1 – Mục tiêu:

Việc ban hành Luật trọng tài nhằm mục tiêu của luật trọng tài nhằm khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua hệ thống trọng tài, qua đó giảm tải công việc cho hệ thống toà án. Luật trọng tài được ban hành dự kiến nhằm giảm tải khoảng 10% số lượng tranh chấp kinh tế cho toà án, chuyển sang giải quyết thông qua hệ thống trọng tài vào năm 2015.[1] Ngoài ra, dự thảo luật còn nhằm góp phần làm phát triển cả về quy mô và chất lượng của hệ thống trọng tài và các trọng tài viên ở Việt Nam.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

2. Thực trạng vấn đề của hệ thống trọng tài Việt nam hiện nay và nguyên nhân.

2.1. Thực trạng vấn đề

Vấn đề lớn nhất hiện nay là trọng tài tại Việt Nam rất ít được sử dụng để giải quyết các tranh chấp đầu tư và thương mại; các hợp đồng với các bên nước ngoài nhất là hợp đồng có trị giá lớn hầu như không lựa chọn trọng tài tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp ở Việt nam hiện vẫn chủ yếu được giải quyết thông qua hệ thống toà án hoặc trọng tài nước ngoài.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong khi Toà án nhân dân Tp. Hà Nội trong năm 2007 phải xử gần 9.000 vụ án trong đó có khoảng 300 vụ án kinh tế và tòa kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phải xử gần 42.000 vụ án các loại trong đó có 1000 vụ án kinh tế, thì VIAC (1 trong 7 tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam và có số vụ kiện thụ lý nhiều nhất Việt Nam) cũng chỉ tiếp nhận khoảng 30 vụ.[2]Tính trung bình, mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ một năm, trong khi mỗi thẩm phán ở tòa kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ một năm và mỗi thẩm phán ở tòa kinh tế Thành phố HCM xử trên 50 vụ một năm.

Theo thống kê năm 2007 về giải quyết các vụ tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại và lao động, thì toà án các tỉnh đã thụ lý 108.060 vụ; đã xử lý được 80.773 vụ. Ngoài ra, có 1.280 vụ được kháng cáo lên toà án tối cao. Những con số này, ngoài việc cho thấy sự phổ biến việc xử lý các tranh chấp bằng toà án, mà còn cho thấy phần nào sự quá tải của hệ thống toà án.[3]

Trên thế giới, nhiều tranh chấp kinh tế, thương mại vẫn tiếp tục được giải quyết bằng trọng tài , ví dụ tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (119 vụ), Hiệp hội Trọng tài Mỹ (621 vụ); Toà án Trọng tài Quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại Quốc tế ICC (599 vụ); Hội đồng Trọng tài Thương mại và Kinh tế Trung Quốc (1.118 vụ); Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (448 vụ)[4]

Hệ thống khung pháp luật điều chỉnh hoạt động của trọng tài hiện nay là Pháp lệnh trọng tài thương mại ban hành năm 2003; nghị định 25/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp luật trọng tài; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 7 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại. Những quy định này có những đóng góp to lớn cho việc đặt nền móng hình thành và phát triển hệ thống trọng tài như ngày nay.[5]Mặc dù vậy, hệ thống quy định hiện hành về trọng tài thường mại vẫn còn những bất cập, làm cho hệ thống trọng tài chưa trở thành phương thức hấp dẫn và hiệu quả để các bên lựa chọn giải quyết các tranh chấp liên quan (trình bày cụ thể trong phần dưới đây).

Việc các tranh chấp chủ yếu được xét xử thông qua hệ thống toà án và Trong tâm trọng tài quốc tế ở nước ngoài có thể gây ra những tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế, thương mại ở nước ta. Hệ thống toà án đã trở nên quá tải dẫn đến làm ảnh hưởng đến chất lượng vụ xét xử sơ thẩm, tăng việc vụ việc xét xử phúc thẩm, kéo dài thời gian xử lý, tăng lượng vụ tồn đọng, không kịp giải quyết; do đó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xử lý các tranh chấp tại trung tâm trọng tài ở nước ngoài có thể gây ra bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam về chi phí, thời gian đi lại, ngôn ngữ, tiện lợi, …. Vậy, việc khuyến khích xử lý tranh chấp bằng trọng tài ở Việt nam thay vì hệ thống toà án sẽ giảm bớt các tác động tiêu cực này. Hơn nữa, so với Toà án, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có một số ưu điểm sau đây:

