Điều 12 LCT: „Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.“ Khi „Nhà nước không cho phép bất kỳ một công ty tư nhân nào cạnh tranh“ thì đó là độc quyền Nhà nước (ĐQNN). Vì vậy khái niệm ĐQNN không phải là khái niệm „để chỉ các công ty có vị trí thống lĩnh hoặc sức mạnh thị trường nhờ các hạn chế về cạnh tranh do Nhà nước tạo ra“.

Doanh nghiệp độc quyền là một trường hợp đặc biệt của doanh nghiệp có vị trí TLTT. Thêm vào đó, độc quyền tự nhiên- độc quyền có được bằng quá trình phát triển, cạnh tranh hợp pháp của doanh nghiệp chứ không phải bằng các biện pháp của Nhà nước- ngày nay hầu như không tồn tại trong thực tiễn kinh doanh (chống hình thành các công ty độc quyền cũng là mục tiêu của Luật chống hạn chế CT), nên EU và Luật chống hạn chế cạnh tranh (CHCCT) của các nước phát triển không còn dùng khái niệm độc quyền, mà chỉ dùng „có vị trí thống lĩnh thị trường“. Do đó thường không có qui định về độc quyền trong luật CHCCT. Độc quyền ngày nay chỉ có thể là ĐQNN, là ngoại lệ đặc biệt và vì vậy nó phải được kiểm soát một cách đặc biệt. Cũng nên phân biệt rõ giữa doanh nghiệp ĐQNN, doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm vốn có quyền chi phối; cũng như lãnh vực do Nhà nước nắm độc quyền. Không thể nói „19 lĩnh vực do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ là những ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước“.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyếngọi:1900.0191

Vừa là doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, doanh nghiệp ĐQNN dĩ nhiên phải tuân thủ Luật CT (bao gồm Luật CHCCT và Luật CCTKLM). Nhưng là một ngoại lệ đặc biệt do NN tạo ra, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp này không lọt vào phạm vi kiểm soát, điều chỉnh của Luật CT. Chẳng hạn:

a) Trong khi lợi nhuận là động lực và mục tiêu được pháp luật bảo vệ của doanh nghiệp, thì điều đó lại không được phép áp dụng cho doanh nghiệp ĐQNN. Nếu các doanh nghiệp khác được quyền cạnh tranh bằng cách thay đổi giá bán để bảo đảm lợi nhuận, thì doanh nghiệp ĐQNN lại không được và cũng không được phép áp dụng LCT để khởi kiện doanh nghiệp khác đã cạnh tranh KLM làm giảm doanh thu của mình; b) Trong một lĩnh vực ĐQNN có thể có nhiều doanh nghiệp ĐQNN hoạt động, mà thị phần của mỗi doanh nghiệp nhỏ hơn 30%, vì vậy chúng không lọt vào tầm ngắm của Luật CHCCT mặc dù đó là những doanh nghiệp độc quyền; c) Mục tiêu hàng đầu của Luật CHCCT là bảo đảm, bảo vệ quyền tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường trước ảnh hưởng của doanh nghiệp có vị trí TLTT, chứ không phải quyền lợi của người tiêu dùng; trong khi mục tiêu của doanh nghiệp ĐQNN là đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Nói một cách khác, nếu doanh nghiệp ĐQNN chỉ chịu sự kiểm soát của Luật CHCCT thôi, thì người tiêu dùng „hết cửa“ khởi kiện…

Vừa là công cụ để NN thực hiện nhiệm vụ hiến định của mình, việc thành lập, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp ĐQNN là hoạt động quản lý NN và vì vậy phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh, kiểm soát của các bộ luật điều chỉnh hoạt động quản lý mọi mặt của NN.

Với mục tiêu đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, hoạt động của doanh nghiệp ĐQNN còn phải được kiểm soát chặt chẽ bởi Luật bảo vệ người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng trong việc kiểm soát doanh nghiệp ĐQNN, vì thế, là mức độ đáp ứng nhu cầu này chứ không phải là tránh các hành vi lạm dụng vị trí TLTT như của bất kỳ một doanh nghiệp khác có vị trí TLTT theo Luật CT.

Ngoài ra, phải có những qui định ngăn ngừa lạm dụng quyền lực NN trong việc thành lập, quản lý các doanh nghiệp ĐQNN, ngăn chặn việc lợi dụng vị trí độc quyền của các doanh nghiệp này cho mục đích các nhân.

