Quy định của pháp luật đối với đại diện và ủy quyền
Về đại diện, BLDS quy định về đại diện dưới nhiều góc độ. Đối với pháp nhân, Điều 91 BLDS quy định đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Pháp nhân là một tổ chức, để ra quyết định, tổ chức đó phải thông qua một người cụ thể được pháp luật quy định có quyền đại diện, hành xử nhân danh cả tổ chức. Khi người đó không trực tiếp thực thi quyền đại diện, mà giao lại quyền đó cho một người khác, ta có đại diện theo ủy quyền của pháp nhân.
Việc ủy quyền lại, theo Điều 143 và Điều 583 BLDS, việc pháp nhân được ủy quyền ủy quyền lại cho người thứ ba là có thể, tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện nhất định.
Thứ nhất, việc ủy quyền lại phải được bên ủy quyền (ban đầu) đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Thứ hai, hình thức hợp đồng ủy quyền lại phù hợp với hình thức của hợp đồng ủy quyền ban đầu.
Thứ ba, phạm vi ủy quyền lại không vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.Vì bản chất của ủy quyền không làm thay đổi chủ thể trong giao dịch, từ quy định của Điều 586 BLDS có thể hiểu rằng ngay cả khi ủy quyền lại, bên ủy quyền ban đầu vẫn phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền (kể cả việc “thực hiện” thông qua con đường ủy quyền lại).
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Với doanh nhân, quy định về đại diện và ủy quyền chủ yếu có ý nghĩa đối với hai nhóm quan hệ, nhóm quan hệ bên trong pháp nhân (tạm gọi là “quan hệ tổ chức”) và nhóm quan hệ bên ngoài pháp nhân (tạm gọi là “quan hệ giao dịch”).
Ở nhóm quan hệ tổ chức, việc ủy quyền (và ủy quyền lại) liên quan đến yêu cầu quản lý, điều hành nội bộ pháp nhân.
Ở nhóm quan hệ giao dịch, ủy quyền và ủy quyền lại liên quan đến giao dịch trong đó pháp nhân ủy quyền hoặc được ủy quyền.
Như thế, đối với việc ủy quyền trong nhóm quan hệ bên ngoài pháp nhân, sẽ không có sự thay đổi chủ thể tham gia giao dịch với bên thứ ba. Nếu sự “ủy quyền” này mà dẫn đến thay đổi chủ thể tham gia giao dịch với bên thứ ba, thì không phải là ủy quyền nữa, mà là chuyển giao. Theo đó, các quy định của BLDS về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự (từ Điều 309 đến Điều 317 BLDS) sẽ được áp dụng.
Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn ủy quyền và ủy quyền lại
Pháp luật nước ta quy định thẩm quyền đại diện cho pháp nhân rất giới hạn, tập trung cho người đại diện theo pháp luật (thực tế chỉ được hiểu chỉ là một người). Những người khác, kể cả cấp phó của người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, hành xử nhân danh pháp nhân khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật.
Trong thực tế, chúng tôi gặp nhiều trường hợp khá đặc biệt. Ví dụ, ủy quyền cho hai người nhận ủy quyền có được không? Giám đốc đi vắng, muốn ủy quyền cho hai người, phòng khi một trong hai người gặp sự cố thì vẫn còn một người điều hành công ty, thì giải quyết vấn đề ủy quyền như thế nào? Nếu hiểu rõ rằng một trong hai người nhận ủy quyền chỉ là để “phòng khi”, thì chắc chắn ủy quyền của giám đốc phải thể hiện một người duy nhất giám đốc muốn giao quyền nhất. Với người còn lại, phải thể hiện rõ là người đó chỉ có quyền trong trường hợp người thứ nhất gặp sự cố, không thể thực hiện được công việc theo ủy quyền.
Cũng trong nhóm quan hệ tổ chức, có trường hợp đặt ra là Phó giám đốc có được ủy quyền lại cho một Trưởng phòng thực hiện các công việc mà Giám đốc đã có văn bản ủy quyền (cho Phó giám đốc) hay không? Thực tế hầu như không mấy khi Phó giám đốc có được văn bản đồng ý của Giám đốc trước khi ủy quyền lại cho Trưởng phòng. Thực tiễn cuộc sống hầu như bỏ qua ràng buộc này, ít nhất là về hình thức của việc ủy quyền lại.
Với nhóm quan hệ tổ chức, thì dù thực tế có “vênh” so với quy định pháp luật, vẫn dễ xử lý hơn, vì đó là quan hệ nội bộ.
Với nhóm quan hệ giao dịch, thì thực tiễn áp dụng quan hệ ủy quyền và ủy quyền lại đáng ngại hơn cho các bên tham gia vào giao dịch, vì theo quy định tại Điều 122 BLDS, chỉ cần không đáp ứng yêu cầu về quyền đại diện cho một bên tham gia vào giao dịch, là giao dịch đó có thể bị tuyên vô hiệu. Việc không đáp ứng yêu cầu này có thể phát sinh từ việc không tuân thủ các yêu cầu của việc ủy quyền trong nội bộ pháp nhân, hoặc các yêu cầu của việc ủy quyền (ủy quyền lại) theo quy định pháp luật.
Bản án số 22/2006/KHTM-PT ngày 23 tháng 3 năm 2006 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh nêu một tình huống khá phổ biến về thiếu sự ủy quyền tham gia giao dịch: hợp đồng do giám đốc chi nhánh ký, không có sự ủy quyền của giám đốc công ty. Nếu chỉ giới hạn ở mức không có ủy quyền, hợp đồng đã ký có thể bị tuyên vô hiệu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hợp đồng vẫn không bị tuyên vô hiệu. Đó là vì vẫn có chứng cứ cho thấy rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, giám đốc của công ty đã biết mà không phản đối nghĩa vụ trả tiền.
Theo quy định tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, sự im lặng của giám đốc công ty được cho là mặc nhiên thừa nhận, không phản đối hợp đồng, và do đó hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp lý.…
SOURCE: SAGA.VN – BÙI NGỌC HỒNG – Luật sư thành viên Công ty Luật Indochine Counsel
Trích dẫn từ: http://saga.vn