(i) Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp trung lập cho các bên:

Một trong những yêu cầu căn bản của việc giải quyết tranh chấp là cơ quan giải quyết tranh chấp phải hoàn toàn mang tính trung lập. Tuy nhiên, hệ thống tòa án nhiều khi không đáp ứng được điều này, hoặc ít ra là theo cảm nhận của các bên là như vậy. Ví dụ, trong cùng một quốc gia, việc tòa án tỉnh của nơi đương sự sống và làm việc thụ lý vụ án cũng có thể khiến cho bên đương sự kia có cảm giác sẽ bị “bất lợi”. Điều này thể hiện rõ nhất khi tranh chấp là giữa các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Nếu tranh chấp giữa một nhà đầu tư nước ngoài và một bên Việt Nam được xét xử tại tòa án Việt Nam, do các thẩm phán Việt Nam xét xử, thì chắc chắc bên nước ngoài sẽ có những cảm nhận về sự không trung lập của tòa án, cho dù điều này có trên thực tế hay không. Cảm nhận này sẽ khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không muốn mang tranh chấp ra tòa án Việt Nam xét xử, và hệ quả có thể là nhà đầu tư phải thỏa hiệp trong tranh chấp, hoặc hơn nữa có thể là nhà đầu tư ngay từ đầu đã quyết định không tham gia quan hệ thương mại với bên Việt Nam vì khoan ngại rằng nếu có tranh chấp xảy ra, sẽ không được xét xử công bằng.

Nhưng nếu theo cơ chế trọng tài thì khoan ngại trên hoàn toàn được giải quyết. Các bên có toàn quyền thỏa thuận thành lập một hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp, trong đó thành phần hội đồng trọng tài, tiêu chuẩn trọng tài viên, cách thức chỉ định trọng tài viên, quốc tịch trọng tài viên hoàn toàn do các bên quyết định Việc này sẽ đảm bảo tính trung lập, công bằng cao hơn, tạo sự an tâm cho các bên tranh chấp.

(ii) Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chuyên môn cao.

Khi mang một vụ việc ra xét xử ở tòa án, có khả năng thẩm phán được chỉ định để giải quyết vụ việc không có trình độ chuyên môn liên quan đến đối tượng tranh chấp, đặc biệt các ngành đặc thù chuyên môn cao như: dầu khí, xây dựng, tài chính, đầu tư, hàng hải, bảo hiểm, v.v… Khi giải quyết bằng trọng tài, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn trọng tài viên có trình độ chuyên môn[6] phù hợp với đối tượng tranh chấp, góp phần nâng cao hiệu quả, công bằng và chính xác trong giải quyết tranh chấp.

(iii) Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên

Khi xét xử tại tòa án, các bên hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của tòa án về thủ tục, thời gian, địa điểm cách thức xét xử. Trong khi đó, với trọng tài, các bên thông thường được tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm, phương thức giải quyết tranh chấp theo phương thức tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này có thể làm giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả cho quá trình giải quyết tranh chấp.

(iv) Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp bí mật

Khi xét xử tại tòa án, thì thường là xét xử công khai, thông tin về vụ tranh chấp sẽ được thông báo cho công chúng. Ngược lại, khi xét xử bằng trọng tài, các thông tin về vụ tranh chấp sẽ được giữ kín và uy tín, công việc kinh doanh của các bên không bị ảnh hưởng. Điều này rất quan trọng đối với các bên vì thông tin về tranh chấp có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín, hoạt động kinh doanh của các bên liên quan.

(v) Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp dứt điểm

Khi xét xử tại tòa án, một vụ tranh chấp có thể phải đi qua nhiều cấp sơ thẩm, phúc thẩm v.v. trước khi bản án có hiệu lực pháp luật. Việc này có thể kéo dài, phức tạp, gây tốn kém về thời gian, chi phí cho các bên. Ngược lại, phán quyết trọng tài thông thường được coi là cuối cùng (chung thẩm), giúp các bên giải quyết dứt điểm tranh chấp, để tiếp tục với các hoạt động khác của mình.

