Kính gửi:Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp do suy giảm kinh tế, sau khi trao đổi và tổng hợp báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các Bộ, các ngành, các địa phương. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình thực hiện quý III năm 2009 như sau:
>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi: 1900.0191
I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM QUÝ III NĂM 2009 VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 30/QĐ-TTG NGÀY 23/02/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ:
1. Tình hình về lao động mất việc làm quý III năm 2009:
Theo báo cáo của 59 tỉnh, thành phố quý III năm 2009 số lao động mất việc làm là 11.198 người, giảm 68% so với quý II (34.723 người), giảm 83% so với quý I (64.897 người). Các tỉnh, thành phố lớn trước đây tập trung số lao động mất việc làm cao, thì đến quý III đã giảm đi rất nhiều như: TP Hồ Chí Minh là 415 người (trong đó quý I là 15.548 người, quý II chỉ còn là 8.248 người); Đồng Nai là 293 người (trong đó quý I là 5.460 người, quý II chỉ còn là 2.361 người); Bình Dương là 695 người (trong đó quý I là 8.002 người, quý II chỉ còn là 965 người); Hà Nội không có lao động mất việc làm (trong đó quý I là 13.245 người, quý II chỉ còn là 1.908 người); Hải Phòng không có lao động mất việc làm (trong đó quý I là 4.053 người, quý II là 1.357 người) … Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương có số lao động mất việc làm cao như: Đà Nẵng 2.743 người, Hà Tĩnh 1.435 người; Thanh Hóa 1.297 người; Nam Định 1.068 người … Số lao động mất việc làm này chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh các ngành giày da, may mặc, chế biến hải sản, xây dựng, công nghiệp ôtô, điện-điện tử, chế biến gỗ … do không có đơn đặt hàng, không tiêu thụ được sản phẩm nên đã thu hẹp sản xuất, hoặc ngừng hoạt động dẫn đến cắt giảm lao động.
Cũng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đơn đặt hàng của các làng nghề, hợp tác xã bị giảm đi hoặc không ký được, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào, không tiêu thụ được sản phẩm khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề việc làm và đời sống của người lao động. Theo báo cáo của 59 tỉnh, thành phố, đến hết tháng 9 năm 2009, số lao động mất việc làm ở trong khu vực làng nghề là 40.348 người (trong đó nữ là 16.632 người, chiếm 41,2%) và hơn 100 nghìn người thiếu việc làm phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm việc. Một số tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao như tỉnh Thái Bình 8.294 người, Hà Nam 4.583 người, Quảng Ngãi 3.013 người …
Với mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong những tháng vừa qua Chính phủ đã tập trung thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên tình hình kinh tế nước ta đã đạt được kinh tế tích cực. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2009 tình hình số lao động mất việc làm, thiếu việc làm của doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm.
Do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã trở lại bình thường, số doanh nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục tăng lên, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập nên nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp này trong 3 tháng cuối năm tăng cao. Tại tỉnh Bình Dương nhu cầu tuyển lao động 3 tháng cuối năm 2009 là 20.000 người; tỉnh Long An nhu cầu tuyển lao động 3 tháng cuối năm 2009 là 8.700 người; tỉnh Cà Mau nhu cầu tuyển dụng 3 tháng cuối năm 2009 là trên 3 nghìn người, tỉnh Vĩnh Long nhu cầu tuyển dụng 3 tháng cuối năm 2009 là trên 7 nghìn người …
Tại khu vực làng nghề, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, qua khảo sát thực tế cho thấy một bộ phận người lao động trong các làng nghề, hợp tác xã vẫn tiếp tục sản xuất, một bộ phận chuyển nghề sang làm việc khác kết hợp với làm nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập và đời sống không bị ảnh hưởng nhiều. Do tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như mây, tre đan …, thị trường nội địa đang được các làng nghề và cơ sở sản xuất hàng hóa trong nước tập trung khai thác nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản xuất nên nhiều làng nghề, hợp tác xã đã hoạt động kinh doanh ổn định trở lại, có nơi tăng nhu cầu tuyển dụng lao động.
2. Kết quả thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ đến hết quý III năm 2009:
a) Thực hiện chính sách cho vay đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn:
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tình hình triển khai cho vay đối với các doanh nghiệp tại các địa phương như sau:
– 01 doanh nghiệp Nhà nước ở Hải Phòng được vay số tiền là: 523.000.000 đồng để thanh toán nợ tiền trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho 33 người lao động bị mất việc làm;
– 01 doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Thanh Hóa được vay số tiền là: 1.563.000.000 đồng để thanh toán nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội cho 351 người lao động bị mất việc làm;
– 01 doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Sơn La được vay số tiền là: 254.000.000 đồng để thanh toán nợ tiền lương, tiền trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho 16 người lao động bị mất việc làm;
– 01 doanh nghiệp tư nhân ở TP Hồ Chí Minh được vay số tiền là: 2.050.000.000 đồng để thanh toán nợ tiền trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho 328 người lao động bị mất việc làm.