Do đó, các nước phát triển đặt doanh nghiệp ĐQNN dưới sự phối hợp kiểm soát chặt chẽ của nhiều bộ luật. Ở CHLB Đức, công ty điện lực ĐQNN là đối tượng điều chỉnh, kiểm soát của Luật chống HCCT (GWB), Luật chống CTKLM (UWG), Luật khởi kiện Hành chính, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật kinh doanh năng lượng (EnWG), Luật sản xuất năng lượng (BbergG), Luật phân phối năng lượng (BimSchG),…và Hiến pháp. Khi tăng giá điện, ngoài việc bị cơ quan chống độc quyền điều tra, công ty điện lực còn bị các đơn kiện: a) của doanh nghiệp với lý do lạm dụng vị trí độc quyền gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho hoạt động cạnh tranh; b) của doanh nghiệp kinh doanh thiết bị sử dụng điện vì làm giảm doanh số;…ngoài ra chính phủ còn có thể bị người tiêu dùng khởi kiện hành chính vì đã đồng ý để công ty điện lực tăng giá. Ở đây, doanh nghiệp ĐQNN được đặt trong vòng kiểm soát của một hệ thống hoàn chỉnh, kết hợp hữu cơ giữa các bộ luật, do đó không cần một đạo luật riêng.

Thực tiễn Việt nam hoàn toàn khác. Tuy có các điều luật, thông tư, nghị định như ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đã dẫn, nhưng việc chính phủ luôn chấp nhận cho doanh nghiệp ĐQNN tăng giá với lý do phù hợp với thị trường thế giới và để bảo đảm lợi nhuận-hay ít nhất là giảm lỗ-cho các doanh nghiệp này, cũng cho thấy ta chưa có một qui định hợp hiến nào khẳng định mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp ĐQNN là phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân,của xã hội. Hội đồng CT vừa qua đã xử tranh chấp giữa Jetstar Pacific và Vinapco (cty độc quyền). Kết quả đã bộc lộ hàng loạt bất hợp lý không thể dung hòa với các bộ luật khác khi vận dụng Luật CT. Chưa hết, khi các doanh nghiệp ĐQNN tăng giá điện, giá xăng, giá nước, người tiêu dùng phải chịu trận mà không hề có cơ hội khởi kiện chính phủ, yêu cầu Tòa hành chính xem xét quyết định cho phép tăng giá bán có hợp pháp, thích hợp và là biện pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ hiến định của NN hay không?

Khác với nhiều bộ luật, Luật CT và Luật Sở hữu Trí tuệ là hai bộ luật phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu, không thể lấy đặc điểm quốc gia để biện minh cho sự khác biệt với quốc tế. Dưới góc độ này, Luật CT của ta còn nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng, nên cho đến nay vẫn chưa thể đi vào thực tiễn. Chẳng hạn: cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (TLTT) gây hạn chế cạnh tranh, nhưng lại không có tiêu chí xác định thế nào là gây hạn chế cạnh tranh; chỉ cấm một số cố định các hành vi được xem là lạm dụng vị trí TLTT; chỉ cấm hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp có vị trí TLTT, trong khi hành vi này phải bị cấm đối với tất cả doanh nghiệp; cấm quảng cáo so sánh, trong khi WTO khuyến khích quảng cáo so sánh; không cấm cạnh tranh gây ngộ nhận, trong khi WTO cấm triệt để cạnh tranh gây ngộ nhận v…v. Hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh (HĐCT), Cục quản lý CT (CQLCT) cũng còn rất nhiều vấn đề. Tạo lập cơ chế, nguồn lực cho các cơ quan này thực thi tốt một bộ Luật còn nhiều khiếm khuyết như vậy sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực hơn.

Để các doanh nghiệp ĐQNN thực sự trở thành công cụ NN bảo đảm được nhu cầu thiết yếu cho người dân, góp phần bảo đảm ổn định xã hội, ta có hai lựa chọn: a) sửa đổi bổ sung ngay Luật CT cho phù hợp tiêu chuẩn quốc tế , đồng thời sửa đổi hàng loạt bộ luật khác để chúng kết hợp được với nhau một cách hữu cơ hơn, hoặc b) ban hành một đạo luật riêng về doanh nghiệp ĐQNN. Lựa chọn b) vừa đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, vừa tốn ít thời gian và công sức nhất. Tuy nhiên về lâu dài vẫn phải theo lựa chọn a).

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – GS. TS. NGUYỄN VÂN NAM

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)