Những ưu điểm nói trên là đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động đầu tư thương mại. Chính những ưu điểm đó đảm bảo rằng nếu có một luật trọng tài tốt và các bên ưu tiên giải quyết tranh chấp qua trọng tài, thì sẽ: (i) Giảm rủi ro, khoan ngại cho bên nước ngoài khi quyết định tham gia đầu tư, thương mại tại Việt Nam; (ii) Tạo thuận lợi cho các bên nước ngoài và cả bên Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.

Do đó, việc tạo điều kiện xây dựng một hệ thống trọng tài có chất lượng, đáng tin tưởng, sẽ “kéo” hoạt động giải quyết tranh chấp quay trở lại Việt Nam, tạo thuận lợi nhiều cho các bên, nhất là các bên Việt Nam, góp phần thúc đầy ngành trọng tài, và xa hơn nữa, điều này có thể hấp dẫn những bên tranh chấp ngoài Việt Nam đến giải quyết tranh chấp tại Việt Nam (giống như trường hợp của Hồng Kông và Singapore hiện nay). Việc khuyến khích giải quyết tranh chấp qua đường trọng tài cũng sẽ giảm tải gánh nặng về công việc cho hệ thống tòa án và góp phần nâng cao chất lượng và sự tin cậy đối với hệ thống Toà án. Tất cả điều này sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa các hoạt động dân sự, thương mại nhất là trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

2.2. Nguyên nhân của những bất cập

Bất cập của hệ thống trọng tài Việt Nam hiện nay do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

(i) Thẩm quyền của trọng tài còn hạn chế về phạm vi, chưa được xác định cụ thể, rõ ràng, thống nhất và chắc chắn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về trọng tài, các tranh chấp được giả quyết tại Trọng tài phải thoả mãn hai điều kiện.[7] Một là, tranh chấp đó phải là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại[8]; hai là, chủ thể được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ bao gồm tổ chức và cá nhân kinh doanh.

Thẩm quyền của trọng tài theo quy định hiện hành có 3 điểm hạn chế cơ bản như sau:

– Một là, phạm vi thẩm quyền của Trọng tài chưa bao quát hết các quan hệ thương mại theo nghĩa rộng, bao gồm cả các hoạt động đầu tư, góp vốn, thực hiện dự án đầu tư, mua bán, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ,… trên thị trường.[9] Bên cạnh đó, với việc Pháp lệnh trọng tài năm 2003 sử dụng phương pháp liệt kê để quy định thẩm quyền trọng tài nên không bao giờ có thể quy định được đầy đủ, bởi vì càng liệt kê chi tiết sẽ càng thiếu. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, để có thể quy định bao quát được phạm vi thẩm quyền của trọng tài thì nên sử dụng phương pháp loại trừ.

– Hai là việc giới hạn phạm vi chủ thể chỉ bao gồm “tổ chức kinh doanh” và “cá nhân kinh doanh” là không hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thực tiễn trọng tài quốc tế. Trên thực tế có nhiều tổ chức không phải là “tổ chức kinh doanh” như các ban quản lý dự án, cơ quan hành chính sự nghiệp, v.v… tham gia đấu thầu hoặc giao kết các hợp đồng mua sắm chính phủ trong đó sử dụng trọng tài theo khuyến nghị của các nhà tài trợ, định chế tài chính như WB, ADB v.v… Tuy nhiên tại Việt Nam các đối tượng này không được phép thỏa thuận sử dụng trọng tài vì không phải là “tổ chức kinh doanh”. Ngoài ra, việc hạn chế đối tượng “cá nhân kinh doanh” nhưng khái niệm “cá nhân kinh doanh” chưa rõ theo quy địnhkhiến cho phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài ngày càng bị thu hẹp, nguy cơ các phán quyết trọng tài bị tòa án tuyên hủy là rất cao do các bên có liên quan có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.

Ba là, quy định về việc xác định “thoả thuận trọng tài”[10] chưa hợp lý, chưa thực sự chú trọng tới ý chí của các bên về việc lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp mà còn nặng về quy định hình thức của “thoả thuận trọng tài”. Chính điều này làm cho sự phân định về thẩm quyền giữa Toà án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp là không rõ ràng.

Những hạn chế nêu trên là những nguyên nhân gián tiếp làm cho thẩm quyền của trọng tài bị thu hẹp lại.

