Đáp án:

Khẳng định sai. Bởi vì:

Căn cứ Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về cố ý phạm tội thì lỗi cố ý bao gồm lỗi Cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hâu quả xảy ra.

Như vậy trong trường hợp phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp, bản thân người phạm tội họ không muốn hậu quả xảy ra, người phạm tội không có mục đích phạm tội hoặc mục đích phạm tội không rõ ràng. Việc xem xét các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra đối với lỗi cố ý trực tiếp; đối với trường hợp thực hiện tội phạm dưới hình thức lỗi cô ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý thì không có các giai đoạn thực hiện tội phạm.

Luật LVN Group phân tích chi tiết hơn quy định pháp luật về vấn đề trên:

 

1. Dấu hiệu lỗi của tội phạm.

– Tội phạm là những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa (theo quy định tại Điều 8 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

– Cố ý phạm tội có thể hiểu là người thực hiện hành vi nguy hiểm theo quy định của bộ luật hình sự nhưng vẫn cố tình mong muốn thực hiện hành vi phạm tội đó và thuộc một trong những trường hợp sau đây: 

+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, đây còn được gọi là lỗi cố ý trực tiếp.

+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, đây còn được gọi là lỗi cố ý gián tiếp.

– Vô ý phạm tội có thể hiểu là hành vi nguy hiểm theo quy định của bộ luật hình sự nhưng người phạm tội không mong muốn thực hiện hành vi phạm tội đó và thuộc một trong những trường hợp sau đây:

+ Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, đây còn được gọi là lỗi vô ý vì quá tự tin.

+ Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó, đây còn được gọi là lội vô ý do cẩu thả.

 

2. Các giai đoạn thực hiện tội phạm theo quy định của pháp luật.

– Các giai đoạn phạm tội chỉ diễn ra trong các hành vi được thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp. Còn với lỗi vô ý, người phạm tội không có ý định phạm tội, không mong muốn hậu quả xảy ra cho nên tội vô ý chỉ có thể là những tội đã hoàn thành, không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt. Quá trình thực hiện tội phạm thông thường sẽ có ba giai đoạn là giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội chưa đạt và giai đoạn tội phạm đã hoàn thành.

– Giai đoạn chuẩn bị phạm tội là giải đoạn người phạm tội tiến hành tìm kiếm công cụ phạm tội; sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho tội phạm như quan sát địa điểm, điều kiện liên quan xung quanh nạn nhân để có thể lợi dụng gây án. Tại giai đoạn này thì chưa xảy ra cho khách thể, chưa tác động tới đối tượng tác động của tội phạm nhưng vẫn bị truy tố nếu vi phạm các quy định tại Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

+ Thứ nhất, hành vi chuẩn bị liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện tội phạm, chuẩn bị càng kỹ càng, tỉ mỉ thì khả năng cao tội phạm sẽ hoàn thành và để lại hậu quả là rất lớn.

+ Thứ hai, ý định phạm tội đã được biểu hiện ra bên ngoài. Thời điểm muộn nhất của giải đoạn chuẩn bị phạm tội là trước thời điểm lúc người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm. Do đó, có căn cứ để xác định rằng chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 

+ Thứ ba, nguyên nhân không thực hiện tội phạm được đến cùng là do khách quan ngoài ý muốn. 

+ Khi tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015.

– Giai đoạn phạm tội chưa đạt là giai đoạn mà người phạm tội có thực hiện hành vi phạm tội, nhưng không thực hiện được đến cùng do những trở ngại khách quan, có thể là:

+ Người phạm tội thực hiện những hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Người thực hiện tội phạm chưa làm thỏa mãn, chưa thực hiện hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm; người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan nhưng hậu quả chưa xảy ra (lưu ý chỉ áp dụng đối với cấu thành tội phạm vật chất); người phạm tội đã có hành vi khách quan, có hậu quả xảy ra, nhưng không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả.

+ Nguyên nhân phạm tội chưa đạt là nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Nguyên nhân có thể xảy ra từ công cụ, phương tiện; nạn nhân chống cự; các yếu tố khách quan khác; …

+ Phân loại phạm tội chưa đạt thì cần căn cứ vào tâm lý của người phạm tội đối với việc phạm tội chưa đạt (chưa đạt là chưa đạt về hậu quả xảy ra, còn chưa hoàn thành là chưa hoàn thành về hành vi khách quan) thì sẽ có chưa đạt chưa hoàn thành và chưa đạt đã hoàn thành thì mọi trường hợp phạm tội chưa đạt này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Giai đoạn tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội làm thỏa mãn tất cả các dấu hiệu được nêu trong cấu thành tội phạm. Trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, người phạm tội dừng hành vi phạm tội do ý chí chủ quan của họ và dứt khoát từ bỏ ý định phạm tội thì được Nhà nước miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm định thực hiện. Việc chấm dứt phải ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. 

 

3. Tội phạm được thực hiện dưới hình thức cố ý có phải đều có 3 giai đoạn phạm tội hay không?

– Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước trong quá trình cố ý thực hiện tội phạm. Được phân biệt với nhau bởi các dấu hiệu, biển hiệu nhằm đánh giá sự diễn biến mức độ thực hiện ý định phạm tội, làm cơ sở cho việc xác định phạm vi và mức độ trách nhiệm hình sự và hình phạt.

– Quá trình thực hiện tội phạm (lỗi cố ý) có ba giai đoạn là giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội chưa đạt và giai đoạn tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 10 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì đối với lỗi có ý sẽ có hai loại là cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Do vậy các giai đoạn phạm tội chỉ diễn ra trong các tội được thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp. Còn đối với tội cố ý gián tiếp thì người phạm tội không có ý định phạm tội, không mong muốn hậu quả xảy ra cho nên tội cố ý gián tiếp chỉ có thể ở giai đoạn tội phạm hoàn thành, không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt. Như vậy thì với khẳng định tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý đều có 3 giai đoạn là chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành? là khẳng định sai.

Ví dụ điển hình của lỗi cố ý gián tiếp là hành vi cố ý gây thương tích với trường hợp dẫn đến hậu quả là chết người.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.0191 để được Luật sư tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!