Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Hiến pháp năm 2013
– Luật doanh nghiệp năm 2020
– Nghị định số 47/2021/NĐ-CP
2. Doanh nghiệp xã hội là gì?
Theo Mạng lưới nghiên cứu châu Âu về các vấn đề của khu vực thứ ba (EMES) định nghĩa: Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là “các tổ chức với mục tiêu rõ ràng là mang lại ích lợi cho cộng đồng, được sáng lập bởi một nhóm các công dân và mức độ quan tâm đến lợi nhuận vật chất của các nhà đầu tư là không nhiều. Các tổ chức này đề cao sự độc lập và mức độ rủi ro về kinh tế với các hoạt động kinh tế – xã hội đang diễn ra”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát triển định nghĩa riêng của mình về doanh nghiệp xã hội, dựa trên sự đa dạng của các DNXH tại các nước thành viên của mình: doanh nghiệp xã hội là các tổ chức theo những hình thức pháp lý khác nhau trong các quốc gia thuộc OECD để theo đuổi các mục tiêu kinh tế và xã hội với một tinh thần kinh doanh cùng 9 tiêu chuẩn xã hội và kinh tế (4 tiêu chuẩn kinh tế: trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hoặc bán các sản phẩm dịch vụ, đạt được một cấp độ tự chủ cao trong việc ra quyết định, thuê mướn một số lượng người làm thuê nhất định, chấp nhận rủi ro kinh tế; 5 tiêu chuẩn xã hội: liên quan đến một cộng đồng hay một nhóm người đang cần giúp, việc ra quyết định không dựa trên sở hữu về vốn, phân chia lợi nhuận có giới hạn, quản lý theo mô hình có sự tham dự của các thành viên, quảng bá trách nhiệm xã hội trong cộng đồng).
Ở Việt Nam, DNXH là một khái niệm mới được luật hóa, quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp xã hội được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường”.
Về thủ tục thành lập, DNXH được thành lập theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp như Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty Cổ phần,… theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.Doanh nghiệp thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của mình cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp thực hiện cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
3. Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp xã hội
Thứ nhất, trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội thông qua hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ những người gặp khó khăn bằng cách tuyển dụng họ vào làm việc cho doanh nghiệp.
Thứ hai, tạo nguồn thu đáng kể từ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, giống với các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, nhưng mục đích là để bù đắp chi phí và hướng tới các giá trị xã hội chứ không vì tối đa hóa lợi nhuận.
Thứ ba, đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu, lấy mục tiêu xã hội làm tối thượng ngay từ khi thành lập và được tuyên bố một cách công khai, rõ ràng, minh bạch.
Thông thường theo phân loại có những loại DNXH: Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (Non-profit Social Enterprises); Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận (Not-for-profit Social Enterprises) và Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận (Social Business Ventures).
Trong những năm qua, các DNXH ở Việt Nam đã có bước phát triển. Số lượng các DNXH theo ước tính khoảng hơn 200 doanh nghiệp. Theo điều tra do GSIP, Hội đồng Anh và Spark thực hiện năm 2011, các DNXH ở Việt Nam được mở ra dưới nhiều hình thức như trung tâm, câu lạc bộ, hiệp hội, công ty, hợp tác xã, trong đó trung tâm là hình thức phổ biến nhất do lợi thế về thủ tục pháp lý, những hỗ trợ về thuế và nguồn vốn.
4. Thách thức trong thực hiện quyền tự do kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp xã hội
Hiện nay, các ưu đãi dành cho DNXH đang ở giai đoạn đầu phát triển, phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc đảm bảo thực hiện quyền tự do kinh doanh, nhưng vẫn phải đảm bảo vai trò và trách nhiệm xã hội của DNXH, thực hiện tốt “thiên chức của doanh nghiệp xã hội” với các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp; tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Thứ nhất, hành lang pháp lý về DNXH đang thiếu những một hệ thống pháp luật thống nhất, nằm tản mạn trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn chưa có một khung khổ pháp lý dành riêng cho các DNXH, nên các doanh nghiệp này được thành lập, hoạt động và chịu sự điều chỉnh bởi các khung khổ pháp luật tương ứng. Một bộ phận không ít các doanh nghiệp xã hội khác được thành lập tự phát, thông qua chuyển đổi,… bởi các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, định danh hành lang pháp lý, môi trường hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng.