(ii) Sự hỗ trợ của toà án đối với trọng tài chưa toàn diện, hiệu quả, thiếu hiệu lực và đặt trọng tài vào vị trí bất lợi hơn nhiều so với toà án.

Một là, những hạn chế của pháp luật hiện hành trong việc quy định về phạm vi thẩm quyền của trọng tài, giới hạn về phạm vi chủ thể, những bất cập trong quy định của pháp luật về “thoả thuận trọng tài” đã dẫn đến tranh chấp về “thẩm quyền” giữa Toà án và trọng tài trong giải quyết các vụ việc tranh chấp cụ thể cho dù các bên đã có thỏa thuận trọng tài[11].

Hai là, điều kiện để bên “thua kiện” yêu cầu Toà án tuyên huỷ quyết định của Trọng tài còn dễ dàng và ít tốn kém; căn cứ để Tòa án hủy quyết định của trọng tài chưa được quy định chặt chẽ nên dễ bị Toà án lạm dụng.

Ba là, theo quy định hiện hành thì hỗ trợ của Toà án đối với trọng tài trong thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng,.v.v… chưa cụ thể, chưa rõ ràng và nhất là chưa đảm bảo chắc chắn rằng các hỗ trợ đó sẽ “thực hiện được” hoặc “được thực hiện” một cách có hiệu quả. Cụ thể:

• Biện pháp khẩn cấp chỉ được áp dụng khi vụ việc đã được thụ lý rồi, đã thành lập HĐTT để xem xét giải quyết.

• Chỉ tòa án nơi trọng tài thụ lý mới có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

• Hội đồng trọng tài không có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

• Chưa rõ để xác định toà án có thẩm quyền đối với trọng tài

Những bất cập nêu trên dẫn đến khả năng quyết định của trọng tài có nhiều nguy cơ bị Toà án tuyên huỷ với lý do chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết của trọng tài; nếu vụ việc đã giải quyết bằng con đường trọng tài bị Toà án tuyên huỷ và Toà án thụ lý để giải quyết làm cho thời gian giải quyết vụ việc tranh chấp kéo dài hơn, chí phí tốn kém hơn; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời của trọng tài không hiệu quả và kém hiệu lực ảnh hưởng tiêu cực đến việc giải quyết tranh chấp của trọng tài cũng như đảm bảm việc thi hành quyết định đó sau này. Chính những điều này đã làm cho các bên e dè trong việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp ; trọng tài chưa phải là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và tin cậy so với toà án. Ngược lại, có khi lại gặp nhiều rủi ro, tốn kém và có thể kéo dài hơn so với Toà án.

(iii) Các bên chưa thuận lợi trong lựa chọn HĐTT trung lập, trọng tài viên có trình độ chuyên môn tốt.Cụ thể là:

– Pháp lệnh TTTM chưa cho phép người nước ngoài làm trọng tài viên, chưa cho phép xét xử bằng tiếng nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài đối với những tranh chấp giữa các bên trong nước (bao gồm cả các công ty liên doanh, các công ty 100% vốn nước ngoài). Điều này có thể là nguyên nhân lý giải tại sao các bên nước ngoài (kể cả nhà đầu tư nước ngoài), thường không muốn lựa chọn trung tâm trọng tài ở ViệtNam làm nơi giải quyết tranh chấp.

– Pháp lệnh TTTM chưa cho phép các bên được thỏa thuận một cơ quan trung lập (ngoài tòa án) chỉ định chủ tịch hội đồng trọng tài vụ việc (ad-hoc) trong trường hợp các bên không thỏa thuận được. Trên thực tiễn, trong nhiều trường hợp, các bên thường muốn thỏa thuận rằng nếu các bên không thỏa thuận được việc chỉ định trọng tài viên thì một trung tâm trọng tài có uy tín sẽ chỉ định.

Hệ quả của các vấn đề nói trên là các bên, nhất là các nước ngoài, chưa lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam thông qua con đường trọng tài.

(iv) Đội ngũ trọng tài viên ở trong nước chưa phát triển, trong nhiều trường hợp, chưa đạt trình độ và uy tín đảm bảo sự tin cậy của các bên tranh chấp, nhất là các bên nước ngoài.

