1. Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật

Theo Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015 đã quy định cụ thể về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”.

Khoản 1 Điều 3 giải thích “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.

Theo định nghĩa trên thì dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để nhận biết một văn bản quy phạm pháp luật là văn bản đó có chứa đựng “quy phạm pháp luật” hay không? xác định yếu tố “chứa đựng quy phạm pháp luật” là công việc đầu tiên cần được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Nếu văn bản cần ban hành có chứa “quy phạm pháp luật” thì việc soạn thảo, ban hành văn bản đó phải tuân theo trình tự, thủ tục của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngược lại, nếu không chứa quy phạm pháp luật thì việc soạn thảo và ban hành văn bản đó không phải tuân theo trình tự, thủ tục soạn thảo của văn bản quy phạm pháp luật. Cần lưu ý “chứa đựng quy phạm pháp luật” được hiểu là ngay cả khi văn bản đó chỉ chứa duy nhất một quy phạm pháp luật.

Như vậy, từ ý kiến nêu trên thì chúng ta có thể rút ra khái niệm và cũng là đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật như sau:

  • Văn bản phải chứa quy phạm pháp luật, quy tắc xử sự chung và điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội;
  • Do cơ quan Nhà nuớc ban hành hoặc phối hợp ban hành;
  • Được soạn thảo và ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục do luật định;
  • Có hiệu lực bắt buộc, được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

2. Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật theo tài liệu khác nhau ở Việt Nam

Văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nguồn luật chủ yếu của Nhà nước. Tuy nhiên, trong các tài liệu giảng dạy của các cơ sở đào tạo luật và trong các văn bản luật đã ban hành lại có sự không thống nhất trong việc xác định thế nào là văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể dưới đây chúng tôi sẽ trích dẫn các khái niệm văn bản pháp luật của các tài liệu khác nhau như sau:

– Theo Giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa đựng các quy tắc xử sự chung, do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức luật định, được Nhà nước bảo đảm thực hiện và được sử dụng nhiều lần trong cuộc sống”.
– Theo Giáo trình của Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội: “Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện các quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc các cá nhân, tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền) ban hành theo những trình tự, thủ tục pháp lý nhất định, trong đó quy định những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với tất cả các chủ thể pháp luật, được áp dụng nhiều lần trong đời sống”.
– Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của năm 1996 thì xác định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
– Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của năm 2004 xác định: “văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là văn bản do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục do Luật này quy định, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực trong phạm vi địa phương, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội ở địa phương theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”.
– Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của năm 2008 xác định như sau: “văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhànước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội”.

3. Bàn luận về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật

Như vậy, đã không có sự thống nhất khi xác định văn bản quy phạm pháp luật trong các tài liệu giảng dạy và trong các văn bản luật của Nhà nước ta. Tuy vậy, trong tất cả các định nghĩa nói trên về văn bản quy phạm pháp luật đều có sự thống nhất ở những điểm cơ bản, cụ thể:

– Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành;

– Thứ hai, có quy tắc xử sự chung.
Còn lại trong mỗi định nghĩa về văn bản quy phạm pháp luật mà chúng tôi vừa nêu ở mục 2 lại đưa vào những dấu hiệu phụ khác nhau như “có tính bắt buộc chung” hay “có hiệu lực bắt buộc chung”; “theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này…”; “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”; “để điều chỉnh quan hệ xã hội”; “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; “được áp dụng” hay “sử dụng nhiều lần trong đời sống”…

4. Những bất cập còn tồn tại trong khái niệm văn bản quy phạm pháp luật

Với việc thêm hoặc không thêm những dấu hiệu phụ mà ta vừa phân tích ở mục 2 và mục 3 như trên, dẫn đến những bất cập còn tồn tại như sau:

– Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật nếu không có dấu hiệu “được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống” thì chưa thật đầy đủ, vì văn bản quy phạm pháp luật có (chứa) quy phạm pháp luật mà quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống. Do vậy, cần phải có dấu hiệu “được thực hiện nhiều lần”, cũng không nên dùng thuật ngữ “áp dụng” hoặc “sử dụng” nhiều lần vì văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện ở nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ là sử dụng hoặc áp dụng.

