1. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là gì?

Khai quyết toán thuế là việc xác định số thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc thời gian từ đầu năm tính thuế đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc thời gian tính từ khi phát sinh đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật.

Quyết toán thuế TNCN là việc cá nhân tiến hành các công việc kê khai số thuế trong một năm tính thuế về các vấn đề số thuế cần phải nộp thêm, hoàn trả số tiền thuế đã nộp thừa và bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo. Hiện nay đã có phần mềm hỗ trợ khai thuế online đó là phần mềm kê khai HTKK, cá nhân hay tổ chức làm quyết toán chỉ cần tải ứng dụng HTKK, cá nhân hay tổ chức làm quyết toán chỉ cần tải ứng dụng HTKK về máy và làm theo hướng dẫn, sau đó nộp trực tuyến đến cổng thông tin của Tổng Cục Thuế theo mẫu 05/QTT-TNCN là xong. 

Đối tượng phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân được quy định tại điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 636/TCT-DNNCN năm 2021 thì những đối tượng sau phải quyết toán thuế TNCN bao gồm:

– Tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công;

– Ủy quyền quyết toán thuế TNCN;

– Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.

Ngược lại, có những trường hợp không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân như sau:

– Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phát sinh trả thu nhập thuế thì không phải khai quyết toán thuế TNCN

– Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN và không phải nộp hồ sơ miễn thuế.

 

2. Nguyên tắc kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Nguyên tắc kê khai: Khi tổ chức, cá nhân trả thu nhập kê khai quyết toán thuế TNCN (mẫu số 05/QTT-TNCN) cần kê khai đầy đủ thông tin của toàn bộ người lao động lên bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN và 05-2/BK-QTT-TNCN.

Căn cứ theo Tiết d.1 Điểm d Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
 
“d.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.”

Hiểu đơn giản ý tứ của Điều trên như sau: Trường hợp doanh nghiệp trả lương cho bao nhiêu người lao động thì phải Quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho tất cả những người đó (không phân biệt có phải nộp hay không nộp thuế TNCN). Trường hợp doanh nghiệp không trả lương cho bất kỳ 1 người lao động nào thì Không phải nộp Tờ khai quyết toán thuế TNCN năm đó.

Căn cứ theo Công văn 636/TCT-DNNCN ngày 12/3/2021 của Tổng cục thuế:
 
“Trường hợp cá nhân có ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức và có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống thuộc diện được miễn thuế thì tổ chức trả thu nhập vẫn kê khai thông tin cá nhân được trả thu nhập đó tại hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân của tổ chức và không tổng hợp số thuế phải nộp thêm của các cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống.”

Có thể hiểu như sau: Doanh nghiệp vẫn kê khai trên Tờ khai quyết toán thuế TNCN 05/QTT-TNCN như bình thường nhưng sau khi kê khai xong, Doanh nghiệp tích vào mục “Miễn thuế cho cá nhân có ủy quyền quyết toán có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống”
Từ đây, phần mềm sẽ tự động tổng hợp số liệu (Không phải nộp thêm số tiền thuế TNCN thiếu đó).

 

3. Xử lý khai sai chỉ tiêu [21] trên tờ khai 05/QTT-TNCN.

Chỉ tiêu [21] trên tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân thể hiện tổng số người lao động tham gia khai thuế, trường hợp khai sai chỉ tiêu [21] nêu trên có thể là do người nộp thuế không điền số lượng người lao động vào chỉ tiêu [21] hoặc có thể người nộp thuế điều không đúng tổng số lao động trên bảng kê 05/QTT-TNCN.

Để khắc phục điều trên, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện như sau: Tính tổng số lao động trên 2 bẳng kê 05-1/BK-QTT-TNCN và 05-2/BK-QTT-TNCN và nhập tay số đó vào chỉ tiêu 21, đảm bảo chỉ tiêu 21 lớn hơn hoặc bằng chỉ tiêu 22 trên tờ khai chính.

 

4. Thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân là khi nào?

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế tính theo tháng, kê khai theo tháng, kê khai có thể theo tháng hoặc theo quý nhưng quyết toán theo năm dành cho người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho kỳ tính thuế theo năm cụ thể như sau:

2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

c) Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

Ví dụ trường hợp quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2021 thì đầu năm 2022 phải thực hiện quyết toán theo thời hạn như sau:

– Nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công uỷ quyền quyết toán cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì thời hạn phải quyết toán thuế chậm nhất là ngày 31/3/2022.

– Nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế thì thời hạn quyết toán chậm nhất là ngày 30/4/2022 vì như vậy sẽ tránh trường hợp bị tồn đọng nhiều hồ sơ.

 

5. Mức xử phạt khi chậm quyết toán thuế thu nhập?

Thời hạn quyết toán thuế được quy định nêu trên, trường hợp cá nhân, tổ chức chậm nộp hồ sơ khai thuế hằng năm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, cụ thể theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 + Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

 + Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

 + Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

 + Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.

Mức xử phạt sẽ dựa vào thời gian mà đối tượng nộp thuế chậm nộp. Mức phạt ở trên dành cho tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt bằng nửa mức phạt nêu trên.

Trường hợp sau khi có quyết định nộp phạt nhưng người nộp thuế chậm nộp tiền phạt sẽ phải tính thêm tiền chậm nộp, cụ thể:

Căn cứ tại khoản 1 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt chập nộp tiền như sau:

– Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0.05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

– Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp của ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.

Cụ thể công thức tính tiền phạt chậm nộp theo 1 ngày như sau: Tiền chậm nộp 01 ngày = 0.05% x Số tiền chậm nộp. Trong đó, số tiền phạt chậm nộp được tính theo số ngày mà người nộp thuế không nộp hồ sơ khai thuế theo mức xử phạt tại Điều 13 nêu ở trên.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của Luật LVN Group. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.0191  để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. Trân trọng./.