Điều này cũng là những yếu kém nói chung của đội ngũ Luật sư của LVN Group, trọng tài nói chung ở Việt Nam. Tỷ lệ Luật sư của LVN Group chỉ mới đạt 1/21.215 người dân; trong khi đó tỷ lệ này ở các nước như, Nhật là 1/4.546; Thái Lan: 1/1.526; Singapore: 1/1.000; Mỹ: 1/250…[12] Số lượng các Luật sư của LVN Group tinh thông về ngoại ngữ và có trình độ tiếp cận với các hợp đồng thương mại quốc tế gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần lớn còn lại hành nghề tư vấn đơn giản hoặc tranh tụng tại tòa với khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cá nhân và hộ gia đình. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) hiện có 123 trọng tài viên (trong đó có 6 trọng tài viên người nước ngoài).

Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là quy định hiện nay về tiêu chuẩn trọng tài viên là chưa hợp lý và khả thi, dẫn đến hạn chế cơ hội trở thành trọng tài viên của người có chuyên môn, nhưng không có bằng cấp. Trong khi đó, dường như hệ thống trọng tài lại thiếu trọng tài chuyên ngành, như: hàng không, hàng hải, địa khóang sản,….

(v) Cuối cùng, tương tự như Toà án, các doanh nghiệp và người dân ở nước ta chưa thực sự hiểu biết nhiều về pháp luật về trọng tài, chưa biết đến nhiều về trọng tài và vẫn còn e ngại trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Một số người cho rằng sở dĩ các doanh nghiệp chưa mặn mà lắm với trọng tài là vì họ chưa biết nhiều về phương thức giải quyết tranh chấp này, kể cả đối với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các trung tâm trọng tài cũng chưa nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh của mình, mà chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp ít quy định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong hợp đồng, hoặc nếu có quy định thì cũng quá sơ sài dẫn đến điều khoản trọng tài có bị vô hiệu ngay từ đầu.

[1] Hàng năm, sẽ có khoảng 800 vụ tranh chấp được giải quyết bằng hệ thống trọng tài.

[2] VIAC có 123 trọng tài viên. Năm 2004 thụ lý 26 vụ; năm 2005 thụ lý 18 vụ. Năm 2008 thụ lý 48 vụ. Tính trung bình, mỗi năm số vụ việc giải quyết tăng khoảng 15%.

[3] Số liệu thống kê tình hình xét xử của toà án ở 64 tỉnh, thành phố giai đoạn 1-1-2007 đến 31-12-2007.

[4] http://www.hkiac.org/HKIAC/HKIAC_English/main.html

[5] GS. Đào Trí Úc (2008): Tham luận góp ý cho dự thảo Luật trọng tài

[6] Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có Danh sách Trọng tài viên gồm 123 người trong đó phân chia lĩnh vực chuyên môn của trọng tài viên như sau: Chuyên gia pháp luật (52%); tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm (12%); xây dựng cơ khí (7%), vận tải đường biển, đường hàng không, đường bộ (4,8%), sở hữu trí tuệ (3,1%), các lĩnh vực khác (18%)

[7] Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh mà các bên tranh chấp là cá nhân kinh doanh hoặc tổ chức kinh doanh (Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 25/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2004 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003).

[8] Đó là: “các tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện; đại lý thương mại; ký gửi; thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò; khai thác; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường biển, đường bộ, đường không, đường sắt và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật” (Khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại)

[9] Cần xem lại vì có ý kiến cho rằng thông tin này chưa chính xác (Đặng Xuân Hợp)

[10] Như thế nào là một thoả thuận trọng tài?; và thoả thuận đó phải có nội dung, hình thức tối thiều nào thì được coi là hợp lệ. Ví du, tranh chấp phát sinh giữa công ty và cổ đông, thành viên là cá nhân không có đăng ký kinh doanh không thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, vì giao dịch đó không được coi là thương mại. Và nếu tranh chấp về góp vốn, mua cổ phần giữa công ty và người có đăng ký kinh doanh, thì đâu là “ thoả thuận trọng tài”; điều lệ công ty có được coi là “hợp đồng” và điều khoản trong Điều lệ quy định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một trong số các phương thức giải quyết tranh chấp có được coi là “thoả thuận trọng tài”.

[11] Tranh chấp về thẩm quyền giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương (http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/02/16/2348/)

[12] Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 11-8-2006: Luật sư, trọng tài chưa theo kịp …. WTO

SOURCE: VIBONLINE.COM.VN

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)