– 01 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai được vay số tiền là: 275.381.000 đồng để thanh toán nợ tiền lương, tiền trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho 33 người lao động bị mất việc làm.
– 02 doanh nghiệp tư nhân ở Nghệ An được vay số tiền là: 689.000.000 đồng để thanh toán nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho 453 người lao động bị mất việc làm.
Như vậy tính đến ngày 30/9/2009 đã có 7 doanh nghiệp đã được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng số tiền vay là: 5.345.000.000 đồng, thanh toán cho 1.204 người lao động bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã tiếp xúc và hướng dẫn cho 65 doanh nghiệp làm thủ tục hồ sơ để vay vốn với số lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp này là 8.681 người và dự kiến số vốn vay là 32.813.000.000 đồng.
b) Thực hiện chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn:
Tại tỉnh Đồng Nai có 02 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã tạm ứng Ngân sách địa phương với số tiền là 194.504.417 đồng để thanh toán tiền lương cho 252 người lao động bị mất việc làm tại 01 doanh nghiệp huyện Long Thành, còn 01 doanh nghiệp vẫn đang chờ các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ cho vay. Tại tỉnh Bình Dương có 9 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tạm ứng từ Ngân sách địa phương với tổng số tiền là 1.462.974.831 đồng và doanh nghiệp trả với số tiền là 21.323.875 đồng để thanh toán tiền lương cho 919 người lao động bị mất việc làm của 04 doanh nghiệp, còn 816 người lao động của 05 doanh nghiệp hiện đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành xác định. Đối với 2 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn ở thành phố Hồ Chí Minh, đến nay việc chi trả cho người lao động vẫn chưa tiến hành được do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó khăn trong việc xác định cụ thể thời điểm chủ doanh nghiệp bỏ trốn nên chưa phối hợp được với các cơ quan chức năng để tiến hành giải quyết cho người lao động.
c) Thực hiện chính sách cho vay đối với người lao động bị mất việc:
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 30/09/2009 mới có 07 người lao động bị mất việc làm được vay vốn để tạo việc làm và đi xuất khẩu lao động. Cụ thể tại tỉnh Cao Bằng có 03 người lao động được vay với tổng số tiền là 45.000.000 đồng để tự tạo việc làm, tỉnh Thanh Hóa có 04 người lao động được vay với tổng số tiền là 140.000.000 đồng, trong đó vay để tự tạo việc làm là 01 người với số tiền là 20.000.000 đồng, 03 người được vay với số tiền là 120.000.000 đồng để đi xuất khẩu lao động.
3. Những vấn đề tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg:
– Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế diễn ra từ năm 2008 nên đã có nhiều ý kiến đề xuất kiến nghị mở rộng đối tượng cho doanh nghiệp và người lao động đã mất việc làm trong năm 2008, đồng thời giảm điều kiện về số lượng lao động và tỷ lệ phần trăm số lượng lao động bị mất việc làm để các doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg.
– Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa hướng dẫn giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có chủ bỏ trốn làm mất sổ Bảo hiểm Xã hội của người lao động, có thu tiền bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm đóng của người lao động nhưng nợ cơ quan Bảo hiểm xã hội.
– Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhiều địa phương đề nghị Chính phủ cho phép ứng ngân sách địa phương để thanh toán trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (được thực hiện như ứng trả lương).
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM HẠN CHẾ LAO ĐỘNG BỊ THIẾU VIỆC LÀM, MẤT VIỆC LÀM VÀ ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT TRONG THỜI GIAN TỚI:
1. Tiếp tục theo dõi tình hình lao động mất việc làm, thiếu việc làm do suy giảm kinh tế ở các địa phương để có các giải pháp phù hợp, sửa đổi và bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
3. Tổ chức thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg và Thông tư Liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC.
4. Tăng cường công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm, lao động nông thôn, lao động trẻ.
5. Bổ sung nguồn vốn vay cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động bị mất việc làm năm 2009 và đẩy mạnh tạo việc làm trong khu vực phi chính thức.
6. Triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người thất nghiệp, nhất là về tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề để nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động. Tăng cường các biện pháp để quản lý lao động, có chính sách hỗ trợ lao động di cư.
7. Mở rộng các thị trường nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; phát triển thêm các thị trường lao động mới; ban hành và thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao đẩy mạnh xuất khẩu lao động; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài.
8. Tăng cường sự phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương trong quá trình thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg và Thông tư Liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC nêu trên.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
KT. BỘ TRƯỞNG |
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)