Trong quá trình thực hiện dự án, Vũ Thanh Đức (Nguyên là Phó Giám đốc trung tâm PCSR – nội tiết tỉnh Quảng Bình, Phó BQLDA Quỹ toàn cầu tỉnh) được phép tạm ứng tiền trực tiếp thanh toán cho tiểu ban Dự án của 6 huyện. Mỗi lần nhận tiến tạm ứng, Đức cùng kế toán Phạm Thị Hoa Hồng trực tiếp xuống tận các huyện để thanh toán.

Để trục lợi, Đức hướng dẫn tiểu ban Dự án các huyện lập chứng từ thanh toán khống ngày công các hoạt động giám sát; móc nối với một số cơ quan, trường học, UBND xã, trạm y tế xã xác nhận khống các chứng từ và hoá đơn thanh toán tiền tổ chức các lớp học, hội nghị tập huấn dự án…

Sau đó, Đức đặt vấn đề với các tiểu ban Dự án huyện trích lại 30% – 50% số tiền thanh toán khống. Nhưng khi nhận tiền thanh toán hoặc trích lại, Đức đều buộc người nhận tiền phải ký nhận đủ số tiền đã thanh toán cũng như các khoản phải trích lại.

Quá trình điều tra xác định Đức cùng Đỗ Xuân Phong (SN1971), Thư ký tiểu ban Dự án huyện Lệ Thuỷ, Trần Quốc Tuấn (SN1975), Thư ký Ban QTCPCSR huyện Bố Trạch; Phan Thanh Phi (SN1963), cán bộ chuyên trách tiểu ban dự án huyện Minh Hoá và một số người khác ở tiểu ban Dự án các huyện đã lập chứng từ khống để rút tiền chia nhau hơn 364 triệu đồng. Trong đó, Đức chiếm đoạt hơn 272 triệu đồng. Tiếp đến là Phong chiếm đoạt hơn 40 triệu đồng, Tuấn chiếm đoạt  25,7 triệu đồng và Phi chiếm đoạt 14,4 triệu đồng.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Viện đề nghị một đường, toà tuyên một nẻo.

Từ những chứng cứ trên, VKSND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị truy tố bị cáo Vũ Thanh Đức trước toà (theo khoản 3, điều 278 BLHS), Đỗ Xuân Phong, Trần Quốc Tuấn, Phạm Thanh Phi về tội “tham ô tài sản” (theo khoản 2, điều 278 BLHS).

Nhưng, tại Bản án số 69/2007 HSST ngày 1-12-2007, Toà án tỉnh Quảng Bình đã tuyên: Phong 30 tháng tù; Tuấn 24 tháng tù; Phi 24 tháng tù cho án hưởng án treo; Phạm Thị Hoa Hồng 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội tham ô tài sản. Còn Vũ Thanh Đức lại được toà cho rằng không phạm tội tham ô tài sản như cáo trạng của VKS tỉnh vì chưa đủ căn cứ buộc tội…

Không đồng tình với phán quyết của phiên toà sơ thẩm, ngày 3-12-2007, VKS tỉnh Quảng Bình đã kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 69/2007/HSST của TAND tỉnh Quảng Bình về phần hình sự tuyên đối với bị cáo Vũ Thanh Đức.

TAND tối cao đã vào cuộc. Theo như Bản án 326/2008/ HSPT ngày 21-3-2008 của TAND tối cao, thì TAND tỉnh Quảng Bình tuyên Vũ Thanh Đức không phạm tội “tham ô tài sản” vì chưa đủ căn cứ buộc tội là chưa có cơ sở; đồng thời cũng không nhận định điều khoản nào của Bộ luật TTHS để truy tố bị cáo phạm tội là thiếu sót. TAND tối cao đã yêu cầu huỷ một phần bản án sơ thẩm đối với Vũ Thanh Đức, đồng thời giao hồ sơ cho cơ quan điều tra và Toà án cấp sơ thẩm để điểu tra, xét xử lại.

Tiếp đó, tại bản án sơ thẩm số 09/2009/HSST ngày 20-3-2009, TAND tỉnh Quảng Bình lại tuyên án đối với Vũ Thanh Đức phạm tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xử phạt Đức 9 tháng tù. Bị cáo  Đức đã làm đơn kháng cáo vì cho rằng bản án mà Toà sơ thẩm tuyến đối với Đức quá nặng. Cùng lúc đó, VKSND tối cao tại Đà Nẵng cũng kiến nghị vì cho rằng bản án sơ thẩm số 09/2009/HSST kết án Đức không đúng với nội dung mà VKS đã truy tố.

Sau khi xem xét các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ và ý kiến của các bên tại phiên toà. Ngày 28-10-2009, Toà phúc thẩm TAND tối cao lại ra quyết định huỷ bản án hình sự số 09/2009/HSST ngày 20-3-2009 của TAND tỉnh Quảng Bình và chuyển hồ sơ vụ án về TAND tỉnh Quảng Bình để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Theo ông Đoàn Công Kê , Phó Viện trưởng, VKS tỉnh Quảng Bình, hai bản án sơ thẩm số 69/2007/HSST và 09/2009 HSST của TAND tỉnh Quảng Bình đã xét xử Vũ Thanh Đức với hành vi mà cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình không truy tố. Điều này cho thấy việc xét xử vụ án của Toà sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự và vượt quá giới hạn xét xử (Theo như Điều 196 BLTTHS nêu rõ: “Toà án chỉ xét xử những bị cáo và hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố). Vì vậy, VKS đề nghị Toà án xử theo đúng nội dung mà VKS đã đề nghị truy tố.

Phiên toà thứ 5…

Sau 4 lần “sơ đi”, “thẩm lại”, vụ án Vũ Thanh Đức lợi dụng dự án để trục lợi đến nay vẫn chưa ngã ngũ, kiến dư luận càng quan tâm hơn.

Điều thật khó hiểu là, trong khi Tuấn, Phong, Phi là đồng phạm của Đức đã bị Toà án xét xử về “tội tham ô tài sản” và đến nay đã thi hành án xong. Còn Đức với vai trò chủ mưu trong vụ án lại được toà  kết án 9 tháng tù với tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn số tiền thất thoát hơn 272 triệu đồng của Nhà nước, nhưng không giải quyết phần bồi thường thiệt hại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Và cho dù Toà sơ thẩm có xử bị cáo về tội gì đi chăng nữa thì cũng phải giải quyết phần bồi thường thiệt hại.

Vào ngày 28-1-2010, phiên toà thứ 5 sẽ diễn ra. Không chỉ người dân Quảng Bình, mà người dân các tỉnh mong đợ sự phán quyết rõ ràng, đúng người đúng tội đối với Vũ Thanh Đức.

(Theo An ninh thủ đô )