Hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng, ở những khu vực bị ảnh hưởng hầu như bị ngưng trệ hoàn toàn trong thời gian xảy ra động đất và sóng thần và tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến khi các doanh nghiệp này có thể khắc phục hậu quả và hoạt động trở lại.
Việc bị gián đoạn hoạt động kinh doanh do động đất và sóng thần là sự kiện vượt quá khả năng kiểm soát của các ngân hàng, do vậy, được xem là sự kiện bất khả kháng. Vậy, các ngân hàng bị gián đoạn hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của động đất và sóng thần có được miễn trách nhiệm thanh toán đối với L/C đã hết thời hạn hiệu lực trong thời gian bị gián đoạn này hay không? Trong bài viết nhân sự kiện kinh hoàng này, người viết xin bàn về điều kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 36 của UCP 600. Điều 36 UCP 600 quy định về điều kiện bất khả kháng như thế nào?
Điều 36 UCP 600 quy định về điều kiện bất khả kháng như sau:
“Ngân hàng không chịu trách nhiệm hoặc có nghĩa vụ đối với các hậu quả phát sinh từ việc hoạt động kinh doanh của mình bị gián đoạn do thiên tai, nổi loạn, dân biến, nổi dậy, chiến tranh, khủng bố, hoặc do đình công hoặc đóng cửa doanh nghiệp hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác vượt quá sự kiểm soát của ngân hàng. Khi bắt đầu hoạt động trở lại, ngân hàng sẽ không thanh toán hoặc chiết khấu L/C đã hết thời hạn hiệu lực trong thời gian ngân hàng bị gián đoạn kinh doanh”. (A bank assumes no liability or responsibility for the consequences arising out of the interuption of its business by Acts of God, riots, civil commonitions, insurrections, wars, acts of terrorism, or by any strikes or lockouts or any other causes beyond its control. A bank will not, upon resumption of its business, honour or negotiate under a credit that expired during such interuption of its business).
.
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Trong bối cảnh giả định nhiều ngân hàng Nhật Bản ngừng hoạt động do bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần, rõ ràng với quy định như trên, người thụ hưởng L/C có lý do chính đáng để lo lắng rằng ngân hàng có thể viện dẫn quy định tại Điều 36 UCP 600 để từ chối thanh toán L/C nếu như thời hạn hiệu lực L/C rơi vào thời điểm ngân hàng ngừng hoạt động và người thụ hưởng không thể xuất trình chứng từ đến được ngân hàng trong thời hạn hiệu lực quy định. Tương tự, ngân hàng được chỉ định đã thanh toán hoặc chiết khấu L/C cũng có lý do để lo lắng về việc ngân hàng phát hành có thể viện dẫn quy định tại Điều 36 UCP 600 để từ chối hoàn trả tiền. Điều 36 UCP 600 có luôn luôn đúng trong mọi tình huống? Câu trả lời ngay là không. Ngân hàng có thể được miễn trừ trách nhiệm thanh toán hoặc chiết khấu L/C đã hết hiệu lực trong thời gian ngân hàng đó bị gián đoạn kinh doanh theo Điều 36 UCP 600 hay không còn tùy thuộc quy định của L/C. Người viết bài này xin đưa ra một số tình huống giả định khác nhau và phân tích để thấy rằng không phải trường hợp nào ngân hàng cũng được miễn trừ trách nhiệm nghĩa vụ thanh toán hoặc chiết khấu L/C khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó bị gián đoạn do bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng như thiên tai, nổi loạn, dân biến, nổi dậy, chiến tranh, khủng bố…
Tình huống giả định chung
Theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, Bank I (Sendai, Nhật Bản) phát hành L/C xác nhận cho người thụ hưởng là Bên B (Việt Nam). L/C quy định chứng từ xuất trình thanh toán tại Bank C bằng hình thức trả ngay (available with Bank C by payment). Ngày và nơi chấm dứt hiệu lực (Date and Place of Expiry): 15/3/2011, Việt Nam.
L/C đã được Bank C (Việt Nam) xác nhận và thông báo cho Bên B. Bên B đã thực hiện giao hàng vào ngày 8/3/2011, tức là 2 ngày trước khi động đất xảy ra (11/3/2011) và xuất trình chứng từ cho Bank C để thanh toán vào ngày 12/3/2011.
Tình huống (1)
Giả định rằng chứng từ xuất trình hoàn toàn phù hợp với các điều kiện và điều khoản L/C, nhưng qua thông tin thu thập được, Bank C biết chắc rằng Bank I đã ngừng hoạt động do bị ảnh hưởng của trận động đất, Bank C có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối thanh toán cho Bên B?
