1. Vốn FDI là gì?

Để hiểu về vốn FDI, trước hết chúng ta cần hiểu về FDI. FDI là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Foreign Direct Investment” và được dịch sang tiếng Việt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vậy vốn FDI chính là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về FDI, tiêu biểu là:

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO): Đầu tư trực tiếp nước ngoài xảy ra khi một nhà đầu tư từ nước ngoài (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. 

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): FDI là một hoạt động đầu tư nhằm đạt được những lợi ích lâu dài trong một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác nền kinh tế nước chủ đầu tư, mục đích của chủ đầu tư là giành quyền quản lý thực sự doanh nghiệp.

Theo Luật Đầu tư Việt Nam (2005): FDI là hình thức đầu tư do đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư ở Việt Nam hoặc nhà đầu tư Việt Nam bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Tóm lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bản chất như đầu tư nói chung, là sự di chuyển các nguồn lực từ nước này sang nước khác để tiến hành những hoạt động đầu tư nhằm tím kiếm lợi ích hữu hình hoặc vô hình. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài nhấn mạnh vào địa điểm thực hiện hoạt động này là ở quốc gia khác với quốc gia của nhà đầu tư. 

 

2. Bản chất của vốn FDI

Về bản chất, FDI là sự gặp nhau về nhu cầu của hai bên, một bên là nhà đầu tư và bên còn lại là quốc gia tiếp nhận đầu tư. Đối với nước đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài là “lối thoát lý tưởng” trước sức ép xảy ra “sự bùng nổ phá sản” do những mâu thuẫn tất yếu của quá trình phát triển. Khi quá trình tích tụ tập trung vốn đạt đến đến trình độ mà thị trường sản xuất kinh doanh của họ trở nên chật hẹp, nhà đầu tư sẽ không thu được lợi nhuận như mong muốn. Trong khi đó tại một số quốc gia khác lại xuất hiện nhiều lợi thế và khả năng thu lợi nhuận cao hơn. Không chỉ tìm kiếm thị trường và lợi nhuận, đầu tư ra nước ngoài còn là phương thức để kéo dài “chu kỳ tuổi thọ sản phẩm”, “chu kỳ tuổi thọ kỹ thuật” mà vẫn giữ được độc quyền kỹ thuật, dễ dàng xâm nhập thị trường nước ngoài. Đối với các nước nhận đầu tư – nơi có lợi thế những chưa có điều kiện để khai thác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đa dạng phong phú, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ.

Không chỉ đối với nước đầu tư và nước nhận đầu tư, bản chất của vốn FDI còn được thể hiện qua các yếu tố sau:

  • Có sự thiết lập quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tới nơi được đầu tư.
  • Đối với các nguồn vốn đã được đầu tư, thiết lập quyền sở hữu và quản lý.
  • Kèm theo quyền chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của nước đầu tư với nước bản địa.
  • Có liên quan đến sự mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, tổ chức đa quốc gia.
  • Luôn luôn gắn liền với sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế và thương mại quốc tế. 

 

3. Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

FDI chủ yếu là đầu tư tư nhân với mục đích chính là theo đuổi lợi nhuận. Theo cách phân loại đầu tư nước ngoài của nhiều văn bản và theo quy định của pháp luật nhiều nước, FDI là hình thức đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, luật pháp của một số nước (ví dụ như Việt Nam) quy định rằng, trong những trường hợp cụ thể, FDI có thể có sự góp vốn của nhà nước. Dù chủ thể là tư nhân hay nhà nước thì cũng phải khẳng định rằng FDI lấy lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu. Các nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là các nước đang phát triển, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Thu hút FDI một cách hợp lý với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tránh tình trạng FDI chỉ nhằm tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. 

Về vốn góp, các chủ thể đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỉ lệ vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tùy theo quy định của từng nước để giành quyền kiểm soát hoặc tham gia kiểm soát doanh nghiệp nhận đầu tư. Ở mỗi quốc gia khác nhau, pháp luật sẽ có quy định khác nhau về vấn đề này. Ví dụ tại Mỹ, pháp luật quy định tỉ lệ là 10%, Pháp và Anh là 20%. Đối với Việt Nam, theo luật cạnh tranh năm 2014 không phân biệt đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp mà gọi chung là đầu tư kinh doanh, còn theo quy định của OCED (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) thì tỉ lệ này là 10% các cổ phiếu thường hoặc quyền biểu quyết của doanh nghiệp – mức được công nhận cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực sự vào quản lý doanh nghiệp. Tỉ lệ góp vốn của các chủ thể đầu tư sẽ quyết định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, đồng thời đây cũng chính là chiếc chìa khóa quan trọng để phân chia lợi nhuận và rủi ro. 

Chủ đầu tư tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi. Hình thức này mang tính khả thi và hiệu quả cao, không có ràng buộc về chính trị. Thu nhập của chủ đầu tư phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà họ bỏ vốn đầu tư, nó mang tính chất thu nhập kinh doanh không phải lợi tức. 

Nguồn vốn FDI là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước nhà đồng thời làm động lực nâng cao tính cạnh tranh trong nước và quốc tế. Trong tương lai, FDI hứa hẹn có thể đưa Việt nam phát triển mạnh, vươn cao, vươn xa hơn trên thị trường quốc tế. 

FDI thường kèm theo chuyển giao công nghệ cho các nước tiếp nhận đầu tư thông qua việc đưa máy móc, thiết bị, bằng phát minh, sáng chế, bí quyết kĩ thuật, cán bộ quản lý,… vào nước nhận đầu tư để thực hiện dự án. 

 

4. Quy định pháp luật về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

4.1. Hoạt động đầu tư của FDI

Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 không đề cập đến vốn FDI, song luật này có quy định một số điều liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI. Căn cứ theo điều 23 Luật Đầu tư năm 2020:

“Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng đủ điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữa trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

2. Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

3. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới. 

4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tư, thủ tục đầu tư thành lập tổ chức kinh tế và về thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”

Theo quy định tại điều này, để thực hiện hoạt động đầu tư đảm bảo điều kiện và thủ tục của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được chia làm hai trường hợp sau:

Thứ nhất, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Thứ hai, tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp nêu trên thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Ngoài ra, đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

 

4.2. Thành lập tổ chức doanh nghiệp FDI

Căn cứ theo Điều 63 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, thành lập tổ chức FDI được quy định như sau:

“Điều 63: Thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài

1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 67 Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục sau:

a) Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

b) Trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)  hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. 

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

3. Vốn điều lệ của tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư không nhất thiết phải bằng vốn đầu tư của dự án đầu tư. Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thực hiện góp vốn và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.” 

Hồ sơ, trình tự và thủ tục thành lập tổ chức doanh nghiệp FDI thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. 

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, lượng vốn FDI thu hút ngày càng tăng cao, thủ tục thành lập tổ chức doanh nghiệp FDI ngày càng đơn giản hóa với các hình thức đầu tư linh hoạt để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận trong quá trình đầu tư. 

 

4.3. Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế Việt Nam

Theo quy định tại điều 24 Luật Đầu tư năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khi đáp ứng đủ các quy định, điều kiện sau:

  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;
  • Quy định của pháp luật về đất đai, về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

>> Xem thêm Đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì ? Đặc điểm, cách phân loại FDI

Trên đây là toàn bộ nội dung về khái niệm vốn FDI, bản chất và đặc điểm của FDI và những quy định của pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc về vấn đề này. Nếu còn thắc mắc về nội dung bài viết hay vấn đề pháp lý nào, xin vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí trực tuyến 24/7 qua số hotline: 1900.0191 để được tư vấn nhiệt tình. Xin trân trọng cảm ơn!