Thực tế hiệu quả hoạt động của các hội thẩm ở nước ta hiện nay là chưa đạt yêu cầu về mặt pháp lý cũng như về mặt xã hội. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là 2 vấn đề lớn đó là: nhận thức về vai trò của hội thẩm trong Hội đồng xét xử các vụ án sơ thẩm và trách nhiệm của hội thẩm trong các phiên toà sơ thẩm.

1. Nhận thức về vai trò của hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử

1.1. Một số vấn đề lý luận về sự tham gia của hội thẩm nhân dân trong phiên toà xét xử sơ thẩm

Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 [2], Bộ luật tố Hình sự [3] và Bộ luật Tố tụng Dân sự[4], việc tham gia của hội thẩm nhân dân là một trong những yêu cầu bắt buộc trong quá trình xét xử sơ thẩm các vụ án. Từ quy định như vậy, có thể thấy vai trò của hội thẩm nhân dân là hết sức quan trọng trong việc xét xử sơ thẩm các vụ án ở nước ta.

Và để đi tìm lời giải cho câu hỏi là: Vì sao phải sử dụng tới 2 hội thẩm nhân dân mà chỉ cần 1 thẩm phán trong phiên toà sơ thẩm(?), tác giả đã tìm hiểu và so sánh chế định này trong hệ thống pháp luật của nhiều nước khác nhau và thấy rằng việc đưa hội thẩm nhân dân (có nơi tổ chức theo mô hình bồi thẩm đoàn) vào Hội đồng xét xử sơ thẩm chính là việc đưa tiếng nói từ phía xã hội vào trong quá trình xét xử. Họ lập luận rằng, pháp luật chỉ là những khuôn mẫu chung khá cứng nhắc được xây dựng trên sự đồng thuận theo tỷ lệ mà xã hội chấp nhận được chứ đó không phải là đồng thuận tuyệt đối, cho nên pháp luật cũng không phải là một giá trị tuyệt đối đúng để có thể áp dụng chung cho mọi trường hợp. Thứ hai, pháp luật cũng chỉ là một loại quy phạm xã hội có giá trị áp dụng cao nhất chứ không phải là toàn bộ các quy phạm xã hội và có thể thay thế các quy phạm xã hội khác trong đời sống hàng ngày. Do đó, cần có những tiếng nói từ thực tiễn xã hội trong việc đưa ra các phán quyết có tính quyết định đối với một quan hệ xã hội nào đó.

Ở nước ta, đã có nhiều cách giải thích khác nhau về sự ra đời của chế định hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử. Có ý kiến cho rằng, với sự giao thoa và tiếp nhận văn hoá pháp lý Trung Quốc thì các tư tưởng về pháp luật của nho giáo Trung Quốc ảnh hưởng khá đậm nét văn hóa pháp lý Việt Nam. Do đó, các chế định pháp luật của nước ta cũng mang đậm dấu ấn của tư tưởng nho giáo đó là tính trọng tình: “Trăm cái lý không bằng tí cái tình”… Cho nên, pháp luật chưa phải là quy tắc cao nhất để phán xét đối với hành vi của xã hội. Vì vậy, cần phải có tiếng nói từ phía người dân, từ phía xã hội thì mới coi đó là các phán xét “thấu tình, đạt lý” và những người góp phần mang lại tiếng nói đó chính là các hội thẩm nhân dân được đề cử.

Hay cũng có cách lý giải rằng, trong một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân dân, vì nhân dân thì việc quy định về số lượng của hội thẩm nhân dân trong thành phần Hội đồng xét xử cũng là thể hiện tính nhân dân của Nhà nước pháp quyền đó…

Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh Nhà nước pháp quyền thì các cách lý giải trên đều có vẻ là chưa thoả đáng. Bởi lẽ, vấn đề mấu chốt của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm tính thượng tôn pháp luật. Pháp luật chỉ được thượng tôn khi mà mọi quy định của pháp luật phải được nghiêm chỉnh tuân thủ một cách triệt để, việc này đồng nghĩa với việc Nhà nước pháp quyền không có đất cho “tí cái tình” (tí cái tình có thể làm thay đổi bản chất vụ án) trong các phán xét của toà án, hay việc đảm bảo tuân thủ triệt để pháp luật cũng không còn chỗ cho những phán xét nhiều tính “nhân dân” nhưng thiếu tính pháp lý trong đó.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn chúng ta thấy, nguồn của các hội thẩm nhân dân ở nước ta hiện nay thường là các cán bộ, công, viên chức của các cơ quan nhà nước hoặc đương chức hoặc đã về hưu, do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu nên có lẽ tính nhân dân trong đó cũng không quá nhiều.