Tình huống (2)
Giả định rằng Bank C đã thanh toán cho Bên B và gửi chứng từ cho Bank I bằng dịch vụ chuyển phát nhanh DHL nhưng 10 ngày sau, DHL trả lại chứng từ cho Bank C với lý do không thể chuyển chứng từ đến Bank I do thành phố Sendai (Nhật Bản) bị động đất và sóng thần.
Vậy, khi hoạt động trở lại và nhận được chứng từ do Bank C xuất trình lại nhưng sau thời hạn hiệu lực L/C, Bank I có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối hoàn trả tiền cho Bank C?
Tình huống (3)
Giả định rằng Bank C đã trả tiền cho Bên B và gửi chứng từ cho Bank I bằng dịch vụ chuyển phát nhanh DHL nhưng 10 ngày sau, DHL thông báo cho Bank C biết rằng do bị ảnh hưởng của động đất và sóng thần, chứng từ gửi đến Bank I đã bị thất lạc trên đường đi. Vậy, khi hoạt động trở lại và nhận được yêu cầu hoàn trả, Bank I có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối hoàn trả tiền cho Bank C?
Tình huống (4)
Giả định rằng Bank C không đồng ý xác nhận L/C, do vậy, Bank I tu chỉnh L/C quy định chứng từ xuất trình thanh toán tại quầy của Bank I (thay vì tại Bank C) bằng hình thức trả ngay (available with Bank I by payment); ngày và nơi chấm dứt hiệu lực được sửa đổi lại: 15/3/2011, Nhật Bản (thay vì Việt Nam). Bank C thông báo L/C (không có xác nhận) cũng như sửa đổi L/C và Bank C chấp nhận sửa đổi L/C.
Bên B xuất trình chứng từ tại Bank C và Bank C chuyển tiếp chứng từ cho Bank I bằng dịch vụ chuyển phát nhanh DHL nhưng sau đó, DHL gửi trả lại với lý do không thể chuyển chứng từ đến Bank I do động đất và sóng thần đang xảy ra ở Sendai. Vậy, khi hoạt động trở lại và nhận được chứng từ xuất trình lại nhưng
sau thời hạn hiệu lực L/C, Bank I có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối thanh toán cho Bên B?
Tình huống (5)
Giả định rằng động đất và sóng thần xảy ra ở Việt Nam và Bank C (ngân hàng xác nhận) ngừng hoạt động, do vậy, Bên B không thể xuất trình chứng từ cho Bank C trong thời hạn hiệu lực L/C. Vậy, khi Bank C hoạt động trở lại và nhận được chứng từ do Bên B xuất trình nhưng sau thời hạn hiệu lực L/C, Bank C có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối thanh toán cho Bên B?
Có giải pháp nào để Bên B được thanh toán trong tình huống này?
Phân tích và kết luận
Với tình huống (1), Bank C không thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối thanh toán cho Bên B bởi sự kiện bất khả kháng không xảy ra ở Việt Nam – nơi L/C quy định thời hạn chấm dứt hiệu lực xuất trình. Việc người thụ hưởng yêu cầu L/C xác nhận là nhằm mục đích phòng tránh rủi ro không được thanh toán từ phía ngân hàng phát hành cũng như rủi ro liên quan đến quốc gia của ngân hàng phát hành L/C. Theo Điều 8 (a) UCP 600, miễn là các chứng từ quy định được xuất trình cho ngân hàng xác nhận hoặc cho bất kỳ ngân hàng được chỉ định khác và chúng cấu thành một một sự xuất trình phù hợp, thì ngân hàng xác nhận phải có nghĩa vụ thanh toán. Chứng từ được Bên B xuất trình trong thời hạn hiệu lực và phù hợp với các điều kiện và điều khoản của L/C, do vậy, Bank C phải thanh toán cho Bên B bất kể Bank C có được Bank I hoàn trả hay không.
Bank C có thể gặp rủi ro (không được Bank I hoàn trả) nếu như Bank I “biến mất” sau sự kiện động đất và sóng thần.
