chặt chẽ hơn. Trong vấn đề này, V.I.Lê-nin lưu ý đến việc thử thách kỹ lưỡng người xin gia nhập Đảng, quy định những điều kiện kết nạp đảng viên chặt chẽ hơn, thời gian dự bị dài hơn, xác định những ai đích thực là công nhân đại công nghiệp, đối với hồng quân cũng phải có những điều kiện kết nạp chặt chẽ hơn vì phần lớn họ là những nông dân và số đông họ còn rất trẻ…

4. Giá trị cốt lõi về các nguyên lý xây dựng chính đảng kiểu mới

          – Lênin cho rằng, một đảng kiểu mới, là đảng phải lấy Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Chủ nghĩa Mác được hình thành, từ sự kết tinh những giá trị tinh thần sâu sắc, tiến bộ của lịch sử văn minh nhân loại, với những tiền đề về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tư duy đã chín muồi, từ triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và Chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp; Mác và Ănghen đã sáng tạo ra CNXH khoa học, là hệ thống lý luận khoa học, vũ khí lý luận, ngọn cờ tập hợp lực lượng của giai cấp vô sản cách mạng, để chính đảng kiểu mới vạch ra cương lĩnh hành động, chiến lược và sách lược cách mạng, xây dựng chế độ xã hội mới của người lao động.

          – Đảng Cộng sản là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất, có giác ngộ nhất của giai cấp công nhân. Lênin đã từng chỉ ra rằng, tổ chức là một vũ khí nhờ đó mà giai cấp vô sản sẽ tự giải phóng; không có vũ khí nào tốt hơn là sự tổ chức, rằng: “ Tính tự giác của đội tiên phong còn biểu hiện ở chỗ là nó biết tự tổ chức. Mà sau khi đã được tổ chức, nó có một ý chí thống nhất, và ý chí thống nhất ấy của một nghìn, một trăm nghìn, một triệu người tiên tiến sẽ trở thành ý chí của một giai cấp”[3].

          – Đảng kiểu mới phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc sẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo thành một khối vững chắc cho sức mạnh chung của toàn Đảng. Lênin chỉ rõ: “ … Trước kia Đảng ta chưa phải là một khối chính thức và có tổ chức, mà chỉ là một tổng số những nhóm riêng biệt và do đó, giữa các nhóm ấy không thể có những quan hệ nào khác, ngoài sự tác động về mặt tư tưởng. Hiện nay, chúng ta đã trở thành một Đảng có tổ chức, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tạo ra một quyền lực, biến uy tín về tư tưởng thành uy tín về quyền lực, khiến cấp dưới phải phục tùng cấp trên của Đảng”[4].

          – Khi có chính quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị XHCN, đồng thời là một bộ phận của hệ thống đó. Điều quan trọng là sau khi giành được chính quyền, Đảng phải lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công chế độ xã hội mới của người dân. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có lực lượng lãnh đạo, hạt nhân nòng cốt; giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền, xây dựng chế độ mới còn khó khăn hơn. Vì thế không thể coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Lênin khẳng định: “ Chủ nghĩa Mác giáo dục Đảng công nhân, là giáo dục đội tiên phong của giai cấp vô sản, đội tiền phong này đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên CNXH, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động[5].

          – Đảng là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Lênin đặc biệt quan tâm tới sự đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền, cho rằng bất cứ sự bất đồng nào, ngay cả sự bất đồng không đáng kể, cũng có thể trở thành nguy hiểm về mặt chính trị. Đây là nguồn gốc của sự chia rẽ trong nội bộ, tự nó phá hoại sức mạnh của Đảng. Trong đó xác định, trước hết phải là sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Sự đoàn kết, thống nhất ở đây không phải là xuôi chiều, cả nể mà phải trên cơ sở thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình để khắc phục sai lầm và khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Người cho rằng: ” Chuyên chính vô sản không thể thực hiện được nếu không có sự đoàn kết nhất trí của những người lao động”, rằng: “ công khai thừa nhận sai lầm” của một đảng là tiêu chí quan trọng để đánh giá xem đảng đó có thật sự là đảng macxit hay không và “ cần phải để cho tất cả các đảng viên được hết sức tự do phê bình các cơ quan trung ương và công kích các cơ quan trung ương”[6]. Sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải dựa trên cương lĩnh, điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng, là sự đoàn kết có nguyên tắc trên cơ sở lợi ích chung của đất nước, dân tộc và giai cấp.

