Thách thức thứ nhất là khả năng đại diện cho nhân dân

Trên thực tế, nếu chức năng đại diện không vận hành thì các chức năng lập pháp, quyết định và giám sát cũng có thể vận hành sai, vì ý chí của nhân dân, lợi ích của nhân dân sẽ khó có thể phản ánh được đúng đắn trong các quyết sách của QH.

Để thực hiện tốt chức năng đại diện đòi hỏi các vị đại biểu QH phải có động lực để đại diện và có trình độ, có năng lực để đại diện. Cả động lực để đại diện, cả trình độ và năng lực để đại diện đều đang có vấn đề.

Trước hết, động lực phải tận tụy với Đảng bao giờ cũng áp đảo. Hậu quả là chế độ trách nhiệm trước dân rất khó được xác lập.

Hiện nay, tỉ lệ đảng viên trong QH chiếm đến trên dưới 90% (447/498). Trong lúc đó, các đảng viên chỉ chiếm khoảng 5-6% trong tổng số cử tri cả nước. Trong những nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã cố gắng nâng cao tỉ lệ các vị đại biểu ngoài Đảng trong QH. Rất tiếc, cố gắng này không mấy thành công.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Để bảo đảm một tỉ lệ hợp lý các đại biểu là người ngoài Đảng, điều quan trọng là phải giới thiệu được nhiều hơn ứng cử viên là người ngoài Đảng và giảm số ứng cử viên là đảng viên xuống. Một đảng cầm quyền chỉ cần có được một đa số trên 50% số ghế trong QH là đủ.

Ngoài ra, thực tế còn cho thấy quá nhiều cán bộ cao cấp của Đảng tham gia làm đại biểu QH là không thật hợp lý. Ví dụ, 1/3 thời gian của đa số các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị (khóa này chỉ có một ủy viên Bộ Chính trị không phải là đại biểu QH) đang phải bỏ ra cho các kỳ họp QH và các hoạt động khác của QH không biết có thật hợp lý hay không!

Thực tế, nếu các đồng chí này tham gia phát biểu thì các ý kiến đó rất dễ bị coi là ý kiến chỉ đạo. Mà như vậy thì rất khó cho việc thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, cởi mở, thẳng thắn ở QH. Thế nhưng, nếu các đồng chí đó chỉ ngồi nghe mà không tham gia công việc thì đúng là rất lãng phí thời gian. Điều tương tự cũng có thể nói về các đồng chí vừa là ủy viên trung ương, vừa là bí thư tỉnh ủy, vừa là chủ tịch hội đồng nhân dân lại vừa là đại biểu QH.

Những đồng chí như vậy thì họp hành quanh năm ngày tháng chẳng còn thời gian để làm một việc gì khác cả. Mà như vậy thì cũng giống như việc “chuồn chuồn đạp nước”, khó có thể tập trung làm tốt được bất kỳ một việc gì. Ngoài ra, đã kiêm nhiệm thì cũng khó tham gia đầy đủ các phiên họp của QH. Điều này giải thích tại sao không ít các phiên họp của QH lại vắng nhiều đại biểu đến thế.

Một tỉ lệ lớn các vị đại biểu QH kiêm chức vụ hành chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của QH. Việc kiêm nhiệm chức vụ hành chính không chỉ làm cho các vị đại biểu bị quá tải, mà còn dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích. Các vị đại biểu kiêm chức vụ hành chính chỉ có 30% thời gian làm đại biểu nhưng 70% thời gian làm quan chức hành chính.

Với tư cách là các quan chức hành chính, phần nhiều các vị đại biểu này là cấp dưới của thủ tướng, phó thủ tướng, các vị bộ trưởng. Đã là cấp dưới thì giám sát cấp trên sẽ rất khó. Lợi ích của các vị đại biểu này xung đột với việc triển khai có hiệu quả chức năng giám sát. Giám sát tốt thì sẽ ít có lợi hơn là không giám sát. Phê phán bộ trưởng thì khó lòng mà được thăng quan tiến chức trong ngành.

Muốn vượt qua sự xung đột lợi ích này, chúng ta cần có một QH chuyên nghiệp. Về cơ bản, đã làm đại biểu thì thôi không làm quan chức hành chính nữa (trừ các chức danh thuộc hành pháp chính trị như thủ tướng, phó thủ tướng và một số bộ trưởng).

“Quôc hội cần vững mạnh hơn về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động. So với mong muốn của nhân dân, nhiệm vụ mà hiến pháp và pháp luật giao, kết quả công việc của QH chưa đáng kể gì!”.

Chủ tịch Quôc hội NGUYỄN VĂN AN

Thách thức thứ hai là tính chất chồng chéo của các mối quan hệ đại diện trong QH.

Nước ta là một trong rất ít nước chia QH ra thành các đoàn đại biểu QH theo đơn vị tỉnh/thành. Việc chia QH ra thành các đoàn đại biểu QH và việc mỗi tỉnh lại còn có một đại biểu chuyên trách đang biến QH nước ta thành một cơ quan đại diện song trùng: vừa đại diện cho cử tri cả nước, vừa đại diện cho các đơn vị hành chính tỉnh. Cách tổ chức cơ quan lập pháp theo cách này có hai rủi ro:

Một là, khi có xung đột lợi ích giữa trung ương và địa phương thì địa phương thường giành phần thắng ở QH (nếu như kỷ luật đảng không áp đặt được). Việc các địa phương đã giành được quyền có đại biểu chuyên trách của mình trong tổng số 25% đại biểu chuyên trách của cả QH cho thấy rất rõ xu thế nói trên.