Với tình huống (2) và (3), Bank I không thể vận dụng Điều 36 UCP 600 để từ chối thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền cho Bank C bởi L/C quy định thời hạn chấm dứt hiệu lực tại ngân hàng xác nhận (Bank C), bộ chứng từ phù hợp đã được xuất trình cho Bank C và đã được Bank C thanh toán. Khi hoạt động trở lại, Bank I vẫn phải thực hiện hoàn trả tiền cho Bank C khi nhận được chứng từ (Điều 7(c) UCP 600) hoặc ngay cả khi không nhận được chứng từ do chúng đã bị thất lạc trên đường đi (Điều 35 UCP 600). Liên quan đến quy định về trường hợp chứng từ thất lạc trên đường đi (documents lost in transit), Điều 35 UCP 600 quy định rõ như sau:
“Nếu ngân hàng được chỉ định xác định rằng chứng từ xuất trình phù hợp và gửi chứng từ đến ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận, cho dù ngân hàng được chỉ định đã thanh toán hoặc chiết khấu hay không, ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận cũng phải thanh toán hoặc chiết khấu, hoặc hoàn trả cho ngân hàng được chỉ định, ngay cả khi chứng từ bị thất lạc trên đường đi giữa ngân hàng được chỉ định và ngân hàng phát hành, hoặc giữa ngân hàng xác nhận và ngân hàng phát hành”. (If a nominated bank determines that a presentation is complying and forwards the documents to the issuing bank or confirming bank, whether or
not the nominated bank has honoured or negotiated, an issuing bank or confirming bank must honour or negotiate, or reimburse that nominated bank, even when the documents have been lost in transit between the nominated bank and the issuing bank or confirming bank, or between the confirming bank and the issuing bank).
Với tình huống (4), L/C quy định thanh toán tại quầy của Bank I bằng hình thức trả ngay và ngày và nơi chấm dứt hiệu lực xuất trình là tại Nhật Bản (nơi xảy ra động đất và sóng thần), do vậy, khi hoạt động trở lại, Bank I có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán L/C.
Với tình huống (5), L/C quy định thanh toán tại Bank C bằng hình thức trả ngay và ngày và nơi chấm dứt hiệu lực xuất trình là tại Việt Nam (nơi xảy ra động đất và sóng thần), do vậy, Bank C hoàn toàn có thể viện dẫn Điều 36 UCP 600 để từ chối thanh toán cho Bên B. Vậy thì giải pháp nào có thể giúp Bên B được trả tiền trong bối cảnh động đất xảy ra ở Việt Nam nơi mà Bank C (ngân hàng xác nhận) ngừng hoạt động?
Điều 6 (a) UCP 600 cho phép người thụ hưởng xuất trình chứng từ trực tiếp cho ngân hàng phát hành mà không cần phải qua ngân hàng được chỉ định (a credit available with a nominated bank is also available with the issuing bank). Nếu động đất và sóng thần xảy ra ở Việt Nam ngăn cản Bên B xuất trình chứng từ cho Bank C trong thời gian hiệu lực L/C, Bên B có thể, bằng cách nào đó nhanh nhất, xuất trình chứng từ trực tiếp đến Bank I để được thanh toán miễn là chứng từ xuất trình phù hợp và trong thời hạn hiệu lực của L/C.
Qua phân tích và kết luận các tình huống nêu trên có thể thấy điểm mấu chốt quyết định ngân hàng xác nhận hoặc ngân hàng phát hành có được miễn trừ trách nhiệm thanh toán L/C đã hết hiệu lực trong thời gian ngân hàng đó bị gián đoạn hoạt động kinh doanh vì sự kiện bất khả kháng hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của L/C (thời hạn và nơi chấm dứt hiệu lực L/C, ngân hàng thanh toán…) cũng như phụ thuộc vào nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tóm lại, nếu L/C quy định chứng từ thanh toán tại một ngân hàng mà hoạt động kinh doanh ngân hàng đó bị gián đoạn do bị ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng, thì phù hợp với Điều 36 UCP 600, ngân hàng đó được miễn trách nhiệm thanh toán hoặc chiết khấu L/C đã hết thời hạn hiệu lực trong thời gian bị gián đoạn kinh doanh của ngân hàng đó.
Thế giới không phải lúc nào cũng bình yên. Năm 2010, xảy ra vụ tro bụi Iceland làm ảnh hưởng đến việc giao thông hàng không của cả châu Âu, rồi bạo động đang leo thang tại Libya và nay là động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản. Những sự kiện này chắc chắn ảnh hưởng đến việc thanh toán quốc tế nói chung và thanh toán bằng L/C nói riêng. Trong bài viết này, người viết cố gắng đưa ra những tình huống giả định để phân tích nhằm làm sáng tỏ điều kiện bất khả kháng quy định tại Điều 36 UCP 600 với mong muốn giúp những nhà kinh doanh xuất nhập khẩu, những người thực hành L/C hiểu thêm về vấn đề này để có thể vận dụng tốt trong hoạt động mua bán quốc tế của mình.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 9/2011 – NGUYỄN HỮU ĐỨC – VIETCOMBANK Đà Nẵng
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
————————————————–
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;