Hoạt động của các DNXH đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau, tùy thuộc vào hình thức pháp lý của họ. Nếu đăng ký dưới hình thức công ty, doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Các hợp tác xã được điều chỉnh theo Luật Hợp tác xã. Các hiệp hội ngành nghề được điều chỉnh bởi Luật Khoa học và Công nghệ. Do chưa có được khung pháp lý toàn diện, nên rất nhiều vấn đề nảy sinh đối với hoạt động của các DNXH.
Thứ hai, chưa có một Quy tắc về văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, Bộ Quy tắc ứng xử trách nhiệm xã hội cho DNXH.
Muốn thực hiện được vai trò, trách nhiệm của DNXH, ngoài các quy định của pháp luật, còn phải sử dụng các quy phạm xã hội của tổ chức dân sự, tổ chức nghề nghiệp, đó là Bộ Quy tắc ứng xử trách nhiệm xã hội, tạo chuẩn mực và nguyên tắc cho việc tiến hành hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tài, các bộ Quy tắc quy định về xã hội, môi trường và đạo đức giúp các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn luật pháp quốc gia và đối với các nhà cung ứng (bên bán) phải được giám sát việc thực hiện, cũng như kiểm tra độc lập thường xuyên. Các Bộ Quy tắc này bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 1990. Bộ đầu tiên do Levi Straus xây dựng năm 1991. Hiện nay, ước tính có khoảng hơn 1.000 Bộ Quy tắc ứng xử do các công ty đa quốc gia xây dựng, trong đó có SA8000 do tổ chức quốc tế về Trách nhiệm xã hội của Mỹ xây dựng (Social Accountability International – SAI). 6 Nội dung của các Bộ Quy tắc ứng xử đầu tiên rất khác nhau, nhưng ngày nay các Bộ Quy tắc này chủ yếu tập trung vào các tiêu chuẩn của ILO. Hầu hết các bộ Quy tắc này đều gồm 10 điểm, thể hiện các nguyên tắc trong công ước cơ bản của ILO, chẳng hạn SA8000 có các quy định về Trách nhiệm xã hội sau: 1. Lao động trẻ em; 2. Lao động cưỡng bức; 3. An toàn và vệ sinh lao động; 4. Tự do hiệp hội và quyền thỏa ước lao động tập thể; 5. Phân biệt đối xử; 6. Xử phạt; 7. Giờ làm việc; 8. Trả công; 9. Hệ thống quản lý. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa quy tắc ứng xử của doanh nghiệp là “Những cam kết tự nguyện của các doanh nghiệp, hiệp hội, hoặc các đơn vị khác, đặt trong các chuẩn mực và nguyên tắc cho việc tiến hành hoạt động kinh doanh trên thị trường”.
Thứ ba, DNXH thiếu cơ hội tiếp cận nguồn vốn.
Các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ những ý tưởng mang tính cá nhân, có sứ mệnh phục vụ xã hội, nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập, với quy mô nhỏ. DNXH có đặc thù là không vì mục tiêu lợi nhuận, lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp, nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thương mại, do đó khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại, kể cả nguồn vốn khởi sự, hoặc vốn cho phát triển kinh doanh rất hạn chế. Các DNXH rất khó huy động nguồn vốn vay ngân hàng vì một số lý do, như: Không có tài sản, nhà xưởng thế chấp do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ; Lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều khả năng sinh lời của DNXH và thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường.
Thứ ba, DNXH còn yếu về năng lực quản lý điều hành và hiểu biết về pháp lý doanh nghiệp xã hội, trách nhiệm pháp lý.
