Thật khó để tha thứ cho người đã từng làm bạn tổn thương, nhưng bạn biết không, lòng hận thù giống như một thứ axit ăn mòn trái tim của bạn từng ngày.

Bạn nuôi lòng hận thù với người yêu cũ của mình vì anh ta/cô ta đã làm những việc khiến bạn cảm thấy đau đớn? Bạn nuôi lòng hận thù với bố mẹ vì họ ngăn cấm bạn làm điều mình yêu thích? Đôi lúc, bạn nuôi lòng hận thù với một người qua đường nào đó, một đồng nghiệp, hay một người bạn, vì sự tranh chấp, xung đột, hay đôi khi chỉ vì những lý do vẩn vơ.

Thứ axit của lòng hận thù ngày càng loang ra, loang ra khiến tâm hồn bạn rệu rã. Nếu bạn cứ giữ mãi nguồn năng lượng tiêu cực ấy trong lòng, nó sẽ nhanh chóng biến bạn trở thành một người già nua, khô héo cả về linh hồn và thể xác, vì có thứ gì xanh tươi và xinh đẹp khi bị ngâm trong axit? Hãy trung hòa thứ axit độc địa ấy bằng sự tha thứ và lòng yêu thương.

Để làm được điều đó, bạn cần phải hiểu về lòng trắc ẩn. Đây là một khái niệm tuyệt đẹp, lớn hơn cả sự cảm thông. Vì cảm thông có nghĩa là hiểu cho cảm giác của người khác, còn khi có lòng trắc ẩn, bạn chẳng những hiểu mà còn có thể yêu thương và mong đợi những điều tốt đẹp cho họ.

Bước 1: Tưởng tượng về quá khứ của người đó

Sẽ như thế nào nếu bạn được sinh ra trong gia đình mà người đó đã được sinh ra, và được nuôi dạy giống họ? Khi lớn lên trong điều kiện gia đình như thế, với những trải nghiệm ấu thơ như thế thì mọi chuyện sẽ ra sao? Bạn có thể cũng sẽ trở thành họ của ngày hôm nay lắm chứ!

Người ta nói bất kỳ người nào mà bạn gặp gỡ trong đời đều có những câu chuyện riêng, và một số câu chuyện có thể khiến trái tim bạn đau đớn. Nếu bạn nếm trải những gì họ đã từng nếm trải, có thể bạn cũng sẽ trở thành con người giống như họ. Hãy đứng ở phương diện đó để hiểu cho họ.

Bước 2: Tưởng tượng về hiện tại của người đó

Hãy cố hết sức đặt mình vào hoàn cảnh hiện giờ của họ. Hình dung xem nếu trở thành người như họ thì mọi thứ sẽ ra sao. Đặt mình vào cùng vị trí như họ, có những tính cách như họ và nhìn đời qua lăng kính của họ. Nên nhớ, lăng kính của họ chứ không phải của bạn.

Tưởng tượng những gì họ đang cảm nhận trong lòng, tất cả cảm xúc họ chôn giấu. Ai cũng có những nỗi khổ riêng, hãy cố gắng để hiểu điều đó.

Bước 3: Tưởng tượng về đám tang của người đó

Nghe có vẻ thật điên rồ, nhưng đúng là như vậy đấy. Nếu bạn thực sự muốn có được sự cảm thông và tha thứ một cách nhanh chóng nhất, hãy nhìn người đó và tự hỏi: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng người đó sống trên đời này thì sao? Bạn đến dự tang lễ của người đó và người ta mời bạn lên chia sẻ vài điều. Bạn sẽ nói gì bây giờ?

Mọi hận thù trên đời là vô nghĩa nếu như bạn hiểu rằng cuộc sống vô thường. Nếu còn có thể nhìn thấy nhau ngày nào, hãy tha thứ và yêu thương.

Kết luận: Chỉ khi chúng ta tha thứ thì chúng ta mới có thể đối diện được với quá khứ, không để quá khứ ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta quên sạch quá khứ và những nỗi đau, chỉ là chúng ta mở đường cho những cảm xúc mới, trải nghiệm mới.

Nguồn: tamlyhoctinhyeu.com

Bộ phận tư vấn tâm lý – Công ty Luật LVN Group

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là ý kiến tư vấn chính thức cuối cùng của chuyên gia tâm lý. Nếu có điều gì cần chia sẻ, trợ giúp về tâm lý quý khách hãy gọi đến tổng đài tư vấn tâm lý :   1900.0191 chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng bạn tháo gỡ khó khăn !