           -Thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng sẽ làm cho đảng mạnh lên. Lênin ý thức rất cao về sự nguy hại của chủ nghĩa cơ hội trong Đảng, đây là bộ phận thoái hóa, biến chất làm cho đảng cách mạng suy yếu, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong nội bộ, sẽ có tác dụng tích cực, làm cho đảng mạnh lên. Người chỉ rõ đặc điểm, nhận dạng loại bệnh này: “ Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giời nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau”[7], rằng: “Chủ nghĩa cơ hội là sự hy sinh lợi ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công nhân, nói cách khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản để chống lại quần chúng vô sản”[8]

          – Đảng kiểu mới phải gắn bó chặt chẽ với quần chúng, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Đây là vấn đề luôn được Lênin lưu ý, đối với chính đảng cách mạng trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền, rằng: “ Muốn trở thành một đảng dân chủ- xã hội, thì cần phải được sự ủng hộ của chính giai cấp”[9].  Bởi vì, đảng không thể lãnh đạo được giai cấp, nếu như không có mối liên hệ chặt chẽ với giai cấp công nhân ngoài đảng và các tầng lớp lao động khác. Người lưu ý: “ Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là sự cắt đứt liên hệ với quần chúng”[10]. Lênin nhấn mạnh, đó “là nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất” để thấy tầm quan trọng của vấn đề. Đồng thời, khi trở thành đảng cầm quyền, một nguy cơ dễ xuất hiện đó là bệnh quan liêu, xa rời quần chúng; những thói hư, tật xấu, như theo đuôi quần chúng hoặc xa rời quần chúng… , đảng cách mạng cần chú ý.

          – Đảng kiểu mới phải tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào đảng; phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi đảng. Đây cũng là vấn đề hệ trọng của công tác xây dựng đảng. Để một đảng cách mạng- đảng kiểu mới xứng đáng là đội tiên phong, không ngừng lớn mạnh thì phải thường xuyên bổ sung những quần chúng ưu tú cho đảng, đồng thời loại bỏ cơ thể mình những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội. Đây cũng là điều kiện để đảng tồn tại và phát triển, đủ uy tín lãnh đạo nhân dân qua các giai đoạn cách mạng ở mỗi nước.

          – Đảng kiểu mới phải theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Đây là vấn đề xuất phát từ bản chất giai cấp của giai cấp công nhân, đòi hỏi đảng kiểu mới phải kết hợp đúng đắn giữa lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp trong từng nước và lợi ích quốc tế; giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cao cả. Lênin chỉ rõ: “ Liên minh với những người cách mạng trong các nước tiên tiến và với tất cả các dân tộc bị áp bức, chống bọn đế quốc chủ nghĩa thuộc bất cứ loại nào, đó là chính sách đối ngoại của giai cấp vô sản”[11]. Trong quan điểm về chủ nghĩa quốc tế vô sản, Người luôn nhấn mạnh phải tránh cả hai khuynh hướng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa sô vanh nước lớn, rằng: “ Thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới, đòi hỏi giai cấp công nhân các nước tiên tiến phải hết sức tin cậy lẫn nhau, đoàn kết anh em hết sức chặt chẽ với nhau và phải hết sức nhất trí trong các hành động cách mạng của họ”[12].

5. Giá trị đương đại trong tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới

          Những nguyên lý của Lênin về chính đảng kiểu mới, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là một đóng góp to lớn cho nhân loại cả về lý luận và thực tiễn. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác, Ăngghen về tính tất yếu lịch sử của sự ra đời chính đảng, là sản phẩm tự nhiên của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, Lênin bổ sung, phát triển và xây dựng trên thực tiễn chính đảng kiểu mới- Đảng Bônsevic Nga, chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Hơn 100 năm trôi qua, thế giới đã có nhiều thay đổi, thực tiễn lịch sử và văn minh nhân loại ngày nay cho phép kiểm chứng tính đúng đắn, giá trị đương đại trong tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểm mới vẫn còn nguyên giá trị, là tiêu chí để phân biệt một chính đảng cách mạng chân chính, với các tổ chức chính trị, đảng phái khác. Những giá trị đó thể hiện ở một số điểm chính như sau:

          Một là, một chính đảng muốn trở thành lực lượng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, đảng đó phải thực sự là đại diện cho trí tuệ, tinh hoa của dân tộc. Thế giới ngày nay chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, văn minh nhân loại bước vào giai đoạn mới. Các quốc gia phát triển trong bối cảnh vừa có thuận lợi, khó khăn đan xen, cạnh tranh gay gắt, đồng thời phải đối phó với nhiều vấn đề thách thức. Điều đó đòi hỏi đảng phải thực sự có hệ tư tưởng tiên tiến, thu nạp vào đội ngũ của mình những thành viên ưu tú. Lịch sử nhân loại đến nay, đã chứng kiến những thăng trầm của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, những thành công và thất bại của các nước XHCN trên thế giới, nhưng cũng chính từ thực tiễn đó, càng chứng tỏ tính đúng đắn, giá trị bền vững của Học thuyết Mác-Lênin, tính quy luật của con đường đi lên CNXH mà loại người nhất định sẽ đi tới, như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đã khẳng định. Một chính đảng kiểu mới đòi hỏi phải có hệ tư tưởng tiến bộ, lãnh đạo đất nước, dân tộc, đồng thời phải có đội ngũ tiên phong. Đảng phải thu nạp vào tổ chức mình những thành viêu ưu tú và thường xuyên loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất. Đó mới là đảng chân chính, cách mạng.

