Tránh phát triển “nóng”

Tiêu chí Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 được ban hành làm cơ sở cho các địa phương xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2020 đảm bảo đúng mục tiêu đặt ra.

Theo đó, việc xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải đảm bảo các yêu cầu như: Đánh giá đúng thực trạng tổ chức, hoạt động công chứng, sự phân bố mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng, số lượng, năng lực của các tổ chức hành nghề công chứng, nhu cầu công chứng hiện tại và dự báo nhu cầu công chứng các giai đoạn tiếp theo ở địa phương. Bám sát Tiêu chí Quy hoạch để vận dụng cụ thể vào điều kiện, hoàn cảnh của địa phương; kết hợp đầy đủ, hài hòa, hợp lý tất cả các tiêu chí quy hoạch khi xây dựng quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu việc quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng phải hình thành được “bản đồ” mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về số lượng quy hoạch, vị trí quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng gắn với lộ trình phát triển cụ thể, tránh việc phát triển “nóng” các tổ chức hành nghề công chứng cũng như kìm hãm sự phát triển hợp lý của các tổ chức hành nghề công chứng; phát triển đồng bộ về số lượng và chất lượng dịch vụ của các tổ chức hành nghề công chứng.

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số:  – 1900.0191

Đề xuất quy hoạch trước ngày 15/4/2011

Cũng theo Tiêu chí Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020, Nhà nước sẽ lấy đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) làm đơn vị quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, việc xác định số lượng các tổ chức hành nghề công chứng quy hoạch trên một địa bàn cấp huyện từ nay đến năm 2020 phải căn cứ vào một số nguyên tắc cụ thể, gồm: Quy hoạch ít nhất 1 tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện; Quy hoạch tối đa không quá 2 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng trung bình (dưới 6.000 hợp đồng, giao dịch/năm); Quy hoạch tối đa không quá 4 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng cao (từ 6.000 đến dưới 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm); Quy hoạch tối đa không quá 5 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng rất cao (trên 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm).

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc Quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một đơn vị quy hoạch phải gắn với lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011 – 2015 và Giai đoạn 2016 – 2020, bảo đảm sự phát triển phù hợp trong từng năm, từng giai đoạn, không quy hoạch phát triển quá 02 tổ chức hành nghề công chứng trên một đơn vị quy hoạch trong một năm.

Căn cứ vào Tiêu chí Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 và yêu cầu đối với việc xây dựng Quy hoạch, thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh và đề xuất Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị có liên quan có trách nhiệm hoàn thành và gửi đề xuất Quy hoạch về Bộ Tư pháp trước ngày 15/4/2011.

Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan thẩm định các đề xuất Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tham khảo:Quyết định số 240/QĐ-TTg

Giang Nam

Nguồn: http://moj.gov.vn

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)