Quận 1 là quận trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh, có tốc độ phát triển kinh tế cao so với các quận huyện khác; là nơi tập trung nhiều khu thương mại dịch vụ, khu dân cư đông đúc; hàng ngày, hàng giờ phát sinh nhiều quan hệ giao dịch dân sự, thương mại, hành chính cần phải được giải quyết kịp thời. Do đó, để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn, cần phải có VBQPPL để điều chỉnh.
Ban hành VBQPPL là một công tác trọng yếu. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, lãnh đạo cơ quan UBND quận 1 luôn sâu sát, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn soạn thảo các VBQPPL phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn quận. Đặc biệt, từ khi Quốc hội thông qua Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 quy định chi tiết thi hành Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND; UBND thành phố ban hành Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05/02/2007 ban hành quy định về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của UBND các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh, công tác xây dựng và ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương nói chung và của UBND quận 1 nói riêng đã có những bước chuyển biến đáng kể, cả về số lượng và chất lượng. Các VBQPPL được ban hành chủ yếu là chỉ thị và quyết định (năm 2004, ban hành 04 chỉ thị mang tính quy phạm, năm 2005 ban hành 07 chỉ thị, năm 2006 ban hành 03 chỉ thị và 05 quyết định, năm 2007 ban hành 04 chỉ thị và 02 quyết định, năm 2008 ban hành 02 chỉ thị và 04 quyết định, năm 2009 ban hành 02 chỉ thị và 03 quyết định).
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Nhìn chung, công tác xây dựng và ban hành VBQPPL trong những năm qua tại UBND quận 1 được thực hiện tương đối nghiêm túc, tuân thủ quy trình ban hành VBQPPL do luật định. Đa số các VBQPPL của quận trước khi ban hành đều có gửi Dự thảo cho các đơn vị liên quan để lấy ý kiến, các đơn vị được lấy ý kiến hầu hết đều tích cực đóng góp ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị liên quan, đơn vị soạn thảo tiếp thu và tổng hợp ý kiến đóng góp. Đồng thời, các bản Dự thảo đều được Phòng Tư pháp quận thẩm định trước khi trình UBND quận thông qua. Do đó, các VBQPPL của quận khi ban hành đều đảm bảo về hình thức, nội dung, căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền và có tính khả thi. Các văn bản này đã có tác động nhất định đối với tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn quận, phục vụ tốt nhiệm vụ trọng tâm của quận, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố như duy trì trật tự trị an trong các dịp lễ Tết, chăm lo cho các gia đình chính sách, tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em trên địa bàn quận, thực hiện tốt công tác tuyển quân, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc quản lý môi trường và vệ sinh đô thị trên địa bàn quận…
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác xây dựng và ban hành VBQPPL của quận còn một số hạn chế. Qua thống kê số lượng VBQPPL do UBND quận 1 ban hành từ năm 2004 đến năm 2009 cho thấy, mỗi năm số lượng VBQPPL do quận ban hành không nhiều, nội dung chủ yếu là mang tính chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Chẳng hạn như Chỉ thị về tổ chức đón Tết nguyên đán, Chỉ thị về công tác tuyển quân và xây dựng lực lượng dự bị động viên, Quyết định ban hành Quy chế của các phòng ban thuộc UBND quận… Cá biệt, còn có văn bản quy phạm hầu như lặp lại quy định của thành phố như Quyết định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn quận. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên việc đóng góp ý kiến của một số đơn vị được lấy ý kiến chưa đảm bảo đúng thời gian và chất lượng ý kiến đóng góp còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng ban hành văn bản. Trong một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo còn không tiếp thu ý kiến thẩm định; không giải trình khi cơ quan thẩm định yêu cầu. Còn có trường hợp, cán bộ làm công tác soạn thảo văn bản chưa phân biệt được hình thức văn bản nên có những văn bản thực chất là văn bản cá biệt nhưng lại soạn thảo theo hình thức VBQPPL. Trình tự thông qua VBQPPL đôi khi chưa được thực hiện đúng quy định. Các hạn chế này xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, tính chất, vị trí của UBND quận, huyện trong hệ thống hành chính chỉ là các cơ quan chấp hành và thừa hành, chủ yếu tổ chức triển khai thực hiện các VBQPPL của cấp trên, nên ít đặt ra “các quy tắc xử sự chung” trong phạm vi địa phương. Vì vậy, một số văn bản của địa phương thường được ban hành dưới dạng sao chép lại các quy định của cấp trên, gây lãng phí rất nhiều về thời gian, chi phí hành chính và làm chậm thời gian có hiệu lực của VBQPPL do cơ quan trung ương ban hành ở địa phương.