Vậy vấn đề đặt ra đối với các hội thẩm nhân dân là họ giữ vai trò như thế nào trong Hội đồng xét xử ở nước ta hiện nay mới được coi là đúng? Theo tác giả, nếu việc xét xử chỉ thuần tuý là việc áp dụng một cách cơ học các quy phạm pháp luật vào vụ án thì có lẽ chúng ta nên sử dụng một Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán chứ không nên sử dụng Hội đồng xét xử gồm 2 hội thẩm nhân dân và 1 thẩm phán. Vì rõ ràng những Thẩm phán được đào tạo về kiến thức pháp luật một cách thành thạo hơn và chuyên nghiệp hơn sẽ là những người áp dụng pháp luật tốt hơn.

Xét ở khía cạnh xã hội và khía cạnh lập pháp trong Nhà nước pháp quyền, chúng ta cần lưu ý đến hai khía cạnh khá quan trọng trong các lý thuyết cũng như thực tiễn pháp lý. Đó là, tính “trễ” của các quy phạm pháp luật so với thực tiễn. Nghĩa là, các quy phạm pháp luật chỉ được xây dựng trên cơ sở các vấn đề đã có trên thực tiễn một hoặc nhiều lần hay bằng cách dự liệu nó sẽ xảy ra trên thực tiễn. Thứ hai, ngoài các quy phạm pháp luật thực định pháp luật còn chứa đựng trong đó một giá trị lớn hơn đó là tinh thần pháp luật. Tinh thần pháp luật có thể hiểu một cách đơn giản là cái đích mà pháp luật mong muốn hướng đến. Từ các khía cạnh trên, có thể thấy rằng việc quy định về hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử là hoàn toàn có cơ sở và không trái với các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

1.2. Nên hiểu thế nào cho đúng về vai trò của các hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử?

Khi xem xét về quy trình bổ nhiệm hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ hiện nay của chúng ta, tác giả thấy rằng đây là một trong những quy định khá bất cập và đã lái ý nghĩa của hội thẩm nhân dân sang một hướng khác chứ không còn mang nhiều ý nghĩa về mặt xã hội của chế định này. Vì ý nghĩa mà các hội thẩm nhân dân đem lại trong Hội đồng xét xử phải là sự đồng cảm, những kiến thức, kinh nghiệm sống thực tiễn mà trong cùng hoàn cảnh sống hoặc rất gần hoàn cảnh sống đối với các bị cáo, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án được đem ra xét xử chứ không phải là những người được cơ quan công quyền tin cậy.

Vì các vụ án trong xã hội xảy ra muôn màu muôn vẻ, các vấn đề nảy sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau và chứa đựng yếu tố bất ngờ do đó không thể lường trước được đâu là lĩnh vực có thể xảy ra tình huống tranh chấp hay phạm tội. Các hội thẩm nhân dân đã được bổ nhiệm trước không phải lúc nào cũng có thể đưa ra được một nhận xét đúng đắn đối với tình tiết của vụ án đó. Ví dụ: Trong thao tác của các công nhân nổ mìn khai thác đá không may gây ra chết người. Các hội thẩm nhân dân được bổ nhiệm trước đó từ các ngành nghề khác như sư phạm, bác sỹ…, không phải là người làm trong lĩnh vực nổ mìn khai thác đá liệu có biết được bị cáo đã thực hiện sai quy trình kỹ thuật hay không để đưa ra nhận xét. Hay một bác sỹ theo chỉ định được phép sử dụng chất moocphin để cấp cứu bệnh nhân nhưng nạn nhân bị chết, những thành viên hội thẩm nhân dân không thuộc ngành nghề có thể đưa ra kết luận rằng anh ta đã làm như thế là không đúng với nghiệp vụ và lương tâm hay không? Hay đối với tranh chấp thương mại: Trong các điều kiện cá biệt, các giao dịch thương mại trên một địa bàn hẹp thường áp dụng các tập quán giao dịch bất thành văn, nếu các Hội thẩm không phải là những người ở địa bàn đó, không làm trong cùng lĩnh vực, ngành nghề đó thì liệu có thể đưa ra những giải đáp khách quan không?

Vậy nên hiểu thế nào cho đúng về vai trò của hội thẩm nhân dân trong các vụ án?