          Thứ hai, thế giới ngày nay, các quốc gia có nhiều mô hình phát triển, nhiều chính đảng với tính đại diện khác nhau, cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Những để một chính đảng lãnh đạo ổn định, vững chắc thì chính đảng đó phải là một tổ chức chặt chẽ, có ảnh hưởng xã hội lớn. Ảnh hưởng xã hội ở đây trước hết là đường lối, quan điểm, chủ chương của đảng về giải quyết các vấn đề của đất nước, bởi người đứng đầu đảng và quan trọng nhất là hình ảnh của toàn đảng đối với xã hội. V. Lênin đã chỉ rõ các nguyên tắc để tổ chức đảng được cấu trúc và vận hành chặt chẽ, đó là các nguyên tắc tập trung, dân chủ; phê bình và tự phê bình; kết nạp vào đảng những thành viên ưu tú trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời đưa ra khỏi đảng những người không còn xứng đáng, làm trong sạch đội ngũ, xứng đáng là đội tiền phong, là người lãnh đạo. Ngày nay, dù văn minh nhân loại đã đạt được đến đâu, khoa học và công nghệ phát triển như thế nào, máy móc và quản trị xã hội đã phát triển, cũng không thể bỏ qua các nguyên tắc này, nếu đó là tổ chức chính trị lãnh đạo xã hội. Có ý kiến cho rằng, nên hiểu thế nào cho đúng về tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung hoặc tập trung, dân chủ. Xét về nội hàm, 3 vấn đề này là khác nhau, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức chính trị, tuy nhiên cần có cách tiếp cận biện chứng, tránh máy móc, dập khuôn hoặc chia cắt đơn giản. Tập trung và dân chủ trong tổ chức, hoạt động của chính đảng kiểu mới là thống nhất biện chứng với nhau, trong tập trung có dân chủ và trong dân chủ có tập trung, nhưng để hoạt động của một bộ máy thì phải nhấn tập trung lên trước. Cần phân biệt giữa cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể với nguyên tắc hoạt động để tránh dân chủ hình thức, vô chính phủ và tập trung quan liêu, hay độc đoán mất dân chủ, lợi dụng dân chủ.

Thứ ba, gắn bó với nhân dân và có tinh thần quốc tế trong sáng. Lênin đã từng nhắc nhở, điều nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất là xa rời quần chúng. Thực tiễn ngày nay, những thành công và thất bại của các đảng cầm quyền, kể cả đảng cộng sản ở một số nước XHCN cũng cho thấy, khi nào xa rời nguyên tắc này đều thất bại. Đối với chính đảng kiểu mới, đảng cách mạng của giai cấp công nhân, lợi ích của đảng là lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, đảng không có lợi ích nào khác ngoài lãnh đạo nhân dân thông qua Nhà nước và toàn xã hội xây dựng đất nước dân chủ, tự do, nhân dân ấm no và hạnh phúc. Chính từ mục đích đó, từ trong bản chất của đảng, được nhân dân ủng hộ, vì thế không có con đường nào khác, chính đảng cách mạng phải gắn bó máu thịt với nhân dân. Ngược lại, ở các quốc gia khác, một đang hay đa đảng, để tranh thủ sự ủng hộ của người dân, các chính đảng phải đưa ra khẩu hiệu, chương trình tranh cử cũng phải dựa trên nguyện vọng của người dân, có thể chương trình đó là mỵ dân, nhất thời. Thực tế này, người dân ở nhiều quốc gia đã chứng kiến. Vì vậy, muốn lãnh đạo xã hội, muốn cầm quyền thì chính đảng phải gắn với dân, tranh thủ người dân. Bên cạnh đó, sự gắn kết lẫn nhau giữa các quốc gia trong thế giới đương đại, không chỉ được quy định bởi tính phụ thuộc, bổ trợ lẫn nhau, mà hợp tác và cạnh tranh là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, khu vực hóa. Sự khác biệt của chính đảng cách mạng với các đảng phái chính trị khác, là xử lý hài hòa quan hệ dân tộc và quốc tế trong sáng.

(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 6, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, Sđd, tr.154.

(2) Sđd, tr.209, 210.

[3] Xem: V.I. Lê nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1978, t.43, tr245-296; t.44, tr 3-14, 179-191, 194-219.

[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1976, t.4, tr.122

[5] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1976, t. 33, tr.33.

[6]  V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.32.

[7]  V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tr.295

[8]  V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tr.243

[9] Xem V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.32

[10] Xem V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.352

[11] Xem V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.276

[12] Xem V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.43, tr.397