Thứ hai, theo quy định của Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP, việc tổ chức lấy ý kiến và thẩm định là một khâu bắt buộc trong quy trình ban hành VBQPPL ở địa phương. Tuy nhiên, quy định của pháp luật cũng chỉ dừng ở đó mà không có quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, dẫn đến tình trạng văn bản thẩm định chỉ được coi như một kênh ý kiến để cơ quan soạn thảo tham khảo, còn các cơ quan tổ chức được lấy ý kiến đôi khi chỉ góp ý mang tính hình thức hoặc không góp ý, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng của VBQPPL.
Thứ ba, mặc dù Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP đã có quy định về khái niệm và các tiêu chí để phân biệt “văn bản quy phạm pháp luật” nhưng trong thực tiễn, nội hàm khái niệm này chưa được thống nhất, bởi chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định đâu là “quy tắc xử sự chung”. Điều đó dẫn đến việc nhận thức để phân định văn bản có phải là VBQPPL hay không trong nhiều trường hợp là không thống nhất.
Theo quy định hiện hành, UBND quận, huyện được ban hành VBQPPL dưới hình thức quyết định và chỉ thị. Tuy nhiên, trong thực tế, các văn bản được ban hành dưới hình thức chỉ thị thường chỉ được dùng để đôn đốc hay tăng cường những mặt công tác cụ thể. Do đó, việc xác định các chỉ thị này là VBQPPL hay không rất khó. Hoặc việc xác định các quyết định ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện hiện nay là văn bản quy phạm hay cá biệt đang là vấn đề được tranh cãi nhiều về mặt lý luận và thực tiễn do tiêu chí phân biệt của loại quyết định này không rõ ràng.
Thứ tư, theo quy định hiện hành, UBND phải tổ chức phiên họp để thông qua VBQPPL. Tuy nhiên trên thực tế, do những lý do khác nhau, các cơ quan hành chính thường xuyên phải giải quyết các sự việc cụ thể, các thành viên Ủy ban đa số là kiêm nhiệm nên việc triệu tập cuộc họp để thông qua VBQPPL là rất khó thực hiện.
Để khắc phục những vướng mắc bất cập nêu trên, Phòng Tư pháp quận 1 đã kiến nghị một số giải pháp. Cụ thể:
Một là, khi nghiên cứu sửa đổi Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND, cần xác định lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của UBND các cấp. Thẩm quyền ban hành VBQPPL chỉ nên quy định đến UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn cấp huyện, cấp xã chỉ là cấp tổ chức thực hiện nên không cần thiết phải ban hành VBQPPL mà chỉ cần ban hành các Quyết định hành chính cá biệt hoặc văn bản hành chính thông thường để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.
Trường hợp phải giữ nguyên thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cả ba cấp chính quyền địa phương như hiện nay, đề nghị quy định rõ hình thức của VBQPPL mà UBND được ban hành, các tiêu chí để phân định VBQPPL với văn bản cá biệt. Theo đó, UBND chỉ được ban hành văn bản quy phạm dưới hình thức Quyết định, loại bỏ chỉ thị ra khỏi hình thức VBQPPL của UBND.
Hai là, cần quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến và trách nhiệm tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo để đảm bảo chất lượng của VBQPPL khi được ban hành. Hiện nay, các nội dung này thường chỉ được quy định trong các Chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường công tác xây dựng VBQPPL của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật nên việc áp dụng trong thực tế đôi khi chưa nghiêm và thiếu biện pháp chế tài để xử lý.
Ba là, thủ tục thông qua VBQPPL của UBND cần được quy định linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Theo quy định, UBND phải tổ chức phiên họp để thông qua VBQPPL. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, UBND thường tổ chức thông qua VBQPPL bằng các hình thức khác nhau như: tổ chức phiên họp; gửi phiếu lấy ý kiến; lãnh đạo UBND ký trực tiếp. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về hình thức thông qua theo hướng các VBQPPL có thể được thông qua theo hai hình thức: tổ chức phiên họp (đối với các VBQPPL phức tạp, có phạm vi tác động rộng) và gửi phiếu lấy ý kiến thành viên UBND (đối với các VBQPPL còn lại)./.
Châu Vĩ Tuấn – Phòng Tư pháp Quận 1 TP. Hồ Chí Minh
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)