Đối với các vụ án hình sự: Cần phải tách quy trình tham gia của hội thẩm nhân dân đối với từng công đoạn của quá trình xét xử. Ví dụ, trong quá trình nghị án, thẩm phán chỉ nên lấy ý kiến của các hội thẩm nhân dân để thẩm định rằng: Cáo trạng của viện kiểm sát đưa ra có khách quan theo niềm tin nội tâm của hội thẩm nhân dân và so với những gì mà hội thẩm nhân dân biết được hay không? Hành vi mà bị cáo đã thực hiện trước đó có đáng bị coi là có tội hay không? Dựa trên nghề nghiệp, kinh nghiệm sống, môi trường mà hội thẩm nhân dân đang sống rất giống hoặc rất gần bị cáo…, thì hội thẩm nhân dân đưa ra kết luận là hành vi do bị cáo gây ra là nguy hiểm hay không nguy hiểm đối với cộng đồng, nếu các hội thẩm nhân dân cho rằng hành vi đó nguy hiểm đối với cộng đồng thì mới yêu cầu thẩm phán kết tội bị cáo, còn việc kết tội gì thì thẩm phán cần viện dẫn các điều lut cụ thể để áp dụng và các hội thẩm nhân dân chỉ nên đánh giá và xem xét các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với người phạm tội thông qua niềm tin nội tâm của hội thẩm, các kiến thức xã hội mà hội thẩm nhân dân có được. Ngược lại khi thảo luận để nghị án, các hội thẩm nhân dân cho rằng các hành vi như vậy là bình thường và không bị coi là nguy hiểm cho xã hội trong môi trường bị cáo đang sống thì hội thẩm nhân dân có quyền đề nghị thẩm phán trả tự do và tuyên vô tội cho bị cáo, đồng thời phản đối các phán quyết buộc tội của thẩm phán nếu thẩm phán vẫn buộc tội đối với bị cáo thì hội thẩm nhân dân có quyền bảo lưu ý kiến của mình trong hồ sơ vụ án.

Đối với các vụ án dân sự: Những người được chỉ định là hội thẩm nhân dân trong các vụ án dân sự nên được coi là những người hiểu biết sâu về những đối tượng mà các bên tranh chấp. Chẳng hạn, nếu giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực đất đai thì hội thẩm nhân dân có thể là những người hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ quyền sử dụng của mảnh đất đó. Hay tranh chấp hợp đồng thuê tàu thì hội thẩm nhân dân phải là những người am hiểu về thực tiễn các hoạt động đó… Và với tư cách là thành viên của Hội đồng xét xử thì hội thẩm nhân dân sẽ trình bày ý kiến của mình trước thẩm phán trong khi nghị án, việc áp dụng luật để ra phán quyết thì hội thẩm nhân dân nhường lại quyền đó cho thẩm phán quyết định. Việc không đồng tình với phán quyết của thẩm phán, hội thẩm nhân dân có quyền bảo lưu các ý kiến của mình trong hồ sơ vụ án.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với chế định hội thẩm nhân dân ở nước ta hiện nay

2.1. Về trách nhiệm của hội thẩm nhân dân

Theo Quy chế về tổ chức và hoạt động hội thẩm toà án nhân dân[5], mặc dù có quy định trách nhiệm của hội thẩm nhân dân (Điều 11), nhưng những quy định như vậy thực chất là hình thức và thiếu thực tiễn.

Như đã trình bày trên, hình thức cao nhất trong việc truy cứu trách nhiệm của hội thẩm nhân dân mặc dù là truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng quy định này hoàn toàn thiếu các căn cứ pháp lý. Cụ thể là: Mục đích và yêu cầu đối với hội thẩm nhân dân như quy định pháp luật hiện nay, việc đòi hỏi trình độ của họ giống như thẩm phán và áp dụng đúng pháp luật là thiếu cơ sở. Vì yêu cầu đối với hội thẩm nhân dân là chỉ hiểu pháp luật chứ không phải chuyên gia về pháp luật trong vụ án mà họ tham gia xét xử.

Ở khía cạnh thực tiễn, các nhà làm luật đã nhầm lẫn vai trò xét xử của thẩm phán và vai trò nhận định xã hội của các hội thẩm nhân dân đối với vụ án, do đó việc yêu cầu hội thẩm nhân dân xét xử vụ án là hoàn toàn thiếu cơ sở thực tiễn, vì họ không được đào tạo qua lớp các chức danh tư pháp và đại học luật để có thể biết được các kỹ năng áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử.

2.2. Hệ lụy xã hội khi áp dụng không đúng tinh thần của chế định hội thẩm nhân dân vào quá trình xét xử

Từ cách thức lựa chọn hội thẩm nhân dân hiện nay ở nước ta, chúng ta thấy hầu hết nguồn của hội thẩm nhân dân là các công chức, viên chức nhà nước kiêm nhiệm hoặc đã nghỉ hưu. Động lực để họ tham gia vào vụ án là không được cao vì lợi ích của họ trong các vụ án cũng chẳng có nhiều. Bởi:

Thứ nhất, về thu nhập, đây không phải là nguồn thu nhập có thể nuôi sống gia đình và bản thân.