Người điều hành DNXH vẫn còn mang nặng tính bao cấp, nhận tài trợ,… Trong khi đó, kinh doanh xã hội thậm chí đòi hỏi phải có năng lực quản lý kinh doanh tốt hơn so với điều hành kinh doanh thông thường. Tuy nhiên, doanh nhân xã hội còn yếu về khả năng quản lý, điều hành, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, việc vay tiền từ các ngân hàng ngày càng trở nên khó khăn.
5. Một số giải pháp cho doanh nghiệp xã hội hiện nay
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức, hoạt động của DNXH. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, muốn cho DNXH phát triển, việc làm đầu tiên của Chính phủ là xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Phát triển DNXH (Social Enterprise Promotion Act) được ban hành ngày 03/01/2007 và tính đến năm 2012 đã trải qua 7 lần sửa đổi, bổ sung. Mục đích của Luật này là đóng góp sự hội nhập xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân thông qua việc phát triển các dịch vụ xã hội khi đời sống xã hội chưa được cung ứng đủ, tạo công ăn việc làm thông qua việc hỗ trợ tạo lập và điều hành các DNXH và thúc đẩy DNXH. Thực hiện các quy định tại Luật Phát triển DNXH, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Nghị định hướng dẫn vào ngày 29/6/2007. Tính đến hết năm 2013, Nghị định này đã được sửa đổi bổ sung đến 11 lần.
Việt Nam mới thông qua Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, cần nhanh chóng cần ban hành những VBQPPL hướng dẫn chi tiết cho DNXH.
Thứ hai, ban hành quy chế mẫu về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa pháp lý cho doanh nghiệp tham thảo.
Việc ban hành Bộ quy tắc mẫu sẽ giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh và đảm bảo vai trò, trách nhiệm xã hội của DNXH. Từng bước hình thành những hành vi quản lý theo những chuẩn, khuôn mẫu định hướng, để từ đó hình thành thói quen, tập quán kinh doanh, tập quán quản lý chuyên nghiệp của tầng lớp thương nhân mới.
Thứ ba, ban hành và hoàn thiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DNXH. Do DNXH luôn theo đuổi mục tiêu vì xã hội, cộng đồng và không vì lợi nhuận nên Nhà nước cần ban hành một số chính sách cụ thể để khuyến khích, thúc đẩy DNXH phát triển cả về chất và lượng. Theo kinh nghiệm quốc tế, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNXH trong khoảng 5 năm đầu thành lập là việc hoàn toàn cần thiết và Việt Nam cũng không nên nằm ngoài ngoại lệ này. Đồng thời, nên có chính sách giảm thuế thu nhập theo từng mức tương ứng đối với lợi nhuận dùng để tái đầu tư tại những năm tiếp theo để DNXH có thể tự đứng vững trong giai đoạn khó khăn ban đầu.
Thực tế, hầu hết các DNXH ở Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của DNXH. Sự hỗ trợ tài chính trực tiếp có thể giúp cải thiện tình trạng tài chính của các tổ chức này.Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên sử dụng tạm thời trong một thời gian ngắn, nếu không, các DNXH có thể phụ thuộc vào trợ cấp mà mất dần tính cạnh tranh. Về lâu dài, sự hỗ trợ gián tiếp như giúp các DNXH trở thành đối tác của tổ chức cung cấp dịch vụ công sẽ hiệu quả hơn.
Thứ tư, tăng cường nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp và lao động cho DNXH theo hướng hội nhập. Nguồn lao động của các DNXH làm việc với nhóm những người thiệt thòi, kém may mắn – vốn là những đối tượng đặc biệt của xã hội, như người khuyết tật, phụ nữ nông thôn, trẻ em thiệt thòi, là những nguồn lao động có chất lượng thấp, tính ổn định kém, do các điều kiện về nhận thức, tinh thần sức khỏe và bối cảnh sinh sống, cũng như tay nghề lao động rất thấp. Vì vậy, việc đào tạo, huấn luyện, tổ chức làm việc cho nhân sự, nâng cao năng suất lao động sẽ rất cần thiết trong chiến lược phát triển DN vừa và nhỏ.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập