Những hồi ức như đan xen nhau trên gương mặt ngăm đen đầy góc cạnh của anh: “Kỷ niệm làm tôi xót xa nhất trong đời là khi con gái tôi bị bệnh bạch cầu. Tôi phải “chui” vào tổng kho dược để mua từng ống thuốc đặc trị cho con. Giá thuốc ấy ở nước ngoài đến 50 USD/lọ và con bé phải dùng 2 lọ mỗi tuần. Vợ chồng tôi bán đến những thứ cuối cùng có thể bán được nhưng vẫn không cứu nổi con. Giá một ca mổ ghép tủy ở nước ngoài lúc đó là 40.000 USD – tôi có nằm mơ cũng không thấy. Tôi đã khóc ngày đưa con đi và thề với mình rằng sẽ phải trở thành người thật giàu để không bao giờ rơi vào nỗi bất hạnh như thế…”. Anh Nguyễn Trần Bạt kể lại.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Nền tảng văn hóa
“Tôi nhận ra rất sớm là kiểu gì cũng phải có học vấn và kiên quyết bắt đầu từ việc trang bị kiến thức cho mình”. Cũng thật thẳng thắn khi anh Bạt nói rằng: “Tôi thông minh và hiểu biết hơn nhiều người. Chuyên ngành học chính của tôi là cầu đường – trường đại học xây dựng nhưng 20 tuổi, tôi đã nghiên cứu rất sâu chủ nghĩa Marx và hiểu biết thật sự trong nhiều lĩnh vực kinh tế, triết học, âm nhạc rồi tốt nghiệp cả đại học ngữ văn tại chức…”. Trước câu hỏi của phóng viên: “Anh có nghĩ mình quá tự tin không?” – câu trả lời của anh rất giản dị: “Tôi nghĩ điều đó là bình thường”.
Sinh năm 1946 – tuổi Bính Tuất – quê Hưng Nguyên (Nghệ An), gia đình nội ngoại dòng dõi và giàu có tiếng, bố theo cách mạng sớm nên năm 10 tuổi anh Bạt ra Hà Nội với cha. Vừa đi học vừa bán nước ở ga Hàng Cỏ, dưới đáy giỏ sách là những cuốn sách của Maksim Gorky, Flobe, Dickens, Hecto Malo… “Những năm tháng khó khăn đó lại chính là những năm tháng dạy tôi những bài học đầu tiên, bổ ích từ trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời” – anh Bạt nhấn mạnh. Vào bộ đội, xuất ngũ đi học tiếp rồi lại vào bộ đội trở thành sĩ quan công binh, tham gia thiết kế đường mòn Hồ Chí Minh. Giải phóng miền Nam, anh Bạt ra quân trở về viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải rồi quyền chủ nhiệm bộ môn Nền móng và công trình đại học giao thông vận tải, cục sáng chế… con đường dường như đã rõ cho một người nghiên cứu sâu vào khoa học. Vậy mà, anh lại ngoặt sang kinh doanh các dịch vụ tư vấn.
“Chuyện khá dài – lúc ấy tôi trọ học ở Hải Phòng…” – Anh Bạt hồi tưởng. “Luồng gió đổi mới đã làm thay đổi cả xã Minh Tâm (Kiến Thụy – Hải Phòng) nơi tôi ở. Tôi lúc ấy còn rất trẻ nhưng đã kịp hiểu. Chính tôi đã hô hào phụ huynh học sinh thay vì đóng tiền ăn cho con 5 đồng hàng tháng, góp cho chúng tôi một khoản rồi chính chúng tôi tự nuôi tôm, mua bán tôm cá, tăng gia… bằng số vốn đầu tiên đó. Kết quả là những tháng tiếp sau, chúng tôi đủ sức tự lo cho cuộc sống một cách đàng hoàng, không cần sự đóng góp của bố mẹ nữa… Đó là bước đầu tiên…”.
Một cánh cửa mở ra thế giới
Bắt đầu bằng một công ty tư vấn nhỏ năm 1989, chuyển thành công ty tư nhân năm 1992 và hiện nay, Investconsult Group là công ty tư vấn số 1 của Việt Nam với doanh thu xấp xỉ 3 triệu USD/năm, với 600 dự án đầu tư nước ngoài trên khắp các lĩnh vực từ sản xuất, cơ sở hạ tầng đến dịch vụ và bất động sản. Trên 4.000 nhãn hiệu hàng hóa, gần 600 sáng chế và trên 120 giao dịch chuyển giao công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam đã được công ty tư vấn và đăng ký bảo hộ. Investconsult Group bao gồm một nhóm các công ty tư vấn đầu tư, luật phát triển hệ thống công chúng, dịch vụ, tài chính, quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu tại Việt Nam… với hơn 200 cán bộ công nhân viên.