Thứ hai, về trách nhiệm công vụ, đây cũng không phải là nơi họ sẽ bị kỷ luật lao động như thăng, giáng cấp, nâng lương, trừ lương, có chăng chỉ là có được tham gia ở nhiệm kỳ tiếp theo hay không, hay có được thường xuyên tham gia xét xử hay không mà thôi.

Thứ ba, về trách nhiệm xã hội, việc đồng cảm về mặt xã hội đối với bị cáo hay các nguyên đơn, bị đơn trong vụ án cũng không được kỳ vọng nhiều vì những hội thẩm nhân dân được bầu theo hình thức này không có quá nhiều sự đồng cảm về suy nghĩ, môi trường sống, hoàn cảnh sống…, nên dường như họ đang ở bên ngoài hoàn cảnh của các đương sự. Và trong một xã hội trọng danh như nước ta hiện nay thì có vẻ việc có được thẩm quyền phán xét sẽ đưa nhiều hội thẩm nhân dân được bổ nhiệm kiểu này lên một tầm cao hơn trong xã hội chứ không có vẻ là làm cho họ đồng cảm và có trách nhiệm về xã hội đối với các đương sự trong vụ án.

Từ những vấn đề trên có thể thấy, chính sự thiếu thực tiễn trong quy định về chế định hội thẩm nhân dân nên hội thẩm nhân dân là đối tượng có thể dễ bị các đối tượng tác động trong các vụ án sơ thẩm. Dẫn đến việc thiếu tin tưởng vào hội thẩm nhân dân nói riêng và Hội đồng xét xử sơ thẩm nói chung. Thực tế là hiện nay đa số các bản án sơ thẩm đều bị kháng cáo phúc thẩm. Điều này dẫn đến những lãng phí vô cùng to lớn về thời gian và tiền bạc của xã hội.

Bên cạnh đó, việc quy định thiếu thực tiễn về chế định hội thẩm nhân dân đã làm cho nhiều hội thẩm nhân dân trở thành những người thừa hành của Thẩm phán. Do khi tranh luận để nghị án, hội thẩm nhân dân thường là người yếu thế hơn thẩm phán trong việc xác định pháp luật áp dụng nên họ sẽ để các thẩm phán tự dẫn chiếu quy phạm và luật để áp dụng chứ chẳng dại gì tham gia vào đó.

Chính vì những lý do trên, việc xác định cho đúng vai trò và thành phần của các hội thẩm nhân dân nên được các nhà làm luật quy định làm sao cho sát đòi hỏi của thực tế tránh những quy định mang tính hình thức và những lãng phí về mặt xã hội.

3. Kết luận

Trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay, một trong những yêu cầu trọng tâm của tiến trình cải cách tư pháp chính là làm cho vai trò của toà án ngày càng độc lập hơn đối với các cơ quan quyền lực khác. Việc độc lập của toà án không chỉ đòi hỏi nâng cao năng lực xét xử của các thẩm phán, mà các toà án muốn có được vị thế độc lập phải có những cơ chế hữu hiệu trong tổ chức thực hiện quyền lực mới đảm bảo được sự độc lập của mình.

Ngoài những yêu cầu thay đổi tố tụng xét hỏi bằng tố tụng tranh tụng thì một đòi hỏi không kém phần quan trọng đó là cũng phải nhận thức và quy định lại chế định về hội thẩm nhân dân, nghĩa là hoàn thiện chế định này theo nghĩa đây là một chế định tham gia của xã hội vào quá trình xét xử của tòa án. Nghĩa là phân định rõ các giai đoạn tham gia của hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử vụ án như trình bày ở trên. Đồng thời, yêu cầu các thẩm phán phải tự chịu trách nhiệm cá nhân về các phán quyết của mình. Các ý kiến của hội thẩm nhân dân thực chất là các ý kiến xã hội và họ chỉ có quyền đưa ra ý kiến chứ không có quyền đưa ra phán quyết và họ có quyền bảo lưu ý kiến của mình trong hồ sơ vụ án, tránh cơ chế quyết định tập thể và không ai phải chịu trách nhiệm về các phán quyết hội đồng đó.


[1] Bài viết đã được đăng trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 9 năm 2010 (trang 27).

[2] Điều 129 Hiến pháp 1992 quy định về việc xét xử có sự tham gia của hội thẩm nhân dân.

[3] Điều 185 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án sơ thẩm hình sự.

[4] Điều 52 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 quy định về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự bắt buộc phải có sự tham gia của 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân.

[5] Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQLT/TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN ngày 05/12/2005 của Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Nội vụ – Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

SOURCE: THS. CAO VIỆT THĂNG – Phó trưởng phòng Lý luận và Lịch sử nhà nước và pháp luật – Viện Nhà nước và Pháp luật

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)