Hai là, xảy ra xung đột lợi ích khi đại biểu chuyên trách của tỉnh muốn giám sát (chất vấn) các bộ trưởng. Các tỉnh sẽ không cho phép đại biểu của mình làm hỏng quan hệ tốt đẹp của tỉnh với các bộ trưởng vì các dự án của tỉnh có thể bị ảnh hưởng. Việc một số đại biểu chuyên trách của địa phương đã được nhắc nhở vừa qua cho thấy rất rõ hiện tượng này.

Cần sớm chuyển hoạt động QH thành chuyên nghiệp, thường trực, tách đại biểu QH ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, nếu muốn xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ pháp quyền. Việc chuyển đổi sẽ rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, vì vậy cần có lộ trình được xác định. Nhưng trước hết đòi hỏi phải đổi mới tư duy.

TRẦN BẠCH ĐẰNG

Thách thức thứ ba là tính chuyên nghiệp của QH.

Thật ra một đất nước với 82 triệu dân hoàn toàn xứng đáng có được một QH chuyên nghiệp. Thông thường công việc càng khó khăn thì càng đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao. Làm đại biểu QH là một trong những công việc như vậy. Thế nhưng, đa số các vị đại biểu (trên 75%) hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm hay cũng có thể gọi là theo chế độ nghiệp dư. Hoạt động nghiệp dư thì rất khó thạo việc.

Muốn có một QH chuyên nghiệp phải có các vị đại biểu chuyên nghiệp. Và chỉ hoạt động chuyên nghiệp thì các đại biểu mới có đủ thời gian để thực hiện chức năng đại diện. Thật ra không tiếp xúc thường xuyên với cử tri, không tham vấn cử tri về những quyết sách mà QH đang xem xét thì khó có thể phản ánh được lợi ích của cử tri (và cũng rất khó nắm sâu được chính sách). Hiện nay chúng ta đã có gần 25% các đại biểu chuyên trách. Chuyên trách và chuyên nghiệp là hai chuyện khác nhau. Thế nhưng, không chuyên trách thì không có điều kiện thời gian và điều kiện tích lũy kinh nghiệm để trở thành chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở cách thức tổ chức và điều hành công việc của QH. QH là cơ quan hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Tất cả các vị đại biểu đều ngang quyền và có một lá phiếu như nhau. Không biểu quyết thì QH không quyết định được, cũng như không biểu hiện được ý chí của mình. Với một tính chất như vậy, công việc của QH phải được tổ chức theo những nguyên tắc khác hẳn với của các cơ quan hành chính. Cơ bản nhất là công việc QH phải được tổ chức như thế nào để tất cả các vị đại biểu đều có thể thực thi được quyền của mình.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của QH chắc chắn phải đi theo một xu thế chung là bảo đảm tính dân chủ ngày càng cao hơn. Mà như vậy thì năng lực đại diện cho dân là vấn đề cơ bản nhất.

Bốn điều cần đổi mới

1. Trước tiên phải đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với QH, tạo ra một hành lang pháp lý rộng hơn nữa để QH hoạt động. Theo tôi, hiện nay chúng ta thực hiện qui trình ngược. Lẽ ra Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ cần đề ra những định hướng, những chủ trương lớn trong các kỳ họp QH để QH họp trước, bàn bạc cho ra lẽ những vấn đề kinh tế, xã hội… Trên cơ sở đó, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư Đảng có nghị quyết thì phù hợp với lòng dân hơn (hiện nay, Ban chấp hành trung ương có nghị quyết trước rồi mới đưa ra QH).

2. Về tổ chức, đại biểu QH phải là chuyên trách. Trước mắt chưa chuyên trách thì nên tăng cường thành phần trí thức, các nhà hoạt động chính trị, xã hội, cán bộ MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội khác. Giảm bớt thành phần các quan chức như bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

3. Tăng cường bộ máy của QH đủ sức giúp Ủy ban Thường vụ QH, các ủy ban chuyên môn, kể cả việc tăng cường đại biểu QH chuyên trách, đủ sức làm hai nhiệm vụ quan trọng: soạn thảo luật và giám sát việc thi hành pháp luật, đặc biệt là giám sát hoạt động của Chính phủ và các bộ.

4. Cần có phương thức tiếp xúc cử tri thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho cử tri có thể gặp đại biểu lúc cần thiết và nhất là làm sao việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt hiệu quả cao hơn, trả lời cho cử tri biết cụ thể trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết như thế nào.

LÊ HIẾU ĐẰNG (phó chủ tịch MTTQ TP.HCM)

SOURCE: HỘI THẢO “QUỐC HỘI VIỆT NAM  60 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN” – Văn phòng QH tổ chức tại TP.HCM ngày 27-12-2005 – VÕ VĂN KIỆT – Cố Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN

Trích dẫn từ: http://www.tuoitre.com.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)