Khách hàng của Investconsult Group không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà còn là các tổ chức quốc tế. Anh Bạt cho rằng trong thời đại ngày nay không một cá nhân hay quốc gia nào có thể đứng ngoài xu hướng toàn cầu hóa. Và trong quá trình cạnh tranh thì nhu cầu hợp tác lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Cũng chính vì lý do này mà Investconsult Group chủ trương “chuyên nghiệp hóa” và “quốc tế hóa”, thể hiện trên hai khía cạnh: tích cực tham gia các công việc có yếu tố quốc tế và đưa chất lượng dịch vụ lên trình độ quốc tế. Investconsult Group có thể tự hào về mạng lưới khách hàng quốc tế của mình với nhiều tập đoàn có tên tuổi như Coca-Cola, IBM, Nec, Citibank, Deawoo.
Là một trong số ít công ty tư vấn thành lập riêng một viện nghiên cứu. Đó là một trong hai đơn vị ở công ty không hạch toán, anh Bạt cho biết. Con người khôn ngoan là con người ở trên đỉnh cao của thành công cần chuẩn bị cho sự đổi mới. Viện nghiên cứu giúp công ty tìm hiểu các chính sách, các chủ chương phát triển đất nước. Mặt khác, công ty cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vì vậy buộc phải nghiên cứu các vấn đề quốc tế để hiểu được quá trình hội nhập. Thông qua viện nghiên cứu, công ty tổ chức các lớp đào tạo kinh nghiệm thực tế, do các trường đại học không có giáo viên phụ trách bộ môn này. Công ty còn thành lập một trung tâm cung ứng thông tin về hội nhập miễn phí hoặc ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tư duy chính là tồn tại
Anh Bạt cho rằng công việc của mình gần với các nhà chính trị hơn là doanh nhân bởi phải đi nhiều, gặp nhiều. Anh là người thân quen của nhiều vị đại sứ, các tổ chức quốc tế và cũng chịu khó đi hội thảo: “Tôi đã tiếp khoảng 15.000 khách nước ngoài; đối thoại với 1/3 số nghị sĩ Australia, nói chuyện với 600 cử tọa là doanh nhân, trí thức Mỹ…”.
“Khi tôi mới thành lập công ty, có người cho tôi là thằng khùng nhưng tôi phớt lờ. Tôi có cái để bán và rất nhiều người mua thì tại sao không làm – đó là trí khôn. Tôi khai thác những hiểu biết để cảnh báo rủi ro và biến chúng thành dự báo. Nhưng bạn phải hiểu một điều rằng: tư vấn là một đơn vị dịch vụ chỉ bán được khi khoác lên nó một bộ quần áo văn hóa và đặt nó trong một tình huống cụ thể của cuộc sống”.
Thời gian biểu của anh Bạt: Dậy vào 9h sáng, 9h30’ hội ý với lãnh đạo công ty, 10h – 12h suy nghĩ, phân tích và dựng các kịch bản cho sự phân tích đó, 12h ăn cơm với cộng sự, 2h chiều – 7h tối tiếp khách, xử lý các “bi kịch nho nhỏ”, 8h tối ăn cơm và từ 9h – 1h sáng: đọc sách, theo dõi truyền hình, suy nghĩ và gọi điện cho con trai ở London. “Tôi lúc nào cũng suy nghĩ và suy nghĩ. Ngay cả sau một nụ hôn là lúc tôi đã bắt đầu suy nghĩ”, giống như Descartes và triết lý nổi tiếng của ông: “Tôi tư duy chính là tôi tồn tại”.
“Ai cũng chỉ có một cuộc đời – giá như có thể có nhiều hơn để cảm nhận hết cuộc sống! Và cũng chính vì điều này mà tôi sống hết mình…”, – anh Bạt nói với vẻ trầm ngâm. Khi người ta cả thấy mình có ích cho cuộc đời, dường như thời gian bao giờ cũng thiếu. Thời gian với những người như thế bao giờ cũng trôi nhanh hơn.
Nguyễn Trần Bạt – Tổng giám đốc Investconsult Group