– Thứ hai, dấu hiệu “có tính bắt buộc chung” hay “hiệu lực bắt buộc chung” được quy định như vậy có thể dẫn đến sự hiểu nhầm. Bởi văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành lại không được Luật quy định “có hiệu lực bắt buộc chung” mà lại quy định là “có hiệu lực trong phạm vi địa phương”. Những quy định trên có thể hiểu là: văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung tức là có hiệu lực trên phạm vi cả nước, còn văn bản của cơ quan địa phương có hiệu lực bắt buộc trong phạm vi địa phương. Cách hiểu về “tính bắt buộc chung” như vậy là không đúng. Chưa kể văn bản của các cơ quan trung ương ban hành nhiều khi cũng chỉ có hiệu lực thực hiện trên phạm vi một phần lãnh thổ của đất nước. Hiệu lực của văn bản đã có những quy định riêng trong từng Luật, do vậy, không nên đưa dấu hiệu này vào định nghĩa văn bản. Hơn nữa, hiệu lực của văn bản đâu chỉ có giới hạn về không gian mà còn cả về thời gian và về đối tượng tác động, do vậy, không nên quy định “có hiệu lực trong phạm vi địa phương”.
– Thứ ba, quy định: “nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghãi” hay “để điều chỉnh quan hệ xã hội” cũng chưa phù hợp. Bởi việc thêm cụm từ “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì quá trừu tượng, rất khó xác định được văn bản quy phạm pháp luật nào là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, văn bản nào là không theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn nếu chỉ quy định là “để điều chỉnh quan hệ xã hội” thì chưa thể hiện được mục đích thực sự của văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, nên quy định: “để điều chỉnh quan hệ xã hội vì lợi ích cộng đồng” thì phù hợp với mọi văn bản quy phạm pháp luật.
– Thứ tư, việc quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành “theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này…” sẽ dẫn đến tình trạng đối với những văn bản quy phạm pháp luật không được “Luật này” quy định thì ban hành như thế nào? Bởi cũng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn thống kê hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Điều này được hiểu là chỉ những văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành có tên trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn những văn bản khác thì không phải. Với những quy định như vậy về văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cho thấy còn nhiều văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có chứa quy phạm pháp luật đã không được quy định trong các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, điều lệ, quy chế làm việc, quy chế tổ chức và hoạt động của một số cơ quan, tổ chức nhà nước… Những văn bản này được ban hành đúng thẩm quyền, có chứa quy phạm pháp luật (quy tắc xử sự chung, được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống), nhưng không có tên và không ban hành đúng “hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” (thực ra thì các Luật trên đã không quy định về chúng) nên Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 cho rằng chúng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vậy chúng là văn bản gì?
Cũng trong Khoản 2 Điều 1 Luật trên còn quy định: “Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”. Với quy định này có thể hiểu rằng, những văn bản do cơ quan nhà nước ban hành không đúng thẩm quyền, không đúng hình thức, không đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một sự phủ định “quá đáng”, bởi trong thực tế có rất nhiều văn bản được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có chứa quy phạm pháp luật, song ở mức độ nào đó chưa đúng về trình tự, thủ tục hay một nội dung nào đấy nhưng vẫn được tôn trọng và thực hiện, song lại bị Luật cho là “không phải là văn bản quy phạm pháp luật”. Chưa kể là nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có sai phạm nhưng không phải khi nào cũng phát hiện được ngay mà sau một thời gian khá dài mới phát hiện được. Như vậy, nếu chưa phát hiện ra sai phạm thì nó (văn bản) là văn bản quy phạm pháp luật, còn kể từ khi phát hiện ra sai phạm thì nó không còn là văn bản quy phạm pháp luật nữa?
Về thẩm quyền ban hành của các cơ quan nhà nước còn được quy định bởi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Do vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hạn chế thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan nhà nước là không phù hợp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật muốn quy định rõ những văn bản được coi là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ nửa vời, không triệt để. Chẳng hạn, đối với các văn bản của Chính phủ thì chỉ Nghị định mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn Nghị quyết thì không, tương tự như vậy, đối với văn bản của các Bộ thì chỉ có Thông tư của Bộ trưởng mới là văn bản quy phạm pháp luật còn Quyết định và Chỉ thị thì không, nhưng một số loại văn bản như Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước được Luật quy định là văn bản quy phạm pháp luật, song các cơ quan này vẫn buộc phải ban hành những văn bản có tên trên vừa dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, vừa dưới dạng văn bản áp dụng pháp luật, nghĩa là, nếu Nghị quyết hay Lệnh, Quyết định nào có chứa quy phạm pháp luật thì là văn bản quy phạm pháp luật, còn nếu không thì có thể là văn bản cá biệt, văn bản áp dụng pháp luật…

5. Kết thúc vấn đề

Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rất chặt chẽ về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, hình thức (tên văn bản quy phạm pháp luật) các văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành chúng.

Những quy định đó đã làm cho việc nhận thức về văn bản quy phạm pháp luật , thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam chính xác, chặt chẽ và có cơ sở pháp lý hơn.

Tuy vậy, chính những quy định quá chặt chẽ và có phần máy móc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay đã làm cho những người hoạt động lý luận cũng như thực tiễn lúng túng trong việc nhận thức và lý giải về những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).